“Cắt tuyến giáp mà vẫn giữ được giọng nói, tôi mừng lắm” là câu đầu tiên chị N.T.A.T. nói với ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - khoa Nội tiết - Đái tháo đường và ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng - khoa Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong ngày tái khám 5/5. Sức khỏe chị T. hiện ổn định, vết thương khô, dần lành lặn, giọng nói trong trẻo, không khàn.
“Chị T phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm nên điều trị thuận lợi, không ảnh hưởng đến tuổi thọ và có cuộc sống như người bình thường”, bác sĩ Trâm nhận định.
Ung thư không triệu chứng
Trong đợt khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức, chị T. phát hiện thùy trái tuyến giáp có nhân, nghi ngờ ung thư. Tiếp tục khám ở hai bệnh viện lớn tại TP.HCM, kết quả như chẩn đoán ban đầu.
“Lúc đó tôi không tin mình bị ung thư tuyến giáp, bởi không có dấu hiệu. Tôi vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường”, chị T. kể lại.
Qua tham khảo thông tin từ người thân, đồng nghiệp, chị T. quyết định đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám lần nữa.
Bác sĩ Trâm khám và điều chỉnh liều thuốc hormone cho người bệnh. |
Vào tháng 4, khi tiếp nhận người bệnh, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng cầm hồ sơ bệnh án, quan sát thấy vùng cổ phình to và có khối di động theo nhịp nuốt. Bác sĩ Hằng chỉ định siêu âm, kết quả ghi nhận thùy trái tuyến giáp có bướu, kích thước 6,6 cm, không tăng sinh mạch máu, nghi ngờ xâm lấn vỏ bao mặt sau.
Trên siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến giáp nên người bệnh được chọc hút bướu tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNAC) xâm lấn tối thiểu, dưới hướng dẫn của hình ảnh siêu âm. Kết quả nghi ngờ Carcinom dạng nhú (nhóm V theo Bethesda - ung thư tuyến giáp dạng nhú).
Người bệnh cần phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Bác sĩ Hằng tư vấn biến chứng có thể xảy ra như khàn tiếng, giọng nói khào; chảy máu 24-48 tiếng sau mổ; tê yếu tay, chân do phẫu thuật tác động đến tuyến cận giáp; tụ dịch tại lỗ gây sưng, phù nề vùng cổ.
Thành công nhờ cắt và cầm máu cùng lúc
Sau đó, bác sĩ Hằng và ê kíp bác sĩ Trung tâm Tim mạch phẫu thuật cắt tuyến giáp cho chị T. Do tuyến giáp nằm trước cổ, dính liền hai tuyến cận giáp trên và hai tuyến cận giáp dưới, phía sau là dây thần kinh quặt ngược thanh quản, ê kíp phải cẩn trọng rạch da cổ, khéo léo đưa dao siêu âm (Harmonic Scaple) cắt toàn bộ tuyến giáp. Nhờ đó, tỷ lệ chảy máu thấp, giảm thời gian phẫu thuật, ít tổn thương mô xung quanh. Sau 90 phút, bác sĩ Hằng thông báo: “Phẫu thuật hoàn thành”.
Bác sĩ Hằng và ê kíp bác sĩ phẫu thuật cắt tuyến giáp cho chị T. |
Những giờ đầu sau mổ, chị T. có thể cất giọng nói như trước. Hàng ngày, người bệnh được dùng giảm đau bổ sung canxi, đồng thời điều dưỡng nhẹ nhàng tháo gạc, rửa vết thương. Chị T. được xuất viện sau hai ngày chăm sóc tích cực, vết thương khô ráo, chỉ số hiệu sinh (huyết áp, oxy máu…) ổn định.
Bác sĩ Trâm tư vấn sau phẫu thuật, người bệnh có thể cần điều trị thêm với i-ốt phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát. Trường hợp của chị T., kết quả sinh thiết, giải phẫu bệnh cho thấy khối u không xâm lấn, không còn tế bào ung thư nên không cần dùng phương pháp uống i-ốt phóng xạ. Tuy nhiên, do cắt trọn tuyến giáp, người bệnh cần sử dụng thuốc hormone giáp suốt đời.
Bác sĩ Trâm cho biết ung thư tuyến giáp (bướu cổ ác tính) xảy ra khi tế bào trong tuyến giáp phát triển đột biến và nhân lên nhanh chóng, hình thành khối u.
Ở giai đoạn trễ, khối u lan đến mô mềm ở cổ, hạch bạch huyết, phổi, xương. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, khoảng 30% ca bệnh bị ung thư di căn, chủ yếu đến hạch bạch huyết ở cổ; 1-4% ung thư di căn bên ngoài cổ đến cơ quan khác như phổi và xương.
Để phát hiện sớm bệnh tuyến giáp cũng như bướu cổ ác tính, bác sĩ Trâm khuyến cáo người dân nên khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi bác sĩ chẩn đoán bướu cổ, người bệnh nên uống thuốc theo chỉ định, tái khám định kỳ, không tự điều trị theo truyền miệng dân gian khiến bệnh trở nặng, điều trị khó khăn.
Giúp người dân tìm hiểu về bệnh bướu giáp nhân, ung thư tuyến giáp với biến chứng nguy hiểm và cách điều trị, Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề “Tìm hiểu bướu giáp nhân, ung thư giáp và tiến bộ điều trị hiện nay”.
Chương trình được phát sóng trực tiếp lúc 20h ngày 11/5 trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (tamanhhospital.vn) và Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em và người lớn VNVC (vnvc.vn), kênh YouTube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và VNVC. Chương trình có sự tham gia của chuyên gia hàng đầu tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, gồm: TS.BS Lâm Văn Hoàng khoa Nội tiết - Đái tháo đường; ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông khoa Ngoại vú; ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch. Độc giả có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây.