Một trong những biểu tượng của bóng đá Italy ở thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước là pháo sáng. Hình ảnh những khán đài mờ ảo với làn khói mù mịt từng khiến nhiều thế hệ mê mẩn sự cuồng nhiệt đặc trưng của sân cỏ Italy.
Song thời gian đã chứng minh pháo sáng là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá hay nhiều nơi trên thế giới trở nên kém hấp dẫn và suy yếu như hiện tại.
Hình ảnh của Marco Materazzi và Manuel Rui Costa mang tính biểu tượng lớn, nhưng cũng đánh dấu sự sa sút của bóng đá Italy vì tình trạng bạo lực và cổ vũ quá khích. Ảnh: Getty. |
"Sợ" pháo sáng
Tại Champions League 2004/05, trận tứ kết lượt về giữa AC Milan và Inter Milan bị gián đoạn sau khi trọng tài từ chối bàn thắng cân bằng tỷ số của Esteban Cambiasso bên phía Inter. Những CĐV của Inter trên khán đàn ném pháo sáng xuống sân như cách để phản đối. Một trong những quả pháo sáng ấy rơi trúng vào vai của thủ thành Dida bên phía Milan.
Inter thua 0-1 khi kết thúc 90 phút và bị loại. Tuy nhiên, hệ lụy của trận cầu này kéo dài hơn thế. Inter sau đó bị UEFA xử thua 0-3 và phạt tiền. Dida của Milan từ một trong những thủ thành hay nhất thế giới khi ấy sa sút không phanh sau khi dính “đòn thù” từ CĐV Inter.
Thủ thành Dida bị dính quả pháo sáng vào vai và sa sút phong độ thảm hại sau đó. Ảnh: Getty. |
James Richardson, chuyên gia bóng đá Italy khi đó, thừa nhận với BBC rằng những gì diễn ra tại Giuseppe Meazza là “chuyện thường ngày” ở Italy. “Các CĐV luôn muốn ném thứ gì đó xuống sân. Vài năm trước, họ định mang hẳn một chiếc xe máy đang cháy vào sân để làm điều tương tự”, ông nói.
Pháo sáng hay chiếc xe máy đang cháy mà James nhắc tới, chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho sự quá khích của các CĐV Italy hay nhiều nơi khác trên toàn thế giới, những người coi bóng đá là cả cuộc đời của họ.
Lực lượng an ninh tại Italy khi đó đứng ngoài cuộc chơi bạo lực của các ultras. “Họ không muốn bước tới khu vực ấy, e ngại sự xuất hiện của mình có thể gây ra nhiều bạo loạn hơn”, James tiếp tục. Trong nhiều thập kỷ, đó là cách mà lực lượng an ninh tại Italy đối mặt với nạn CĐV quá khích (ultras) tại Italy: lờ đi và cầu trời mình không bị đụng tới.
Những nhóm ultras tại Italy thường tập trung khu khán đài phía sau 2 cầu môn. Khán đài phía bắc gọi là Curva Sud. Khán đài phía nam gọi là Curva Nord. Nơi đây là sự tụ họp cửa những CĐV máu lửa nhất, quá khích nhất. Quyền lực của nhóm CĐV này giúp họ có tiếng nói đáng kể tới cả những hoạt động của CLB.
Pháo sáng là đặc sản của bóng đá Italy và nhiều nơi trên thế giới. |
Bởi vậy, nhóm ultras này thường cho mình quyền tự tung tự tác. Quả pháo sáng ném vào vai Dida năm 2005 là một minh chứng rõ ràng. Song quả pháo sáng năm ấy cũng chính thức khiến món đồ chơi nhiều hoài niệm này bị cấm ở các khán đài tại Serie A từ đó tới nay.
Lực lượng an ninh được tăng cường hơn để sẵn sàng trấn áp những CĐV quá khích. Các sân vận động cũng chủ động chia khu cùng các hàng rào chắn để hạn chế những vật thể lạ có thể ném xuống sân.
