Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phẫu thuật đổi đầu trong phim Victor Vũ và sự thật khoa học chấn động

“Lôi Báo” của đạo diễn Victor Vũ kể câu chuyện một anh chàng họa sĩ được phẫu thuật đổi đầu. Ngay trong tháng 12, có thể cuộc phẫu thuật đổi đầu đầu tiên trên thế giới sẽ diễn ra.

Teaser phim Lôi Báo của Victor Vũ Nhã Phương và Vũ Ngọc Anh là tình địch trong phim.

Mới đây, khi chia sẻ về Lôi Báo, đạo diễn Victor Vũ tiết lộ anh nảy ra ý tưởng về bộ phim này từ thông tin có thật trên báo chí về ca phẫu thuật ghép đầu người vào cơ thể một người khác. “Lúc ấy, tôi nghĩ đến nhiều tình huống xảy ra khi một cái đầu gắn vào cơ thể lạ. Liệu có khi nào một cái đầu mới sẽ thừa hưởng những ký ức của cơ thể cũ hay không?”

Thông tin mà đạo diễn Victor Vũ nhắc đến là những ồn ào xung quanh dự án phẫu thuật “đổi đầu người” đầu tiên trên thế giới mà bác sĩ người Ý Sergio Canavero đang chuẩn bị thực hiện. Đầu năm 2015, chuyên gia phẫu thuật 53 tuổi khiến cả thế giới chấn động khi tuyên bố ông sẽ là người đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật này.

Trên thực tế, từ năm 2013 bác sĩ Canavero đã mô tả chi tiết kế hoạch thực hiện phẫu thuật ghép đầu người này vào cơ thể người khác trong bài viết trên tạp chí y học Surgical Neurology International. Tháng 6/2015, ông bắt đầu tuyển các chuyên gia phẫu thuật để hỗ trợ ông trong dự án y học gây tranh cãi dữ dội này.

phau thuat doi dau anh 1
Bác sĩ Ý Sergio Canavero, "kẻ điên" trong mắt rất nhiều chuyên gia y tế. Ảnh: The Atlantic.

Những tranh cãi không hồi kết

Và bác sĩ Trung Quốc Xiaoping Ren trở thành người trợ lý của ông. Theo báo Observer, ước tính 80 chuyên gia y tế từ Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tham gia vào cuộc phẫu thuật ghép đầu của bác sĩ Canavero. Dự kiến cuộc phẫu thuật chưa từng có trong lịch sử này sẽ kéo dài tới 36 giờ và tốn kém ít nhất 10 triệu USD, thậm chí có thể lên đến hàng chục triệu USD.

Theo kế hoạch ban đầu, bệnh nhân tình nguyện hiến đầu là Valery Spiridonov, 32 tuổi, một người mắc bệnh Werdnig-Hoffmann (teo cơ tủy sống), phải ngồi xe lăn cả đời, sức khỏe đang ngày càng suy giảm. Nếu không được chữa trị, nhiều khả năng anh sẽ sớm qua đời.

Tuy nhiên, nguồn tin báo The Independent cho biết mới đây, ông Canavero đã quyết định thay đổi bệnh nhân thực hiện cuộc phẫu thuật. Thay thế cho anh là một người tình nguyện quốc tịch Trung Quốc. Giới chuyên gia cho biết nhiều khả năng sự thay đổi này xuất phát từ vấn đề pháp lý. Bởi phẫu thuật đổi đầu người là chuyện chưa từng có tiền lệ về y tế và pháp lý tại phương Tây.

Khỏi phải nói kế hoạch của bác sĩ Canavero gây tranh cãi dữ dội đến mức nào. Giới truyền thông quốc tế gọi ông Canavero là “bác sĩ Frankenstein”. Giáo sư phẫu thuật thần kinh Robert Brownstone của trường University College London (Anh) mô tả ý tưởng của Canavero là “điên rồ giống như những kế hoạch điên rồ của kẻ phản diện trong phim James Bond”.

Giáo sư John Pickard của ĐH Cambridge (Anh) chỉ trích Canavero theo đuổi khoa học viễn tưởng. Chuyên gia Arthur Caplan thuộc Trung tâm Y tế Langone (New York, Mỹ) nói thẳng rằng bác sĩ Canavero là kẻ điên. Nhiều người khác cho rằng ca phẫu thuật của Canavero “tương đương với hành vi tra tấn và giết người một cách chậm rãi”.

phau thuat doi dau anh 2
Con chó hai đầu được các bác sĩ Liên Xô tạo ra vào năm 1959. Nó sống được 23 ngày sau phẫu thuật. Ảnh: The Atlantic

Vấn đề là một ca phẫu thuật ghép đầu người này vào thân người khác sẽ thổi bùng lên những tranh cãi về y tế và xã hội nghiêm trọng. Đầu tiên là vấn đề về mối quan hệ giữa não và cơ thể. Bạn có còn là chính bản thân mình khi chỉ tồn tại trong não của mình, còn thân thể thuộc về người khác?

Cơ thể người tự sản sinh ra trứng và tinh trùng, do đó con của người được phẫu thuật sẽ chỉ là hậu duệ của người hiến thân. Khi đó, liệu người thân của bệnh nhân hiến thân có quyền thăm nuôi con cháu cùng huyết thống của mình hay không? Liệu có khả năng xảy ra tranh chấp quyền thừa kế?

