Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp) là một trong những điểm đón Giao thừa 2024 hoành tráng nhất toàn cầu. Khoảnh khắc countdown, thành phố được thắp sáng với pháo hoa và màn trình diễn ánh sáng mang tính biểu tượng.
Nhưng cả thế giới lại đổ dồn ảnh mắt vào một khung cảnh đáng kinh ngạc: hàng nghìn người có mặt đều đang giơ điện thoại của mình lên, ghi lại khoảnh khắc kim đồng hồ tiến dần về số 0.
Video ghi lại cảnh này đã lan truyền khắp mạng xã hội và tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi với dòng cảm xúc: "Không một ai đang sống trong thực tại".
Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), một nhà phê bình nhận xét: "Chuyện này thật đáng buồn". Trong khi những người khác tranh luận rằng người ta có thể lên mạng và xem lại sự kiện này qua rất nhiều kênh khác nhau, vậy tại sao không đặt điện thoại xuống và tận hưởng cuộc sống?
Khoảnh khắc đón năm mới ở Khải Hoàn Môn khiến nhiều người giật mình, nhưng đó không phải chuyện lạ.
Thực tế, chúng ta đang sống trong một thời đại bị ám ảnh với việc ghi lại mọi khoảnh khắc bằng điện thoại và đăng ngay lên mạng xã hội, cùng với đó là sự bùng nổ của hàng loạt nền tảng phục vụ cho điều này.
Theo các nhà nghiên cứu, việc liên tục chụp hình và chia sẻ chúng không chỉ ảnh hưởng đến tâm trí, cách ta nhìn nhận thế giới mà còn làm thay đổi mối quan hệ giữa con người với nhau.
Hàng nghìn người cùng giơ điện thoại hướng về Khải Hoàn Môn lúc Giao thừa. Ảnh: AP. |
Tại sao con người chụp lại mọi khoảnh khắc?
Theo Mornig Coach, có nhiều lý do khiến người ta ám ảnh với việc chụp mọi thứ. Dễ thấy nhất đó là những bức ảnh là cơ hội để họ ghi lại những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại nữa.
Ký ức là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng trí nhớ của chúng ta có giới hạn, và chụp ảnh là cách dễ dàng để "nhớ" mọi thứ. Những bức ảnh là bằng chứng cho việc ta đã ở đó, đã trải qua giây phút hạnh phúc hay đau khổ.
Chụp ảnh còn là một cách "tạo di sản". Rất nhiều người mong muốn để lại thứ gì đó, để người khác nhớ mình từng tồn tại kể cả khi ta không còn trên đời nữa. Mọi khoảnh khắc trải qua trong đời, được chụp lại thành hình ảnh, giúp thể hiện "Tôi là ai".
Chụp ảnh là cách con người ghi nhớ mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Ảnh minh họa: nicole_michalou/Pexels. |
Ngày nay, hình ảnh còn là cách chúng ta giao tiếp xã hội. Những bức ảnh ta chụp nói lên điều gì đó về con người mình: tính cách, sở thích, lối sống, mối quan hệ, thành tựu đã đạt được. Mọi người thậm chí hiểu được khía cạnh riêng tư của nhau thông qua những tấm hình.
Trong nhiều năm qua, với sự phổ biến của smartphone, con người không chỉ chụp nhiều ảnh hơn mà còn quen với việc đăng ngay lập tức lên mạng xã hội. Theo VOX, điều này có thể làm thay đổi ký ức của chúng ta - một cách tinh vi nhưng đầy ảnh hưởng.
Alixandra Barasch, nhà khoa học về nhận thức tại NYU, cùng các đồng nghiệp của mình đã tìm ra bằng chứng rằng việc chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội sẽ thay đổi quan điểm trong ký ức của chúng ta.
Cụ thể, khi chụp ảnh để đăng lên mạng, ta có xu hướng ghi nhớ khoảnh khắc đó từ góc nhìn của người thứ 3.
"Nếu tôi yêu cầu bạn hình dung trong đầu một bức ảnh về trải nghiệm Giáng sinh mà bạn đã chia sẻ nó trên mạng xã hội, bạn sẽ nhớ lại nó từ nhiều góc khác nhau của người ngoài cuộc", Barasch đưa ra kết luận sau khi thực hiện thí nghiệm với 332 học sinh trong kỳ nghỉ.
"Khi mọi người ở góc nhìn của người thứ ba, họ sẽ có ít cảm xúc mãnh liệt hơn khi hồi tưởng lại trải nghiệm, trong khi nếu tôi ở góc nhìn thứ nhất, tôi thấy được những cảm xúc chân thực mà mình đã trải qua".
Chụp ảnh nhiều làm suy giảm trí nhớ
Brian Resnick, biên tập viên Khoa học và Sức khỏe của VOX, đã đặt ra vấn đề này trong bài viết của mình. Anh tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào điện thoại thông minh để ghi nhớ mọi điều trong cuộc sống của mình.
