Phát hiện 'quái vật biển' khổng lồ
Các thợ lặn vừa chụp được hình ảnh của một sinh vật biển khổng lồ và kỳ lạ ngoài khơi bờ biển Tasmania, Australia.
Sinh vật biển có tên Pyrosome được phát hiện ngoài khơi Australia. |
Theo Daily Mail, Pyrostremma spinosum (hay pyrosome) - tên khoa học của con vật - là sinh vật cực kỳ hiếm, còn được gọi là "Kỳ lân biển". Chiều dài thân của chúng có thể lên tới 30 m, tương đương hai chiếc xe bus hai tầng. Pyrosome có thân rỗng và trong suốt, cơ thể hình trụ được tạo thành từ hàng nghìn zooid - một loại sinh vật vô tính. Những con zooid có nhiệm vụ dùng vòi hút nước để hấp thụ sinh vật phù du, sau đó đẩy nước thải ra ngoài.
Mỗi zooid chỉ có kích thước vài mm. Chúng kết nối với nhau bằng mô và di chuyển như một thể thống nhất bên trong cơ thể con pyrosome. Pyrosome có một chiếc vòi dài và miệng của nó rộng khoảng 2 m.
Cận cảnh loài zooid, sinh vật tạo thành pyrosome. |
Loài pyrosome thường bơi tự do và sống ở những vùng nước sâu xa đất liền. Vì vậy, chúng rất hiếm khi lộ diện và chỉ các nhóm thợ lặn mới có thể gặp chúng.
Rebecca Helm, nhà nghiên cứu của tờ Deep Sea News, miêu tả: "Chúng là những sinh vật khổng lồ, hình thù kỳ dị và bơi ở những vùng nước sâu. Chúng di chuyển chậm và có cơ thể mỏng manh, mượt".
Michael Baron, một thợ lặn ở trung tâm Eaglehawk, đã quay được sinh vật biển khổng lồ ở ngoài khơi bán đảo Tasman. Ông nói đó là một trong số ít khu vực trên thế giới mà sinh vật phù du tập trung với mật độ lớn. Baron cũng từng quay một sinh vật salp (động vật có túi bao) tương tự pyrosome nhưng các cá thể thuộc loài này lớn hơn các sinh vật zooid.
Một con salp. |
Clip sinh vật pyrosome. |
Bình An
Theo Infonet