Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển văn hóa đọc trong trường học

Trong ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ GD&ĐT ban hành công văn đề nghị các sở giáo dục đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Công văn của Bộ GD&ĐT đề nghị các sở giáo dục chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong trường học và cộng đồng; thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và tập hợp những kiến nghị, đề xuất gửi về Bộ GD&ĐT.

Học sinh thảo luận trong giờ tự học. Ảnh minh họa.

Trong công văn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu 10 việc cần làm nhằm phát triển hệ thống thư viện trường học mới.

Trong đó, đáng chú ý là việc đánh giá học sinh qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật... thay cho các bài kiểm tra, đồng thời tận dụng nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa từ thư viện, rèn năng lực tự học bằng cách đọc tài liệu bên ngoài.

Việc này nhằm thúc đẩy phong trào tự học, hình thành thói quen đọc của học sinh; đồng thời khuyến khích các em tìm hiểu, thực hành hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.

Nhà trường sẽ phải tăng cường trao đổi với cha mẹ để thống nhất quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà; lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp mục tiêu giáo dục.

Công văn cũng yêu cầu đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học bằng nhiều hình thức như thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện điện tử...; Sẽ có quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con

Học sinh phổ thông được tham gia các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học với cơ cấu tổ chức linh hoạt, chương trình và hình thức hoạt động đa dạng. Nhà trường cũng cần chú trọng việc đánh giá học sinh thông qua dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật... thay cho các bài kiểm tra.

Kín lịch học, trẻ không còn thời gian đọc sách

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, học sinh thiếu kỹ năng sống một phần do không có thói quen đọc sách. Ngoài ra, các em cũng đang bị quá tải.

Năm 2015 chứng kiến nhiều nỗ lực của xã hội trong việc thúc đẩy văn đọc và khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh. Có thể kể đến chương trình "sách hóa nông thôn" bền bỉ của anh Nguyễn Quang Thạch, với mục đích 300.000 tủ sách trên toàn quốc vào năm 2017, giúp 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc. Gần đây, các kỳ thi nghiên cứu khoa học được tổ chức trong trường phổ thông, 18 sáng kiến khoa học của học sinh được giải cấp thành phố ở TP HCM là minh chứng cho nhu cầu tự học trong nhà trường.

Tuy nhiên, thực trạng văn hóa đọc vẫn còn nhiều điểm đáng báo động. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mỗi người dân Việt Nam đọc chỉ 0,8 bản sách/năm trong khi bình quân một người Pháp đọc 15 quyển sách/năm; người Mỹ đọc 12 quyển/năm.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm