Hình ảnh thiết bị siêu nhỏ có thể làm khó giám thị trong kỳ thi năm nay |
Chiều nay (3/7), ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng đào tạo ĐH Phòng cháy chữa cháy - cho biết, trường mới sưu tầm được một thiết bị rất tinh vi, thí sinh có thể dùng gian lận thi cử trong kỳ tuyển sinh này.
Đó là loại tai nghe siêu nhỏ, dùng sóng truyền tín hiệu nên không cần dây; nếu gắn bộ phát vào người sẽ tự động kết nối qua hệ thống mic với âm thanh nghe rất rõ.
Bởi vì không dây và thí sinh có thể nhét sâu vào trong tai nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Thiết bị này được ĐH Phòng cháy chữa cháy thuê về cho các giám thị xem tận mắt.
Để có thể phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị này, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, giám thị cần hết sức chú ý quan sát hành vi của thí sinh.
Thường thiết bị sẽ được nhét vào phía tai ngược với tay viết. Cụ thể, nếu viết tay phải, thí sinh sẽ nhét thiết bị vào tai trái. Nguyên nhân, xu hướng người viết thường nghiêng đầu về bên phải mà nếu nghiêng lâu thiết bị sẽ bị tuột ra bên ngoài.
“Tuy nhiên, có một điểm, thí sinh muốn truyền thông tin ra ngoài thì phải đọc đề, điều này giám thị chỉ cần chú ý quan sát là có thể biết được” - Ông Hải cho hay.
Việc chống gian lận thi cử, đặc biệt là thời buổi của những thiết bị công nghệ cao hiện nay luôn khiến các Hội đồng thi đau đầu.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hiền - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp (ĐHSP Hà Nội) cho biết, nhà trường đã tổ chức tập huấn đến các giám thị rất bài bản; có mời cả bên an ninh đến giúp lưu ý các thiết bị công nghệ cao thí sinh có thể sử dụng gian lận trong phòng thi.
Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc hàng đầu trường luôn lưu ý là không gây căng thẳng cho thí sinh trong bất kỳ tình huống nào.
Theo đó, quy trình “3 bước” được trường đặt ra:
Bước 1: Quan sát kĩ thí sinh.
Bước 2: Nếu thấy có dấu hiệu bất thường sẽ đến gần thí sinh hơn như thực hiện kiểm tra giấy tờ… Nếu sau đó thực sự thấy cần xác minh mới báo cáo Hội đồng thi.
Bước 3: Xử lý trường hợp vi phạm theo quy định
Tuy nhiên, việc thực hiện bước 3, kiểm tra, xử lý phải đợi đến gần cuối giờ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh.
Còn tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những thiết bị công nghệ cao thay đổi liên tục, đâu phải năm nào cũng giống như năm nào, bởi vậy việc này cũng đã được nhà trường quán triệt đến các giám thị.
Ví dụ, có thể vẫn cho phép thí sinh đeo đồng hồ vào phòng thi, nhưng với các em này, giám thị sẽ phải để ý, giám sát.
Với chuyện thi kèm, thường những đối tượng này sẽ làm hồ sơ để có họ tên, thậm chí cả ngày tháng năm sinh đều rất giống nhau với mong muốn có nhiều cơ hội nhất được ngồi gần. Bởi vậy, nếu thấy có những điểm trùng hợp đáng ngờ, giám thị sẽ bố trí ngồi xa những đối tượng này.
Riêng thi hộ, nhà trường luôn lưu ý, cẩn trọng nhưng chưa năm nào phát hiện có hiện tượng tiêu cực này.