Và đã có những con số cụ thể chỉ ra rằng việc chụp ảnh liên tục thực sự làm giảm khả năng ghi nhớ trải nghiệm thực tế, điều hướng chú ý và khiến ta quên đi khoảnh khắc hiện tại. Liên tục chia sẻ ảnh thậm chí có thể thay đổi cách chúng ta nhớ lại các sự kiện trong cuộc đời mình.
Bước đầu tiên để hình thành trí nhớ lâu dài là tập trung chú ý. Nếu không có sự chú ý, bộ não của sẽ không lưu trữ được những cảm giác mà ta trải nghiệm về thế giới xung quanh.
Bộ não lưu trữ những ký ức dài hạn bằng cách liên kết các tế bào thần kinh. Trí nhớ càng mạnh thì các kết nối càng mạnh. Những kết nối thần kinh này liên kết tất cả các cảm giác hình thành nên ký ức: hình ảnh, cảm giác, mùi hương.
Nhưng nếu chúng ta không chú ý, sẽ không có ký ức nào được lưu trữ trong não lâu dài.
Quá chú tâm khi chụp ảnh, người ta dễ bị sao nhãng và không lưu giữ được ký ức lâu dài. Ảnh minh họa: sam_lion?Pexels. |
Một nghiên cứu thực nghiệm của Journal of Experimental Social Psychology vào năm 2018 đã cho thấy sự khác biệt thú vị trong cách chúng ta ghi nhớ trải nghiệm khi có và không có điện thoại bên mình.
Trong loạt thí nghiệm, hàng trăm người tham gia tự mình thực hiện chuyến tham quan quanh nhà thờ Stanford Memorial. Trong chuyến tham quan này, du khách phải ghi lại các chi tiết như "dấu chữ thập của nhà thờ" và "câu chào từ cánh cửa lớn".
Một số người được trang bị iPod có thể chụp ảnh, và được hướng dẫn chụp (để sau đó in ra hoặc đăng lên Facebook). Những người khác phải tự mình ghi nhớ mà không có thiết bị hỗ trợ nào.
Một tuần sau chuyến tham quan, những người tham gia thực hiện một bài kiểm tra bất ngờ, với các câu hỏi về những chi tiết mà lẽ ra họ phải biết trong chuyến đi. Những người không có máy ảnh trả lời đúng khoảng 7/10 câu hỏi. Nhóm có máy ảnh đạt gần 6/10. Đó là một sự khác biệt nhỏ nhưng đáng kể.
Emma Templeton, nhà nghiên cứu tâm lý ở Dartmouth, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chỉ cần chụp ảnh nói chung là đủ để giảm điểm trong bài kiểm tra trí nhớ".
Câu trả lời đơn giản là máy ảnh gây sao nhãng. "Có thể dùng những thiết bị này khiến ta mất tập trung vào trải nghiệm và vì sự phân tâm đó, chúng ta không nhớ điều mà lẽ ra phải chú ý", Templeton nói.
"Với sự phổ biến của điện thoại thông minh, chúng ta đưa vào cuộc sống của mình một nguồn gây xao nhãng tiềm tàng khổng lồ".
Sống ảo đừng quên sống ở đời thật
Đừng quá căng thẳng, bởi chụp ảnh bằng điện thoại thông minh không khiến chúng ta ngu ngốc hơn. Nó chỉ đang thay đổi cách trí óc ta hoạt động và thay đổi cách tập trung.
Trong nghiên cứu của mình, Barasch nhận thấy chụp ảnh có thể khiến một người thay đổi cách ghi nhớ ký ức, nhưng đồng thời cũng có tác dụng tăng cường trí nhớ hình ảnh.
Khi chụp ảnh, dừng lại một chút để cảm nhận mùi hương, cảm xúc sẽ giúp ghi nhớ trải nghiệm tốt hơn. |
Trong một khảo sát của cô, những người được yêu cầu mang máy ảnh và chụp hình trong quá trình tham quan bảo tàng có khả năng ghi nhớ tốt hơn về khía cạnh hình ảnh. Đổi lại, họ ít có khả năng nhớ những gì đã nghe được.
Khi quá tập trung vào hình ảnh, người ta dễ bỏ qua những tác nhân kích thích khác xung quanh, như mùi vị, âm thanh.
Thật khó để tìm ra một cách cân bằng tối ưu giữa bộ nhớ của não bộ và bộ nhớ được hỗ trợ bởi công nghệ. Nhưng nhìn chung, nếu muốn lưu giữ ký ức, chúng ta cần nỗ lực về tinh thần.
Có nghĩa là hãy để ý đến môi trường xung quanh. Khi chụp một tấm ảnh, ta nên chú tâm để ghi lại chi tiết mình thực sự muốn lưu giữ. Đừng quên đặt điện thoại hay máy ảnh xuống một chút để quan sát không khí xung quanh, xem mùi đường phố thế nào hay cảm xúc của ta tại thời điểm đó.
Điện thoại thông minh có thể giúp con người ghi nhớ một phần kỷ niệm, nhưng không thể truyền tải mọi khía cạnh của ký ức.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.