Mấy ngày qua, các diễn đàn mạng nổi lên bàn tán về phim Cô dâu 8 tuổi (Balika Vadhu) gần 2.000 tập thuộc thể loại soap opera (loạt phim hoặc kịch nhiều kỳ trên truyền hình) của Ấn Độ đang phát sóng trên một kênh truyền hình của Việt Nam vừa dài vừa dai vừa dở. Một vài tờ báo cũng không đứng ngoài cuộc, “thổi” vấn đề lên.
Cả thèm, chóng chán
Thực ra, phim thuộc thể loại soap opera kéo dài đến hàng ngàn tập là chuyện bình thường trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, sau bộ phim Đời sống chợ đêm dài hơn 500 tập, phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long thời gian qua, có lẽ lần đầu khán giả bắt gặp bộ phim có số tập lên đến hàng ngàn như vậy. Dài hay ngắn không quan trọng, điều đáng nói là chất lượng phim không đủ cuốn hút người xem nên gây ngán. Không hiểu sao những phim như vậy lại được chọn nhập về.
Cảnh trong phim “Hôn nhân trong ngõ hẹp” - bộ phim của VFC thu hút người xem đang phát sóng trên VTV3.(Ảnh do đoàn phim cung cấp) |
Sau cơn “sốt” phim Hàn Quốc kéo dài hằng chục năm, khán giả Việt bắt đầu giảm nhiệt. Những câu chuyện tình cảm yêu đương tay ba, tay tư gắn với những số phận ngang trái, éo le dần dần không còn lấy được nước mắt người xem. Những gương mặt nam thanh, nữ tú trên màn ảnh của phim Hàn về sau này không còn đủ sức làm khán giả Việt “say nắng”. Các nhà kinh doanh phim truyền hình bắt đầu tìm đến những kho phim khác thuộc các nước trong khu vực để tìm nguồn cung mới. Thái Lan, Philippines, Ấn Độ là những điểm đến mới và họ đã thành công bước đầu.
Công chúng xem phim Việt Nam rất nhanh chóng tiếp nhận cái mới, những bộ phim hay nhất, có chỉ số người xem cao nhất ở những nước này đã xuất hiện ngày một nhiều trên các kênh truyền hình xã hội hóa (do nhà nước quản lý, tư nhân điều hành) và lan cả sang các kênh truyền hình quốc gia. Khán giả hâm mộ phim Thái Lan, Philippines cũng không kém phim Hàn. Đôi diễn viên chính trong bộ phim truyền hình Philippines Trái tim bé bỏng được cho là “làm mưa, làm gió” trên màn ảnh nhỏ Việt đã có mặt tại TP HCM để giao lưu cùng khán giả Việt Nam.
Nhưng rồi, “cả thèm, chóng chán”, những cảm xúc mới mẻ mang lại từ những bộ phim hay nhập về lúc đầu của phim Thái Lan, Ấn Độ, Philippines không đủ kéo dài và khỏa lấp được cảm giác hụt hẫng của những bộ phim kém sức hút cứ kéo đến màn ảnh Việt ngày càng nhiều. Khi thấy ăn khách, đơn vị nào cũng đổ xô nhập về để khai thác và đương nhiên phim hay không có nhiều, lại bị đẩy giá cao nên sự lựa chọn không thể khác hơn của các nhà nhập khẩu là nhập phim giá rẻ, dù chất lượng kém.
Những câu chuyện na ná nhau, có cùng mô-típ với phim Hàn, phim Đài Loan, Hong Kong mà khán giả Việt Nam đã được xem nên không còn mấy hấp dẫn. Những bộ phim này đã sớm gây nên cảm giác nhàm chán và thất vọng ở người xem. Khán giả Việt kịp nhận ra rằng những bộ phim “xứ người” mới này chẳng hơn gì phim Việt, nhiều người cho rằng có nhiều phim của Thái Lan, Ấn Độ, Philippines còn tệ hơn nhiều so với phim Việt Nam từ nội dung, cách dàn dựng và diễn xuất của diễn viên.
