Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháo sáng có thể gây bỏng nặng nề chỉ trong chớp mắt

Nếu rơi vào người, pháo sáng có thể làm cháy quần áo và gây bỏng nặng nề chỉ trong chớp mắt.

Tối 11/9, một nữ cổ động viên phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng vì trúng pháo sáng khi xem trận cầu giữa CLB Hà Nội và Nam Định thuộc vòng 22 V.League tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội). Tai nạn khiến cô chảy máu ở vùng chân và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn.

bi thuong do phao sang anh 1
Duy Mạnh đến thăm CĐV nữ bị thương. Ảnh: CLB Hà Nội.

Đại tá, bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), cho hay pháo sáng chủ yếu có các chất tạo nhiệt như phốt pho, lưu huỳnh,…

Do đó, khi cháy, chúng có thể gây ra hỏa hoạn, bỏng và đặc biệt nguy hiểm ở những đám đông chen chúc. Pháo sáng trúng vào người sẽ gây cháy quần áo nhanh chóng và khi chúng rơi vào bộ phận nào của cơ thể sẽ lập tức gây bỏng ở đó.

Bỏng nhiệt do pháo sáng có thể làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, để lại sẹo trên da, nghiêm trọng hơn là gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời cho nạn nhân.

Bên cạnh đó, khi cháy, pháo sáng còn tỏa ra một lượng khói lớn, độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là trong những đám đông chật chội. Các đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi hít khói độc là người có tiền sử bị bệnh hen suyễn, hô hấp hay khó thở, tim mạch,… Thậm chí, người hít khói pháo sáng trong thời gian dài sẽ gây ngộ độc khí, phù nề da, cản trở hô hấp và suy hô hấp nguy hiểm tới tính mạng. Pháo sáng trúng vào mắt có thể gây mù rất cao.

Theo bác sĩ Tiến, nguy hiểm nhất của pháo sáng là gây cháy, bỏng nhiệt. Khi có người bị bỏng, trước hết, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt. Sau đó, người gặp nạn cần nhanh chóng được sơ cứu để hạn chế mức độ tổn thương.

Việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là rửa ngay vùng bị bỏng dưới vòi nước để làm giảm nhiệt độ bề mặt da, độ sâu của vết bỏng, nguy cơ gây sốc cho nạn nhân. Nếu không có nước, người dân có thể dùng đá chườm.

“Nhiều người sợ dùng nước sẽ gây phồng vết thương, nhưng đó là cách tốt nhất. Nếu phồng thì vết thương vẫn nhẹ, nông, dễ hồi phục. Chúng ta cần dùng nước hoặc đá để hạ nhiệt, nếu không sẽ gây bỏng sâu, hậu quả để lại nặng nề hơn”, bác sĩ Tiến cho hay.

Chuyên gia lưu ý không dùng nước bẩn để dội hoặc đắp lá, kem đánh răng vào vết bỏng, tránh chạm vào vùng bị tổn thương của nạn nhân. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm