Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội) là một đơn vị nghệ thuật có tiếng, chuyên phục vụ các chương trình của Hà Nội và "đánh thuê" cho các sự kiện bên ngoài. Thế nhưng, trong thị trường biểu diễn, nhà hát lại chưa từng có một chương trình tự bán vé.
Dường như trăn trở về điều này, giám đốc Tấn Minh quyết định đầu tư toàn bộ nguồn lực của nhà hát để làm một chương trình nghệ thuật lấy tựa đề Hà Nội xưa và nay. Hiểu nôm na, có bao nhiêu tiết mục hay trong những năm qua, có bao nhiêu nghệ sĩ của nhà hát, Tấn Minh tập trung vào "phép thử" lần này.
Trước đêm diễn, nam ca sĩ thành thật nhà hát chưa có kinh nghiệm khi làm chương trình bán vé. Hỏi vị giám đốc về số tiền mà nhà hát đầu tư cho đêm diễn, anh cũng khéo từ chối với lý do các nghệ sĩ đã tập luyện, chuẩn bị nhiều tháng trời nhưng không ai đặt nặng chuyện cát-xê, tiền bạc.
Tấn Minh hiện là giám đốc của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. |
Hấp dẫn từ cái tứ không mới
Hà Nội xưa và nay hay hình ảnh Hà Nội được tái hiện trên sân khấu không phải là cái "tứ" mới trong nghệ thuật. Thơ ca, nhạc họa đến sân khấu, phim ảnh đều từng khai thác hình ảnh của Hà Nội trong tương quan xưa và nay, cũ và mới.
Thế nên, việc Tấn Minh và các cộng sự muốn diễn giải một câu chuyện về Hà Nội trên sân khấu, với chính những khán giả thủ đô ngồi dưới được cho là một tham vọng. Mừng rằng tham vọng ấy đã thành công một phần nào đó vào tối 30/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Hà Nội xưa và nay chia làm 3 phần, đưa khán giả đi từ quá khứ tới hiện tại, thông qua các loại hình nghệ thuật khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại, từ ca hát đến múa.
Phần Hà Nội xưa, các nghệ sĩ tái hiện những đặc trưng văn hóa của Hà Nội từ xẩm chợ đến ca trù,... Tất nhiên, là xẩm và ca trù biến tấu theo kiểu biểu diễn sân khấu, không thuần khiết và nguyên chất như xẩm và ca trù truyền thống. Nhưng việc các nghệ sĩ sáng tạo dựa trên chất liệu nghệ thuật truyền thống cũng là việc làm đáng ghi nhận.
Tích Thiền và Yên tử cũng được nhắc lại trên sân khấu qua tiết mục Trên đỉnh Phù Vân của Mỹ Linh và màn múa đương đại mang tên Thiền do Trần Ly Ly và Mạnh Tiến dàn dựng. Thiền trong múa đương đại là một ý tưởng độc đáo nhưng kể câu chuyện để thuyết phục được đại chúng về mặt văn hóa lại là việc không đơn giản.
Múa Thiền chưa đạt đến mức độ hoàn hảo về dàn dựng, biểu diễn. Tuy vậy, bù lại, Hà Nội xưa và nay lại có tiết mục Tễu thuyết phục gần như toàn bộ khán giả có mặt tại khán phòng. Những tràng pháo tay không ngớt là minh chứng cho việc múa đương đại cũng có thể dễ dàng đi vào lòng người.
Bàn tay của Thành Nam, Trần Ly Ly và Thanh Hằng qua thể hiện của Hà Tứ Thiên trở thành điểm nhấn của đêm diễn. Câu chuyện về nhân vật Tễu mua vui cho đời nhưng những buồn vui của bản thân lại chẳng ai thấu tỏ. Câu kết "Đừng như Tễu cho đời giật dây" thực sự gây ám ảnh và tạo tầng tầng ý nghĩa trong cảm nhận của người xem.
Tiết mục múa đương đại Tễu để lại nhiều ấn tượng cho người xem. |
Sau Hà Nội xưa là Hà Nội của những năm 90 và Hà Nội của ngày nay. Hình ảnh Hà Nội trở nên gần gũi và dung dị với Nhớ mùa thu Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội 12 mùa hoa. Sau cùng là một Hà Nội hiện đại với Hồ Gươm sáng sớm.
Những màn thể hiện tròn vai, tuy chưa thực khiến khán giả lắng lòng nghe hát nhưng cũng mang lại những cảm xúc không dễ gì có được về Hà Nội. Bốn mùa Hà Nội được tái hiện đầy đủ trên sân khấu, xuân - hạ - thu - đông. Để làm được điều đó, hẳn những người thực hiện cũng phải yêu mến mảnh đất này biết nhường nào.
Thiết kế sân khấu Hà Nội xưa và nay gây ấn tượng. Dù không hẳn là sân khấu dọc như ban tổ chức giới thiệu trong buổi họp báo, cảnh trí, cách đặt để của đạo diễn Hoàng Công Cường và Trần Ly Ly thuyết phục được người thưởng thức.
Những ngôi nhà cổ, tên phố Khâm Thiên, cây bàng đầu đông trụi lá hay cột điện "đặc sản" Hà Nội được tái hiện trên sân khấu. Tùy từng giai đoạn, cảnh trí lại có sự thay đổi ít nhiều.
Sân khấu cũng có màn hình LEB, nhưng lại thiên dùng để "tả cảnh" - điều không thực cần thiết trong một đêm diễn về Hà Nội. Nghe Cây vĩ cầm, đâu nhất thiết phải minh họa bằng ảnh cây vĩ cầm trên màn hình?
Không quan tâm đến chuyện 'lỗ, lãi'
Ngoài ca sĩ Mỹ Linh, toàn bộ nghệ sĩ tham gia chương trình đều thuộc biên chế hoặc đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Nhưng đúng rằng, người ở ngoài bao giờ cũng có nhìn công tâm và thành thật so với người trong cuộc.
Trên sân khấu, tuy không trực diện nhưng Mỹ Linh đã tiết lộ về việc Hà Nội xưa và nay chủ yếu là những tấm vé mời. Không khó để kiếm chứng thông tin này. Và đúng như diva tự lý giải, do là lần đầu tổ chức nên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vẫn chưa có thương hiệu để được đông đảo khán giả mua vé.
Mỹ Linh mong muốn khán giả được mời đến xem tối 30/11 sẽ có những chia sẻ với bạn bè, người thân để những chương trình sau, Nhà hát được khán giả đón nhận nồng nhiệt bằng cách tự bỏ tiền mua vé. Chia sẻ chân thành của Mỹ Linh nhận được tràng pháo tay khán giả.
Thanh Thanh Hiền thể hiện tiết mục Hầu đồng. |
Trong mặt bằng chương trình nghệ thuật hiện nay, Hà Nội xưa và nay là một chương trình có chất lượng, được đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức. Tuy vậy, đã là phép thử, bao giờ cũng phải chấp nhận những khó khăn, thậm chí lỗ về tiền bạc.
Đáp lời của Mỹ Linh, Tấn Minh bày tỏ sự cảm ơn vì khán giả để dành thời gian đến với chương trình của Nhà hát Thăng Long. Nam ca sĩ hy vọng khán giả cảm nhận được tình cảm, tâm huyết mà ê-kíp thực hiện đặt vào chương trình. Và sự đông cảm và thấu hiếu đó mới thực là điều trân quý.