Không đủ sức để làm nên cuộc đổi ngôi phim ngoại trên màn ảnh truyền hình Việt, phim của Thái Lan, Ấn Độ, Philippines… chỉ còn giữ vai trò điểm xuyết, thay đổi món ăn cho khán giả trên các kênh truyền hình xã hội hóa đang phải chạy đua số lượng phim truyện để lấp sóng.
Cơ hội cho phim Việt
Tâm lý khán giả luôn thích xem phim Việt bởi sự gần gũi trong từng câu chuyện, bối cảnh phim và nghệ sĩ tham gia diễn xuất. Phim truyền hình Việt, trước khi sản xuất theo phương thức xã hội hóa, đã có nhiều bộ phim dài tập thật sự có giá trị về chất lượng nội dung và nghệ thuật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Đáng tiếc là những bộ phim như vậy đã không còn sau khi việc sản xuất phim truyền hình được xã hội hóa.
Những năm qua, phim truyền hình Việt do các công ty tư nhân sản xuất tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng không đồng đều, thậm chí tỉ lệ phim chất lượng kém chiếm phần lớn. “Chạy đua sản xuất đủ số lượng để lấp sóng giờ vàng đã đăng ký trên các kênh truyền hình lớn nhỏ khác nhau không thôi cũng khiến các công ty hụt hơi rồi thì nói gì đến đầu tư nâng cao chất lượng có sức cạnh tranh với phim các nước trong khu vực và có khả năng xuất khẩu” - một nhà sản xuất phim cho biết.
Kinh phí đầu tư cho một tập phim hiện nay vẫn không vượt quá 200 triệu đồng, bao gồm mọi thứ, mọi công đoạn nên không thu hút được đội ngũ sáng tạo giỏi. Vì vậy, chất lượng phim khó có thể cải thiện, đó là tình trạng chung của phim truyền hình Việt Nam do các công ty sản xuất hiện nay.
Một đạo diễn tâm huyết với phim truyền hình nói rằng chúng ta có khán giả yêu phim Việt, có đội ngũ diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất giỏi nhưng chúng ta đang thiếu những nhà sản xuất phim tâm huyết để đầu tư làm ra những bộ phim truyền hình tử tế về nghề.
Gần đây, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã chủ động sản xuất mảng phim giải trí và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất nhiều bộ phim truyền hình có chất lượng, phù hợp với nhu cầu người xem hôm nay, có khả năng cạnh tranh cao. Phát trên VTV1 và VTV3 trong giờ vàng nên dòng phim của VFC đang chiếm ưu thế về lượng người xem. Với vai trò chủ đạo và kinh phí đầu tư không bị khống chế, VFC sẽ dần lấy lại phong độ cho phim truyền hình Việt Nam.
Kênh K+ mới đây công bố khung giờ vàng dành cho phim điện ảnh Việt Nam của mình cũng là tin vui cho phim Việt. Bên cạnh những bộ phim điện ảnh mới vừa ra rạp, những bộ phim điện ảnh Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây của các hãng phim lớn cũng được kênh truyền hình này khai thác lại.
Một nhà phát hành phim khẳng định rằng khán giả Việt Nam luôn thích và ủng hộ phim Việt, đó là lợi thế. Nếu các nhà làm phim Việt Nam thật sự muốn phát triển, đầu tư một cách tâm huyết và nghiêm túc thì chắc chắn khó có phim truyền hình nước nào cạnh tranh nổi ở Việt Nam.
Nhiều kênh không phát phim Việt
Nghị định số 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21-5-2010 quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim truyện. Đây là chính sách của nhà nước nhằm tạo điều kiện cho phim truyện Việt Nam lên sóng truyền hình nhiều hơn trước sự bùng nổ và sức ép của phim truyện nước ngoài.
Tuy nhiên, việc quy định này có được thực hiện nghiêm túc hay không thì không ai biết. Hiện nay, dù kinh phí sản xuất phim Việt vẫn ở mức trung bình 200 triệu đồng/tập nhưng vẫn cao hơn tiền mua bản quyền phát sóng 1 tập phim của các nước trong khu vực. Vì vậy, nhiều kênh truyền hình không sản xuất phim Việt Nam để phát sóng, chủ yếu nhập phim giá rẻ của các nước về phát sóng.