Croatia tự đẩy bản thân vào thế khó trước lượt trận cuối vòng bảng EURO 2024. |
Tuyển Croatia tự bắn vào chân mình trong trận hòa 2-2 trước Albania ở lượt trận thứ hai bảng B đêm 19/6. Điều này xảy ra sau thảm bại 0-3 trước Tây Ban Nha trong ngày ra quân. Đoàn quân HLV Zlatko Dalic đẩy bản thân vào thế khó, họ buộc phải thắng ở vòng cuối trước ĐKVĐ Italy để vớt vát hy vọng đi tiếp.
Phát biểu “Thi đấu tại EURO khó hơn World Cup” của Kylian Mbappe chính xác với trường hợp của Croatia. Tập thể từng về nhì và ba tại hai kỳ World Cup gần nhất chưa từng hưởng niềm vui tương tự ở đấu trường châu lục.
Trả giá đắt vì thiếu tập trung
Trong 45 phút hiệp một và 10 phút cuối trận gặp Albania, tuyển Croatia thể hiện hình ảnh quen thuộc tại EURO. Đó là đội bóng thất bại tại vòng 16 đội trong hai lần gần nhất giải đấu được tổ chức, hay chưa từng vượt qua vòng tứ kết trong lịch sử đấu trường này.
Sau khi trắng tay trước Tây Ban Nha ở lượt đấu đầu tiên của bảng B, “Vatreni” (biệt danh tuyển Croatia) hiểu rằng bản thân cần có khởi đầu tốt trước Albania để tạo điều kiện thuận lợi cho một chiến thắng. Điều ngược lại xảy ra chỉ sau 11 phút bóng lăn khi cú đánh đầu của Qazim Laci làm tung lưới thủ thành Dominik Livakovic.
Những phút sau đó, tuyển Croatia với mong muốn tìm bàn gỡ cố gắng chuyền bóng nhiều nhất có thể để tìm kiếm khoảng trống. Song, tỷ lệ kiểm soát bóng lên đến hơn 60% trong hiệp một không phát huy tác dụng khi các chân sút trên hàng công được cung cấp quá ít cơ hội.
Câu chuyện tương tự trận ra quân gặp Tây Ban Nha tái diễn. Ở đó, tập thể HLV Dalic kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương, đội bóng đầu tiên làm được điều này sau 136 trận đấu của “La Roja” kể từ chung kết EURO 2008, nhưng sau cùng nhận thất bại cay đắng.
Các cầu thủ Croatia cầm bóng nhiều nhưng vô hại trong khâu tấn công. Tuyển Albania vì vậy thoải mái nhường thế trận cho đối phương, như một đội quân thời trung cổ tham gia trận chiến chọn địa điểm phòng thủ lùi sâu, biết chắc rằng Croatia không thể xuyên thủng được họ.
Đoàn quân HLV Dalic trả giá đắt vì thiếu tập trung trước tuyển Albania. |
Không chỉ vậy, đoàn quân của HLV Sylvinho còn biết lựa thời điểm để vòng ra sau lưng và trừng phạt đối phương. Tuyển Croatia hứng chịu nhiều pha phản công nguy hiểm khi để mất bóng, và thậm chí có thể thủng lưới nhiều hơn nếu không có những pha giải cứu của thủ thành Livakovic.
Tuy nhiên, chiến thuật phòng ngự phản công của Albania không còn phát huy hiệu quả khi hiệp hai bắt đầu. HLV Dalic tung hai tiền vệ, Luka Sucic và Mario Pasalic, vào sân, và tuyển Croatia như biến thành một tập thể khác. Họ bắt đầu thể hiện đúng với hình ảnh á quân World Cup 2018.
Những áp lực liên tiếp sau đó cuối cùng được chuyển hoá thành hai bàn thắng trong chưa đầy 3 phút của Andrej Kramaric và pha đốt lưới nhà của Klaus Gjasula. 3 điểm tưởng như nằm chắc trong tay tuyển Croatia.
