Chỉ đến khi bắt đầu học để thi IELTS, Lê Huy mới biết mọi thứ không đơn giản như những gì người ta nói, những bài viết trẻ em đạt 7.5 IELTS khiến em áp lực. Ảnh: NVCC. |
“Trước đây, khi mới chỉ dự định học IELTS, em nghĩ học chứng chỉ này dễ lắm bởi thấy nhiều bài viết khoe thành tích điểm cao trên mạng xã hội. Thế nhưng, khi học rồi, em mới biết để tăng thêm 0.5 điểm IELTS, thí sinh cũng phải vất vả ngày đêm".
Đó là chia sẻ của Lê Huy (học sinh lớp 11 ở Hà Nam). Không riêng Huy, hiểu lầm, áp lực cũng là trạng thái mà nhiều học sinh, phụ huynh gặp phải khi đọc được những bài viết khoe thành tích, khoe chứng chỉ ngoại ngữ trên mạng xã hội.
Áp lực từ đủ phía
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Lê Huy cho biết từ hè lớp 10, em bắt đầu tham gia học thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS để sử dụng trong xét tuyển đại học. Trước đó, trong quá trình tìm hiểu, thuật toán mạng xã hội khiến Huy thường xuyên nhìn thấy các bài viết liên quan đến chứng chỉ này.
Không ít trong số đó là những bài viết với tiêu đề “đạt điểm cao dù không ôn tập nhiều”, “học sinh lớp 13-14 tuổi đạt 7.5 IELTS”. Điều này khiến những “người mới" như Huy hiểu lầm về IELTS, cho rằng chứng chỉ này rất dễ học, không mất nhiều thời gian để có đạt số điểm nhất định.
Không những thế, Huy nhận thấy những bài viết kiểu này còn khiến học sinh đang ôn thi gặp áp lực, tự nghĩ bản thân yếu kém khi ra sức đầu tư tiền bạc, thời gian mà không bằng các em nhỏ tuổi hơn.
“Suy nghĩ này tác động lớn đến tâm lý học sinh. Nếu tinh thần không vững, đọc được các bài viết này, học sinh dễ dao động, sinh ra chán học", Huy phân tích.
Minh Ngọc (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) cũng cho biết rất nhiều lần em đọc được những bài viết tương tự trên mạng xã hội. Nữ sinh chỉ ra “công thức” chung cho những bài viết như vậy là “học sinh nhỏ tuổi + điểm cao IELTS/TOEIC + tự học ở nhà + đạt điểm cao trong lần thi đầu tiên/đạt điểm cao chỉ sau vài tháng ôn tập”.
Là học sinh, Ngọc hiểu được vì sao các trang mạng thường đăng tải bài viết với công thức chung như vậy. Cụ thể, nữ sinh cho rằng mọi người sẽ thường tò mò với những trường hợp không học thêm vẫn giỏi, muốn biết bí quyết học giỏi của người ta là gì để học theo.
Hơn nữa, các bài thi năng lực ngoại ngữ quốc tế như IELTS và TOEIC lại đang hot tại Việt Nam, mọi người sẽ càng quan tâm đến những trường hợp đạt điểm cao trong các bài thi này.
Tuy nhiên, những học sinh như Ngọc lại cảm thấy khá mệt mỏi với những bài viết có nội dung như vậy. Thứ nhất là những bài viết đó khiến nữ sinh thấy áp lực đồng trang lứa vì mình không giỏi bằng các bạn. Thứ hai là phụ huynh sẽ lại tạo ra khuôn mẫu mới cho nhân vật “con nhà người ta”, từ đó gây ra sức ép vô hình cho con cái.
Chung quan điểm với Minh Ngọc, Thảo Nguyên (26 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng cho rằng những bài viết “quảng cáo” quá mức về người đạt điểm cao IELTS, TOEIC hay những chứng chỉ ngoại ngữ khác sẽ gây ra áp lực cho học sinh.
