Trong kết luận bổ sung vụ chuyển nhượng "đất vàng" trái quy định tại Tổng công ty 3/2, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tổng công ty này) về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản.
Nguyễn Đại Dương (chủ cũ của vũ trường New Century tại Hà Nội) bị buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, còn vợ Dương là Nguyễn Thục Anh (con gái ông Minh) bị cáo buộc tham ô tài sản.
Âm mưu thâu tóm "đất vàng"
Theo cơ quan điều tra, khi được ông Minh cho biết Tổng công ty 3/2 có khu đất 43 ha đầu tư khả quan, Dương giao cho Nguyễn Quốc Hùng thành lập Công ty Âu Lạc vào tháng 6/2010. Một tháng sau, ông Hùng với vai trò tổng giám đốc đã ký hợp đồng với Tổng công ty 3/2, mục đích thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để mua khu đất trên.
Vợ chồng Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Thục Anh. |
Nguyễn Đại Dương, con rể ông Minh, không có tên trong nhóm cổ đông của Âu Lạc. Song cơ quan điều tra xác định bị can Dương thông qua Nguyễn Nam Thanh (Công ty Ford Thủ Đô), Nguyễn Thị Phong Lan và Nguyễn Quỳnh Châu (mẹ và em gái Dương) cùng Thục Anh chuyển hơn 24 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Âu Lạc.
Sau đó, Dương nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Âu Lạc. Như vậy, liên doanh Tân Phú được thành lập với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng (chiếm 70% vốn góp), còn Tổng công ty 3/2 góp 60 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Tổng công ty 3/2 chưa chuyển nhượng khu 43 ha cho phía Tân Phú, nhưng bị can Dương vẫn đàm phán với bà Đặng Thị Kim Oanh (Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM) rằng Tân Phú đã nhận chuyển nhượng đất, hứa chuyển tiếp dự án trên đất cho phía bà Oanh với giá 350 tỷ đồng.
Dương còn nói Công ty Âu Lạc sẽ nhận nốt 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú để sở hữu đủ 100% vốn góp của Tân Phú. Từ đó, Công ty Tân Phú sẽ là chủ đầu tư dự án trên khu đất 43 ha và chuyển nhượng dự án cho phía bà Oanh.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, Tổng công ty 3/2 phải bàn giao khu đất 43 ha cho Công ty Impco (thuộc Tỉnh ủy). Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do con rể điều hành được tiến hành phi vụ bán "đất vàng", tháng 12/2016, ông Nguyễn Văn Minh đã ký chuyển nhượng đất cho Công ty Tân Phú.
Sau khi Công ty Âu Lạc và Công ty Thuận Lợi (do bà Oanh chỉ định) ký hợp đồng hứa mua, hứa bán 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú với giá 350 tỷ đồng, Dương nhận được 20 tỷ đồng đặt cọc từ phía Thuận Lợi và nhận thêm 220 tỷ đồng từ phía bà Oanh thanh toán cho Công ty Âu Lạc.
Theo kết luận giám định, tài sản tại dự án 43 ha có giá trị gần 613 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 12/2019). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng cho Công ty Âu Lạc với số tiền hạch toán hơn 411 tỷ đồng. Từ đó, cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can gây thiệt hại gần 202 tỷ đồng.
Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt
Đối với việc chuyển nhượng dự án trên khu đất 43 ha, bà Đặng Thị Kim Oanh trình bày quá trình đàm phán với Nguyễn Đại Dương, 2 bên thống nhất mua bán dự án bằng hình thức nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Tân Phú cho Công ty Thuận Lợi với giá 350 tỷ đồng.
Sau đó, bà Oanh cho rằng Thuận Lợi bị tỉnh Bình Dương gây khó khăn nên cuối tháng 8/2017, bà Oanh đề nghị Dương cho bà này thay Công ty Thuận Lợi thành Công ty A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh) để đứng tên hợp đồng mua bán trên.
Theo bà Oanh, về bản chất đây vẫn là hình thức chuyển nhượng dự án 43 ha với giá 350 tỷ đồng. Qua các giai đoạn, hiện Công ty Thuận Lợi Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ 350 tỷ đồng cho phía Âu Lạc trong phi vụ mua bán này.
Tại văn bản ngày 30/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã kiến nghị cho Công ty Tân Phú khắc phục hậu quả bằng cách tiếp tục triển khai dự án trên khu đất 43 ha. Cơ quan điều tra đã đề nghị xem xét, giải quyết kiến nghị này trong giai đoạn xét xử.
Bị can Nguyễn Văn Minh. Ảnh: Thanh Kiều. |
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, đồng phạm giúp sức cho ông Minh và các bị can gây ra nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng khu đất thuộc sở hữu Nhà nước. Người từng là chủ vũ trường New Century bị cáo buộc liên đới gây ra hậu quả thiệt hại gần 202 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng, Dương không thừa nhận việc góp vốn và điều hành Công ty Âu Lạc. Bị can chỉ nhận là người giới thiệu, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp này trong quan hệ làm ăn với Tổng công ty 3/2 và Công ty Thuận Lợi.
Tuy nhiên, những người liên quan đều khai Dương đã đứng ra đàm phán với bà Oanh, nhận tiền cọc từ Công ty Thuận Lợi và nhận phần lớn số tiền do phía bà Oanh trả cho Công ty Âu Lạc. Do đó, cơ quan điều tra cho rằng Nguyễn Đại Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trong vụ án này, cùng với Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc 3/2) và cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Thanh Hải bị đề nghị truy tố về 2 tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản.
Nguyễn Thục Anh, Võ Hồng Cường (Giám đốc Công ty Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (Chủ tịch Công ty Phát triển) bị đề nghị truy tố tội Tham ô tài sản.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, Nguyễn Đại Dương và 19 bị can còn lại bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.