Trên các khán đài, những chiếc áo ca rô đỏ trắng được dịp khoe sắc. Các CĐV của “Vatreni” có lẽ nhớ về trận tứ kết World Cup 2022 gặp tuyển Brazil, nơi Modric cùng các đồng đội bị dẫn trước trong hiệp phụ nhưng vẫn có thể tìm cách lật ngược ván cờ, ghi bàn thắng gỡ hoà rồi đánh bại đối phương trên loạt luân lưu.
Đó là đặc trưng của Croatia trong thời kỳ của thế hệ vàng với Modric là trung tâm. Sự già rơ, điềm tĩnh đến đáng sợ, và khả năng tìm kiếm cơ hội trong những khoảnh khắc khó khăn nhất.
Đáng tiếc thay, đoàn quân HLV Dalic lần này rất khác. Croatia tự bắn vào chân mình và trả giá đắt. Sự thiếu tập trung nơi hàng thủ ở những phút bù giờ cuối cùng khiến họ bị gỡ hoà 2-2 sau pha lập công của Gjasula. Cầu thủ này cũng trở thành người đầu tiên trong lịch sử EURO vào sân từ ghế dự bị rồi vừa phản lưới, vừa ghi bàn.
Croatia phiên bản World Cup đâu rồi?
Những CĐV trong màu áo ca rô như chết lặng. Có lẽ họ gặp hiện tượng Deja vu, bởi đây thường là phiên bản tuyển Croatia ở các vòng chung kết EURO.
Thành tích của tuyển Croatia tại các kỳ EURO không thể sánh ngang với tại World Cup. |
Tại Euro 2020, đội bóng của HLV Dalic thủng lưới hai lần trong hiệp phụ và nhận thất bại 5-3 trước Tây Ban Nha ở vòng 16 đội. Trước đó, cũng ở vòng đấu này vào năm 2016, đội bóng Nam Âu bị tuyển Bồ Đào Nha chọc thủng lưới khi hiệp phụ còn 3 phút và bị loại đầy cay đắng.
Ở EURO 2012, “Vatreni” thậm chí không thể vượt qua vòng bảng khi nhận bàn thua từ tuyển Tây Ban Nha ở phút 88 tại lượt trận cuối. Kịch bản tương tự từng xảy ra trong trận tứ kết giải đấu được tổ chức năm 2008, khi Croatia vươn lên dẫn trước Thổ Nhĩ Kỳ ở những phút cuối cùng của hiệp phụ nhưng sau đó vẫn bị gỡ hoà và cuối cùng thua trên loạt luân lưu.
Nói vậy để thấy một Croatia bản lĩnh và cứng cáp tại đấu trường World Cup chưa bao giờ hiện diện tại EURO. Trận hòa 2-2 trước tuyển Albania hôm 19/6 là ví dụ tiêu biểu về sự thiếu tập trung ở những thời khắc quan trọng nhất của đội bóng này tại cúp châu Âu.
Có lẽ với Modric và các đồng đội, phát biểu của Mbappe rất đúng. EURO là bài toán khó với đoàn quân HLV Dalic. Nếu không thể giành chiến thắng trước tuyển Italy tại lượt trận cuối bảng B, giải đấu trên đất Đức hè này sẽ kết thúc sớm với Croatia.
Trong trường hợp không thể làm nên chuyện tại EURO 2024, có lẽ sẽ rất lâu nữa tuyển Croatia mới lại có cơ hội chuộc lỗi tại đấu trường này, bởi thế hệ vàng gồm Modric, Mateo Kovacic, Marcelo Brozovic, Ivan Perisic hay Andrej Kramaric đang đi đến hồi kết, trong khi Ivan Rakitic và Mario Mandzukic đã chia tay ĐTQG từ lâu.
Mục Thể thao giới thiệu cuốn “Death or Glory: The Dark History of the World Cup” của tác giả Jon Spurling vào năm 2010. Cuốn sách viết về những chuyện hậu trường xung quanh các đội bóng lớn như Brazil, Argentina, Italy, Đức... xuyên suốt các kỳ World Cup từ 1930 đến 2006.
Bình luận