Bản thân Thảo Nguyên chưa có con nên không bị “nhiễm” tâm lý con mình phải giỏi như con nhà người ta, nhưng cô đã được chứng kiến điều đó từ gia đình anh chị họ của mình.
Cháu của Nguyên mới lên lớp 8 nhưng đã được cha mẹ cho đi học IELTS với mục đích trau dồi tiếng Anh và chuẩn bị cho các kỳ thi sau này. Nhiều lần, cô thấy cháu mình bị bố mẹ cằn nhằn trong bữa cơm vì học IELTS mãi không tiến bộ, “không giỏi như các bạn trên mạng”.
“Khổ lắm, mình khuyên mãi mà anh chị có nghe đâu. Cho học sinh lớp 8 học IELTS là mình đã thấy quá sức lắm rồi, đằng này anh chị mình còn đòi con phải giỏi như những người được khoe trên mạng thì chỉ làm khổ con thôi”, Nguyên nói.
Những bài viết “quảng cáo” quá mức về người đạt điểm cao IELTS, TOEIC sẽ gây ra áp lực cho học sinh. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Có được chứng chỉ điểm cao không hề dễ
Trao đổi với Tri thức - Znews, Lê Huy thừa nhận mọi người nỗ lực và đạt kết quả cao là điều đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiều người lại muốn khoe thành tích mà không ngại thổi phồng thông tin.
“Nhiều bạn nói không ôn tập nhiều, không học thêm nhưng thực chất, nếu không có vốn tiếng Anh cực tốt, thí sinh rất khó để đạt được thành quả cao nếu không trải qua quá trình trau dồi”, Huy phân tích.
Là người trực tiếp học chứng chỉ IELTS, Huy nhìn nhận không đơn giản để đạt điểm cao, bởi tiếng Anh trong IELTS khác biệt nhiều so với tiếng Anh phổ thông, đòi hỏi hiểu biết về kinh tế, xã hội… Huy mô tả thời gian đầu, khi mới tiếp xúc với IELTS, em cảm giác “khó kinh khủng”.
Thời gian, công sức bỏ ra để học ôn chứng chỉ này là rất lớn, chính vì vậy, Huy khuyên những bạn đang có dự định học IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ khác khi đọc được những bài viết khoe thành tích thì không nên quá áp lực, phải giữ vững tinh thần bởi chưa chắc thông tin đó là thực.
Tương tự, điều Minh Ngọc không đồng tình với các bài viết khoe thành tích ngoại ngữ chính là sự mập mờ trong việc nói về kết quả đạt được. Học IELTS một thời gian dài, nữ sinh hiểu rõ sự vất vả khi học và thi chứng chỉ này.
Hiện, Ngọc cũng đang ôn thi IELTS để chuẩn bị cho việc tuyển sinh đại học sắp tới. Để đạt được mục tiêu 7.5 IELTS, nữ sinh gần như học không ngừng nghỉ. Ngoài 4 buổi học ở trung tâm, cô phải tự luyện đề ở nhà, thậm chí lúc đi đường cũng tranh thủ mở file nghe để luyện kỹ năng Listening.
Do đó, nữ sinh lo rằng nếu dân mạng cứ truyền nhau những bài viết với nội dung “đạt IELTS cao chỉ sau 2 tháng ôn thi”, “đạt IELTS cao mà không cần học thêm”, mọi người sẽ tưởng rằng học IELTS dễ, từ đó sinh ra tâm lý không cần cố gắng vẫn đạt được điểm cao.
“Mọi người cứ tung hô những nhân vật đạt IELTS cao sau vài tháng thi nhưng mọi người đâu biết trước đó người ta đã phải vất vả học tiếng Anh thế nào. Có thể người ta đã học tiếng Anh rất nhiều năm, sử dụng tiếng Anh rất nhuần nhuyễn nên lúc thi IELTS mới thuận lợi như vậy, chứ không có chuyện học vài tháng đã có điểm cao ngay được”, Minh Ngọc nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.