Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phẫu thuật đưa tinh hoàn ẩn về đúng vị trí cho người đàn ông 30 tuổi

Khi thăm khám và điều trị vô sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hải (30 tuổi, Hà Nội) được bác sĩ phát hiện bị tinh hoàn ẩn, gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.

Kết hôn 4 năm nhưng vợ chưa có thai, anh Nguyễn Văn Hải quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám hiếm muộn. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện hai bên tinh hoàn của người bệnh bị teo nhỏ và nằm trong ổ bụng. Với trường hợp của anh Hải, do phát hiện quá muộn dẫn đến khó khăn trong phẫu thuật hạ tinh hoàn và điều trị vô sinh.

ThS.BS Phạm Quang Trung - khoa Tiết niệu, Nam học và Thận học - cho biết hai năm trước, người bệnh từng khám tại bệnh viện. Do tinh hoàn của bệnh nhân ở cao và sâu trong ổ bụng; thành bụng dày, cuống tinh hoàn ngắn nên dễ tổn thương bó mạch thừng tinh. Ở giai đoạn một, với thao tác phẫu tích tỉ mỉ, chính xác và giàu kinh nghiệm, phẫu thuật viên đã tách tinh hoàn trong ổ bụng đưa xuống sát đỉnh bìu.

Sau phẫu thuật lần thứ nhất, tinh hoàn hai bên hạ xuống một nửa quãng đường. GS Trần Quán Anh - Trưởng khoa Tiết niệu, Nam học và Thận học - lựa chọn điều trị bằng nội tiết tố trong một năm để hai tinh hoàn có thể di chuyển xuống thấp hơn, cuống tinh hoàn dài thêm, thuận lợi cho lần phẫu thuật tiếp theo.

BVDK Tam Anh,  tinh hoan an anh 1

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn cho người bệnh.

Tháng 5, các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật lần hai, giúp tinh hoàn hạ xuống đúng vị trí. Bác sĩ Trung nhận định lần phẫu thuật thứ hai tiên lượng rất khó, do tổ chức xơ dính phát triển mạnh, gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho phẫu thuật viên, nguy cơ gây mê hồi sức tăng lên. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật từng bên.

Người bệnh ra viện sau phẫu thuật 5 ngày. Tình trạng sức khỏe bình thường, tinh hoàn sờ thấy ở bìu. Do phát hiện muộn, tinh hoàn lạc chỗ hàng chục năm nên thể tích teo mất 50%. Người bệnh tiếp tục điều trị kích hoạt sinh tinh trùng từ tinh hoàn, từ đó phân lập tinh trùng bằng phương pháp vi phẫu lấy từ tinh dịch hoặc microTESE, giúp tăng khả năng thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm.

Tinh hoàn ẩn là bệnh lý phổ biến, xuất hiện ở khoảng 3% trẻ sinh đủ tháng và 30% trẻ sinh non. Tinh hoàn hình thành, phát triển trong ổ bụng và di chuyển từ vùng bẹn xuống dưới bìu trong quá trình thai nhi lớn. Ở một số bé trai, quá trình này diễn ra không hoàn chỉnh, khiến tinh hoàn không nằm đúng vị trí trong bìu mà nằm ở ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn xuống bìu.

Bác sĩ Trung nhấn mạnh, việc tầm soát phát hiện sớm tình trạng tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ em rất quan trọng. Cha mẹ có thể phát hiện tình trạng tinh hoàn ẩn từ lúc sơ sinh. Khoảng 80% trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh có thể phát hiện khi sờ bằng tay (kích thước tinh hoàn bé nhưng vẫn sờ được). Nếu khó khăn, cha mẹ có thể cho con thăm khám, kiểm tra bằng siêu âm giúp phát hiện tình trạng tinh hoàn xuống bìu hay chưa. Phát hiện muộn và không điều trị kịp thời khiến tinh hoàn bị teo, xoắn thừng tinh gây hoại tử, suy giảm chức năng, thậm chí có thể gây vô sinh, yếu sinh lý khi trưởng thành.

Lục Bảo - Minh Chi

Bạn có thể quan tâm