Một nghiên cứu mới cho thấy 90% số sản phẩm của các hãng nước đóng chai nổi tiếng trên thế giới có chứa các hạt nhựa siêu nhỏ.
Nghiên cứu 259 chai nước của 11 hãng, từ 19 địa điểm tại 9 quốc gia, cho thấy trung bình một lít nước đóng chai có chứa 10 hạt nhựa siêu nhỏ (kích cỡ khoảng 0,1 mm). Trong số 259 chai tham gia thử nghiệm, chỉ có 17 chai không chứa hạt nhựa.
Đây là dự án nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học New York kết hợp với Orb Media thực hiện. Họ cho biết phát hiện “lượng hạt nhựa trong nước đóng chai cao gấp đôi” so với nghiên cứu trước đó của họ về nước máy.
Một sợi nhựa siêu nhỏ trong nước đóng chai. Ảnh: Theguardian. |
Loại hạt nhựa phổ biến nhất được tìm thấy trong các chai nước là polypropylene - loại nhựa được dùng để làm nắp chai. Các chai nước này được lấy từ Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Lebanon, Kenya và Thái Lan.
Các nhà khoa học sử dụng thuốc nhuộm Nile Red để nhận biết các phần tử trong nước. Loại thuốc nhuộm này có xu hướng bám vào bề mặt các hạt nhựa mà không bám vào phần lớn các chất hữu cơ.
Nghiên cứu này chưa được xuất bản và chưa được các nhà khoa học khác đánh giá. Tiến sĩ Andrew Mayes thuộc Đại học East Anglia, người phát triển kỹ thuật Nile Red, cho biết ông hài lòng vì thuốc được sử dụng cẩn thận và chuẩn xác.
Một nghiên cứu thứ 2 mới được công bố của Tổ chức Story of Stuff khảo sát 19 nhãn nước đóng chai ở Mỹ và phát hiện 1 lít nước trung bình chứa khoảng 58,6 hạt nhựa.
Bà Abigail Barrows, người tiến hành nghiên cứu của Story of Stuff, cho biết hạt nhựa có thể vào trong chai nước theo nhiều cách: “Các hạt nhựa siêu nhỏ rất dễ phát tán trong không khí. Rõ ràng điều đó xảy ra không chỉ ngoài mà còn trong nhà máy. Có thể là từ quạt hoặc quần áo công nhân”.
Tuy nhiên, các công ty phủ nhận kết quả nghiên cứu của Orb Media và khẳng định quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn cho người dùng, đồng thời cho rằng phương pháp thử nghiệm dùng Nile Red là “không rõ ràng”, dễ cho ra kết quả không chuẩn xác.
Đến nay, tác động của hạt nhựa siêu nhỏ lên sức khỏe con người vẫn chưa có kết luận cụ thể, cũng như không có mức tiêu thụ an toàn được đưa ra. Liên hiệp Thực phẩm và Nông nghiệp Mỹ bày tỏ lo ngại một số hạt có thể đủ nhỏ để vào trong máu hoặc nội tạng.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này không nhắm vào nhãn hàng, mà họ muốn chứng tỏ các hạt nhựa đang xuất hiện khắp nơi, từ không khí tới nước uống, từ đại dương tới núi cao, tiềm ẩn nguy cơ tác động tới sức khỏe của con người trong tương lai.