Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại tại miền Bắc, các phụ huynh thường đặc biệt quan tâm tới vấn đề bệnh lý của trẻ liên quan tai mũi họng. Nhiều cha mẹ truyền tai nhau thông tin nước mũi của con màu vàng xanh là bé đã nhiễm vi khuẩn, một số người thậm chí đã cho trẻ dùng ngay kháng sinh.
Dù màu nước mũi là dấu hiệu để cha mẹ lưu ý về sức khỏe của con nhỏ, bác sĩ chuyên khoa I Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, khẳng định: "Hiện tại, chưa có bất cứ tổ chức chuyên môn nào đưa ra hướng dẫn dựa trên màu sắc nước mũi để phân biệt nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hay virus".
Cha mẹ cần nắm rõ dấu hiệu liên quan màu nước mũi của trẻ để tránh các biện pháp không phù hợp. Ảnh minh họa: Integris. |
Ngoài ra, theo bác sĩ này, nhiễm trùng đường hô hấp không có biến chứng thì không buộc phải sử dụng kháng sinh. Chúng ta hoàn toàn có thể trì hoãn việc sử dụng kháng sinh và tiếp tục chăm sóc, theo dõi các triệu chứng của bệnh để đưa ra giải pháp tối ưu hơn, tránh để lại những hậu quả không mong muốn cho trẻ do dùng thuốc tùy tiện. Do đó, cha mẹ cần nắm chắc các dấu hiệu từ màu sắc nước mũi để có biện pháp xử lý tốt hơn.
Nước mũi màu trắng
Bác sĩ Xuân Thi nhận định: "Khi trẻ ngạt hay tắc mũi, chúng ta thường thấy nước mũi của bé có màu trắng. Nguyên nhân là trẻ có thể bị viêm, sưng nề các niêm mạc mũi, khiến dịch nhầy trong mũi chảy ra chậm".
Tình trạng ngạt mũi làm mất nước, dẫn đến nước mũi trở nên đặc, thậm chí có màu đục. Dấu hiệu cho thấy trẻ có thể trong giai đoạn ủ bệnh cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn khác. Các triệu chứng của cảm lạnh thường phát triển từ một đến 3 ngày sau khi tiếp xúc virus.
Một số triệu chứng khác của cảm lạnh là đau họng, tắc mũi, ho, hẳt hơi, sổt nhẹ (thường dưới 38 độ), nhức đầu nhẹ.
Nước mũi màu xanh vàng
Theo bác sĩ Thi, chất nhầy màu xanh vàng có thể là dấu hiệu của mọi loại vi khuẩn hay virus nào trẻ mắc phải. Do đó, việc cho rằng nước mũi màu xanh vàng đồng nghĩa trẻ nhiễm vi khuẩn, từ đó buộc phải sử dụng thuốc kháng sinh là sai lầm.
"Tình trạng chảy nước mũi nhầy màu xanh vàng thực tế là dấu hiệu tốt. Nguyên nhân là cơ thể của trẻ đang chiến đấu trở lại với bệnh. Hệ thống miễn dịch đang hoạt động mạnh để chống lại tình trạng nhiễm trùng", bác sĩ này giải thích.
Màu xanh vàng của nước mũi xuất phát từ các tế bào khi tham gia diệt vi trùng xâm nhập. Các tế bào này chứa một loại enzyme màu xanh lục. Với số lượng lớn, chúng có thể khiến dịch nhầy chuyển thành màu giống nhau. Khi các tế bào hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ bị loại bỏ trong mũi của trẻ cùng các chất thải khác, từ đó khiến nước mũi chảy ra có màu xanh vàng.
Do đó, tình trạng chảy nước mũi màu xanh vàng không quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. Chúng ta chỉ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ khi nghi ngờ bé bị viêm xoang do vi khuẩn hoặc một số biến chứng khác. Một số dấu hiệu của viêm xoang là: nước mũi xanh vàng kèm theo sốt kéo dài (3-4 ngày liên tiếp), nhức đầu xung quanh hoặc sau ổ mắt, nặng hơn khi cúi đầu, sưng mắt hay quầng thâm quanh mắt, khó chịu, nôn ói liên tục, bệnh kéo dài trên 7-10 ngày.