Câu hỏi lớn nhất và rất khó trả lời đối với các nhà khoa học là liệu bệnh nhân có cơ thể mới liệu có cảm thấy là chính mình hay không. Bởi cơ thể người có cái gọi là “ký ức cơ bắp”, giúp cơ thể vào não bộ phối hợp cùng nhau một cách chính xác. Có một cơ thể mới sẽ phá vỡ sự chính xác đó. Đây cũng là vấn đề mà Lôi Báo của Victor Vũ sẽ đề cập đến.

Thập phần khó khăn

Chưa từng được thực hiện trên người, nhưng phẫu thuật ghép đầu vào cơ thể đã từng được thử nghiệm trên động vật từ nhiều thập niên trước đây. Theo tạp chí The Atlantic, năm 1908 một bác sĩ ở St. Louis, Missouri (Mỹ) tạo ra con chó hai đầu đầu tiên trên thế giới. Ông ghép đầu một con chó vào cổ một con chó khác.

Vào thập niên 1950, các nhà khoa học Liên Xô và Trung Quốc thực hiện được thành công tương tự. Con chó hai đầu trong cuộc phẫu thuật ở Liên Xô sống được trong 29 ngày, thậm chí có thể liếm nước bằng cả hai cái đầu của nó. Một con khác sống được 23 ngày. Đến năm 1970, bác sĩ Robert White ở Cleveland, Ohio (Mỹ) thực hiện thành công cuộc phẫu thuật ghép đầu một con khỉ sang thân một con khỉ khác.

Ê-kíp của bác sĩ White đã hò reo vui mừng khi con khỉ này tỉnh dậy và cắn ngón tay một người trong phòng thí nghiệm. Con khỉ với thân thể mới có khả năng nghe, ngửi, ăn và quan sát các vật thể bằng mắt của nó. Xét nghiệm cho thấy sóng não của nó bình thường. Tuy nhiên, nó chết sau 9 ngày do hệ miễn dịch của cơ thể đào thải chiếc đầu mới.

Bác sĩ White cũng từng có kế hoạch thực hiện phẫu thuật đổi đầu. Đầu thập niên 1990 ông đến Ukraine để tìm kiếm các bác sĩ có chung tâm huyết. Nhưng kế hoạch của ông đã không thành công. Có điều là chính chuyến đi đó của bác sĩ White đã thu hút sự chú ý của cậu bé tật nguyền Spiridonov, người luôn mơ ước có ngày được đi lại trên đôi chân của mình.

phau thuat doi dau anh 3
Bác sĩ Trung Quốc Xiaoping Ren thực hiện phẫu thuật cắt rời cột sống một con chuột rồi ghép lại. Ảnh: The Atlantic

Một ca phẫu thuật đổi đầu sẽ diễn ra như thế nào? Chắc chắn là với đầy khó khăn, thử thách. Khi một bộ phận bị tách rời khỏi cơ thể, nó sẽ chết dần. Ướp lạnh trong dung dịch đặc biệt có thể giữ quả thận sống trong 48 giờ, gan 24 giờ, tim 10 giờ… Nhưng cái đầu là phần phức tạp nhất của cơ thể, chứa não bộ. Ướp lạnh cái đầu chỉ có thể ngăn chặn sự tổn hại vĩnh viễn trong 1 giờ.

Do đó công đoạn ghép đầu phải được thực hiện chỉ trong 1 giờ đó. Bác sĩ Canavero cho biết nhóm của ông sẽ làm lạnh bệnh nhân ở mức 10 độ C và cắt đầu người này cũng như đầu (đã chết não) của người hiến cơ thể cùng lúc. Họ sẽ dùng một loại keo đặc biệt để kết nối đầu bệnh nhân với cột sống của cơ thể người hiến tặng.

Sau đó, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nối các mạch máu, khí quản… của đầu bệnh nhân với cơ thể mới. Nhưng kể cả khi phẫu thuật thành công thì nguy cơ vẫn trùng trùng. Cơ thể bệnh nhân phải được tiêm liên tục thuốc để hệ miễn dịch của nó không thải loại chiếc đầu mới. Điều quan trọng nhất nhất là chữa lành những tổn thương của cột sống để đầu của bệnh nhân có thể điều khiển cơ thể mới.

Bác sĩ Canavero tự tin cho rằng ca phẫu thuật lịch sử của ông sẽ có 90% cơ hội thành công. Nhưng trong giới khoa học quốc tế không có ai tin ông cả. Và chắc chắn chỉ thời gian mới có thể trả lời được liệu một cái đầu người có thể tồn tại trên một cơ thể mới hay không.

Trong Lôi Báo của Victor Vũ, câu trả lời là có. Trước khi ca phẫu thuật của bác sĩ Canavero diễn ra, khán giả yêu điện ảnh có thể cùng tưởng tượng với đạo diễn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh về một người sống sót sau ca phẫu thuật đổi đầu, thậm chí trở thành một người hùng.

'Lôi Báo' của Victor Vũ khai thác đề tài phẫu thuật đổi đầu

Ê-kíp sản xuất bộ phim Lôi Báo vừa hé lộ teaser poster thứ hai cùng clip hậu trường. Đặc biệt, bộ phim mạnh dạn khai thác đề tài phẫu thuật đổi đầu hiện gây tranh cãi.

Cường Seven: Từ vũ công hot boy đến người hùng ‘chân đất’

Sở hữu bề ngoài đẹp trai, nam tính, cùng cơ thể săn chắc đáng mơ ước, nhưng Cường Seven vẫn gây ra nhiều hoài nghi khi được Victor Vũ chọn làm vai chính trong bộ phim “Lôi báo”.




Duy Vũ

Bạn có thể quan tâm