Phan Ý Ly: Tôi là ai?
Phan Ý Ly - Ảnh: CK |
Du học từ nước Anh trở về, cô gái sinh năm 1981 Phan Ý Ly đã đoạt giải đúp cho dự án "Cuộc đời của tôi - quan điểm của tôi" trong Ngày sáng tạo VN.
Thật ra đó chỉ là một trong những công việc mà Phan Ý Ly đang thực hiện dưới cái tên khá mới mẻ: nghệ thuật để phát triển cộng đồng.
"Thưa thầy, tại sao thầy lại hay quát mắng học sinh như thế? Thầy có bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh bị thầy mắng không ạ? Khi thầy quát mắng sai học sinh, thầy sẽ làm gì?". Tất cả những câu hỏi đó được học sinh cấp II ở xã NH, một địa danh cách Hà Nội gần 100km, đặt ra với một bạn học sinh nhập vai thầy giáo sau khi vở kịch do các em tự biên tự diễn kết thúc.
Ý Ly lật lại vấn đề: "Các em thử đặt mình vào vị trí của nhân vật xem vì sao thầy giáo lại hay quát mắng học sinh. Nào cùng suy nghĩ, nhắm mắt lại và tưởng tượng... Các em có muốn thay đổi vở kịch không?". Tất cả học sinh đều đồng thanh trả lời: "Thưa chị có ạ". "Vậy thì hãy diễn lại vở kịch và nói xem các em muốn thay đổi vở kịch như thế nào!".
Đóng kịch và cùng bàn bạc, sau đó tự rút ra bài học cho riêng mình một cách hoàn toàn tự nhiên là một hình thức của sân khấu phát triển cộng đồng. Ý Ly tham gia từng nhóm với tư cách người dẫn dắt, gợi mở cho họ khám phá và bày tỏ những khả năng, suy nghĩ cá nhân, đặt câu hỏi về những gì xảy ra xung quanh và tự định đoạt cho bản thân. Tôi là ai, tôi đang đứng ở đâu? Tôi có khả năng làm được những gì?...
Ít ai ngờ cô gái 25 tuổi lại đã có một bề dày kinh nghiệm hoạt động xã hội kha khá và việc đến với sân khấu phát triển cộng đồng là bước ngoặt trong hành trình đi tìm câu hỏi "Tôi là ai?" cho chính mình.
Phan Ý Ly còn là đạo diễn, người điều hành website và điều khiển một sân khấu dạng thể nghiệm của các bạn trẻ: sân khấu nháp. Ý Ly từng được mời tham gia hội trại biểu diễn nghệ thuật của sáu nước vùng sông Mekong do Hội Sân khấu giáo dục Philippines tổ chức hồi tháng 11-2005. Ngoài ra, Ý Ly được Quĩ dân số thế giới mời làm việc với tư cách là cố vấn cho dự án nghệ thuật vì sự phát triển.
Tự nhận là có chút máu nghệ sĩ và hơi "điên", mới 16 tuổi rưỡi Ly lên đường đi học đại học ngành tâm lý và xã hội ở Ấn Độ. Học một lèo hết ba năm rồi về lại VN. 19 tuổi đã đi làm cho Liên Hiệp Quốc với tư cách nhân viên dự án xóa đói giảm nghèo ở tít tận Hà Giang. Khi Hội đồng Anh tổ chức một khóa học về nghệ thuật và văn hóa trong phát triển, Ý Ly đăng ký tham gia dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ David Glass. Một tháng sau, Ý Ly giành được học bổng Chevening, trở thành người VN đầu tiên học thạc sĩ ở Anh cho một ngành học rất mới: nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội. Năm 2004, Ý Ly đặt chân sang Anh và bắt đầu khóa học ba tháng liên tục về kỹ năng chuyên môn. Sau đó là thời gian đi thực tế...
Mở đường
"Tôi chưa từng đến châu Phi, bởi vậy nhất định tôi phải đến đó". Ý Ly quyết như đinh đóng cột khi bắt đầu dự án cá nhân - một phần bắt buộc của khóa học thạc sĩ. Ý Ly tìm kiếm trên mạng rất lâu, và sau đó tìm thấy xóm liều Kibera ở thành phố Nairobi của đất nước Kenya, nơi đa số dân ngụ cư sinh sống trong cảnh nghèo đói, nơi mà cứ hễ nhắc tới là người ta liên tưởng đến HIV/AIDS, đến ma túy.
Có mặt ở Kibera từ tháng 11-2004, Ý Ly bắt đầu một hành trình gập ghềnh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thuê nhà cách xóm liều chừng 10 phút đi bộ, thế mà chỉ trong bốn tháng đôi xăngđan thể thao dùng để leo núi mòn vẹt đi vì đường sá lầy lội, nhấp nhô đá và chướng ngại vật.
Phan Ý Ly (đội mũ, áo trắng) tại buổi quay hình diễn kịch của nhóm thanh niên hoạt động xã hội tại xóm liều Kibera - Ảnh: David Payne |
Ba lần một tuần, cô tới Kibera làm việc trong văn phòng rách bươm của nhóm KCYP - một tổ chức thanh niên hoạt động xã hội tại xóm liều để hướng dẫn cho nhóm cách luyện kỹ năng làm người dẫn dắt và tổ chức hình thức sân khấu cộng đồng.
Cuộc sống ở một nơi ngột ngạt, cảm giác bất an thường trực và văn hóa khác biệt khiến Ý Ly có lúc có ý định bỏ việc và quay về nhà ngay tức khắc. Nhưng khi thư từ chia sẻ cảm giác đó với bạn bè, thầy cô, Ý Ly nhận được nhiều lời khuyên và lời động viên, trong đó có lời khuyên quí báu: "Hãy đối xử tốt với bản thân. Không nên dựa vào họ để giải tỏa tinh thần...".
Ý Ly chợt tỉnh. Cô tham gia khóa học nhảy salsa và quen biết thêm nhiều bạn mới. Cô hào hứng học thổ ngữ, tham gia những bữa tiệc "nghèo" với đồ ăn toàn trứng, cùng bè bạn say sưa khiêu vũ tại vũ trường qui mô cỡ... nhà kho trong bộ trang phục lao động. Cuộc sống dễ chịu hơn, công việc cũng trở nên trôi chảy hơn...
Kết quả là khi rời Kenya trở lại trường, bộ phim dài 30 phút có tên Một cuộc hành trình của Ý Ly đạt điểm cao nhất lớp và cô trở thành một trong số ít sinh viên có số điểm cao nhất khóa trong vòng 10 năm trở lại đây.
Dự án tiếp theo của Phan Ý Ly để hoàn tất tấm bằng thạc sĩ chính là dự án vừa đoạt giải Ngày sáng tạo VN, với chủ đề Sáng tạo vì trẻ em và thanh thiếu niên khó khăn, do Bộ Giáo dục - đào tạo và Ngân hàng Thế giới tổ chức trao giải hôm 17/6.
Đó là dự án khá táo bạo với ý tưởng trao máy quay phim vào tay các em nhỏ ở làng chài và bãi sông Hồng để các em tự làm phim về cuộc sống xung quanh mình, với sự dẫn dắt qua những quá trình sáng tạo và phân tích vấn đề của Ý Ly. Dự án sẽ hoàn thành vào tháng tư hoặc tháng 5-2007 và dự kiến sẽ được công bố rộng rãi.
Tuổi Trẻ