Đó cũng là lý do khiến không khí cổ động tại các sân cỏ tại Italy thời nay trở nên thiếu sức sống hơn hẳn so với Anh hay Đức, những sân vận động có khu khán giả ngay sát mặt sân. Doanh thu thương mại của Serie A vì thế thuyên giảm, hình ảnh của giải đấu trong mắt những nhà đầu tư vì thế cũng chỉ thành thứ yếu.
Từ giải đấu số một thế giới, từng được coi là World Cup thu nhỏ trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, Serie A giờ sa sút không phanh vì pháo sáng. Premier League của Anh, Bundesliga của Đức hay La Liga của Tây Ban Nha đều là những giải đấu hiếm thấy sự xuất hiện của pháo sáng, và không quá khó để nhận ra đó là một phần lý do khiến người Italy tụt lại.
Ngay cả khi có Ronaldo, sân cỏ Italy vẫn không thể quay trở lại thời hoàng kim. Ảnh: Getty. |
Sự xấu xí của pháo sáng
Lực lượng an ninh đã vào cuộc một cách gắt gao hơn, song vẫn có không ít lần bóng đá Italy hay nhiều nơi khác trên thế giới phải xấu hổ vì đặc sản pháo sáng. Năm 2014, trong trận đấu giữa Italy và Croatia tại sân San Siro ở vòng loại Euro 2016, pháo sáng một lần nữa xuất hiện.
Lần này, chủ nhân là CĐV đội khách Croatia. Những quả pháo sáng liên tục được ném xuống sân, CNN khẳng định điểm đến của những quả pháo sáng này là thủ thành Gianluigi Buffon của Italy. Trận đấu kết thúc trong sự hỗn loạn giữa các cảnh sát Italy và CĐV Croatia.
UEFA phạt Croatia phải thi đấu trận lượt về trên sân nhà không có khán giả.
Pháo sáng được CĐV Albania tạo ra ngay trên sân khách. Ảnh: Getty. |
Năm 2017, các CĐV Albania làm loạn trên sân Renzo Barbera của Italy khi 2 đội chạm trán nhau tại vòng loại World Cup khi ném pháo sáng và bom khói xuống sân. FIFA phạt Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Albania 78.000 euro, phạt LĐBĐ Italy 12.000 euro.
Cũng trong vòng loại Euro 2016, trận đấu giữa Serbia và Albania đã bị hủy sau 42 phút thi đấu vì các CĐV đội chủ nhà ném pháo sáng cũng như buông các lời kích động tới Albania. Đội chủ nhà sau đó bị xử thua 0-3, bị trừ luôn 3 điểm ở vòng loại Euro.
Cả 2 liên đoàn đều bị phạt 100.000 euro. Serbia bị phạt phải thi đấu 2 trận tiếp theo trên sân không có khán giả.
Ngoài châu Âu, pháo sáng còn gây nhiều rắc rối ở châu Á. Năm 2015, trận đấu giữa Malaysia và Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2018 đã phải dừng lại sau khi CĐV Malaysia ném pháo sáng xuống sân. LĐBĐ Malaysia sau đó bị phạt 180 nghìn ringgit (tương đương 900 triệu), bị cấm thi đấu 1 trận trên sân nhà.
Pháo sáng hay CĐV quá khích từng báo hại Serbia thua trận và bị trừ 3 điểm tại vòng loại Euro 2016. Ảnh: Reuters. |
ĐT Việt Nam cũng từng suýt bị phạt vì pháo sáng khi mang đặc sản này tới AFF Cup hồi cuối năm 2018 trong trận đấu với Malaysia.
Trong bối cảnh LĐBĐ thế giới FIFA đang kêu gọi sự công bằng, văn minh trong việc phát triển bóng đá, gạt bỏ tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc, pháo sáng nên chỉ được giữ ngoài sân cỏ.