Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phẫu thuật kéo dài chân dễ hay khó?

Nếu trước đây, bệnh nhân phải cắt xương, xuyên đinh thì hiện tại công đoạn này giảm thiểu bằng phương pháp đơn giản hơn nhưng yêu cầu lòng dũng cảm và kiên trì.

PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, phẫu thuật kéo dài chân là cách duy nhất kéo dài chiều cao cho người hết độ tuổi phát triển.

Để kéo dài chân, trước đây, các bác sĩ dùng phương pháp cắt xương, xuyên 8 đinh qua xương và lắp khung bên ngoài để căng dãn từ từ với tốc độ 1 mm/ngày. Khi kéo dài đạt chiều cao như ý muốn, bệnh nhân còn phải mang khung chờ thêm khoảng 7 tháng tiếp theo để xương liền chắc, sau đó mới tháo bỏ khung. Điều đó có nghĩa bệnh nhân phải đeo khung suốt thời gian thực hiện, rất cồng kềnh và vướng víu trong sinh hoạt.

Còn hiện nay, nhờ áp dụng tiến bộ mới, trước khi cắt xương, các bác sĩ đặt một chiếc đinh trong ống tủy xương, chỉ sử dụng 4 đinh nhỏ xuyên qua 2 đầu xương. Khi kéo giãn đủ chiều dài, khung sẽ được tháo bỏ. Đinh nằm trong ống tủy sẽ giữ vai trò cố định trong thời gian chờ xương can chắc. Với phương pháp mới này, thời gian đeo khung được rút ngắn chỉ còn 1/4. Việc tháo khung sớm cũng tạo điều kiện cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt và công tác, đồng thời sẹo nhỏ và ít đi rất nhiều.

PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết, về lý thuyết, muốn kéo dài chân bao nhiêu tùy ý, theo nhu cầu bệnh nhân. Song chuyên gia cần tư vấn để có chiều dài hợp lý và cân xứng với cơ thể. Ngoài ra, điều này cũng giúp hạn chế thấp nhất các biến chứng.

Chia sẻ nhiều hơn về phương pháp này, PGS Lê Văn Đoàn cho biết, kéo dài chi, cụ thể là kéo dài chân, không phải phẫu thuật phức tạp. Kỹ thuật này có cách đây cả trăm năm, mục đích ban đầu nhằm điều trị các bệnh lý chân ngắn chân dài, do di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp, hoặc các bệnh nhân bị bệnh bại liệt…

Ở nước ta, từ năm 1995, khi xóa bỏ được bại liệt nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, những trường hợp bị tật chân ngắn chân dài giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, các nguyên nhân do chấn thương sau tai nạn, viêm xương khớp vẫn khiến nhiều bệnh nhân mắc dị tật này. Đặc biệt nhu cầu kéo dài xương vì mục đích thẩm mỹ cũng tăng lên.

 

 PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: HQ

Nhiều người cho rằng để thực hiện một ca kéo dài chân cần chi phí rất lớn và phải sang nước ngoài, song, PGS Đoàn cho biết thủ thuật đơn giản này được thức hiện rất phổ biến ở Việt Nam.

Tại Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hàng năm, PGS Đoàn cùng các đồng nghiệp thực hiện ít nhất 10 ca kéo dài chân với mục đích tăng chiều cao. Trong đó, nam chiếm nhiều hơn nữ. Theo bác sĩ, sự tự ti về chiều cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, dẫn tới nhu cầu kéo dài chi và với đàn ông, sự mặc cảm thường rõ ràng hơn.

Đặc biệt, chi phí của thủ thuật kéo dài chân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện chỉ dao động ở mức 35-40 triệu đồng, bao gồm chi phí phẫu thuật, dụng cụ kéo dài chân và thuốc men. Ở các bệnh viện tư, chi phí này cao hơn, khoảng 100 triệu đồng.

Ai có thể kéo dài chân?

Vẫn theo PGS Lê Văn Đoàn, chỉ định kéo dài chân chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1,5 m, nam dưới 1,6 m) hoặc người mắc các dị tật, thương tật. Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3 cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn.

Về độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân, chuyên gia này cho hay đó là lứa tuổi từ 20-30 tuổi, vì lúc đó phẫu thuật viên có thể xác định được chiều cao hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

Sau khi kéo dài chân có yếu không?

Trước lo ngại tương đối phổ biến này, PGS Đoàn cho hay, phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm