CA GHÉP TAY KỲ DIỆU ĐƯỢC HIẾN TỪ NGƯỜI CÒN SỐNG
"9h ngày 28 Tết, tôi tỉnh dậy và nhìn thấy đôi bàn tay mới của mình, cảm giác như đang mơ. Tôi nhắm mắt lại, mở ra lần nữa để xác thực mình tỉnh táo. Một lần nữa, tôi lại có đủ cả 2 bàn tay", anh Vương xúc động kể lại
Từ ngày bị tai nạn mất đi một bàn tay, Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) trở nên mặc cảm, ít tiếp xúc với mọi người. Mỗi khi ra ngoài, anh lại mặc một chiếc áo dài tay để che đi phần cơ thể đã mất của mình. Ở nhà, chị Quỳnh Trang (vợ anh Vương) trở thành bàn tay trái của anh trong mọi việc, từ tắm gội, cài khuy áo,…
Với đôi bàn tay mới, giờ đây, anh sống cởi mở và tự tin hơn, có thể diện chiếc áo ngắn tay mát mẻ, không sợ ai nhìn chằm chằm vào mình nữa. Trên đường làng, anh dắt con trai đi dạo bằng chính bàn tay mới được nối lại. Anh còn hứa với cậu con trai 6 tuổi sẽ dạy con đi xe đạp khi tay hồi phục hoàn toàn.
4 năm sống thiếu một bàn tay, 4 tháng thay đổi cuộc đời
“Cả cuộc đời tôi sẽ không thể quên ngày hôm đó. Tôi sững sờ nhìn toàn bộ cẳng tay và bàn tay trái của mình chảy máu, dập nát và biến dạng hoàn toàn bên chiếc máy đột dập khi đang làm việc. Mất vài giây, tôi mới cảm thấy đau đớn tột cùng và hét lên cầu cứu”, anh Vương kể lại ngày bị tai nạn khiến anh mất đi bàn tay trái vào năm 2016.
Ngay sau đó, anh được băng bó rồi đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu, tuy nhiên sau khi thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ buộc phải chỉ định cắt cụt chi thể cấp cứu do vết thương dập nát nặng nề.
Ngày được ra viện, anh Vương đã đăng ký vào danh sách chờ hiến chi thể với hy vọng mong manh một ngày nào đó phép màu có thể đến với mình. “Thời gian đầu sau khi đăng ký, tôi không ngừng nuôi hy vọng sẽ có người hiến chi thể. Rồi 1 năm, 2 năm, 3 năm sau, tôi không nhận được thông báo nào từ phía bệnh viện. Tôi buông xuôi và chấp nhận sống thiếu một bàn tay”, anh Vương nhớ lại.
Tối 26 Tết (20/1), sau 4 năm, anh Vương nhận được điện thoại của GS Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông báo có người đồng ý hiến chi. Anh bất ngờ, không thể tin điều mình mong mỏi sẽ xuất hiện sau 4 năm chờ đợi. Suốt cả đêm hôm đó, anh hồi hộp đến mức không ngủ nổi. 5h ngày hôm sau, anh đã bắt xe đến bệnh viện.
Trong ngày chuẩn bị phẫu thuật, mọi thủ tục nhập viện cho anh Vương được diễn ra nhanh chóng. Bàn tay được hiến tặng là từ một người đàn ông 51 tuổi, bị tai nạn băng chuyền của máy tải gạch cuốn, đè ép lên tay trái. Các xét nghiệm hòa hợp miễn dịch giữa người cho và người nhận đạt mức hòa hợp gần như tối ưu.
Các bác sĩ khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật hồi hộp vì đây là lần đầu tiên được thực hiện phẫu thuật ghép chi thể đồng loại từ người cho sống.
Cũng trong ngày, một cuộc hội chẩn toàn bệnh viện do GS.TS.Thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện chủ trì được diễn ra. Trong buổi hội chẩn, các chuyên gia lần lượt đưa ra quan điểm của mình, có người cho rằng việc ghép tay là sáng tạo, khả khi, cũng có ý kiến còn nhiều băn khoăn, lo ngại.
Cuộc hội chẩn toàn bệnh viện và quá trình phẫu thuật ghép chi thể (Ảnh: Tư liệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) |
“Toàn bộ cánh tay của người hiến đã hoại tử, bội nhiễm thứ phát nên bàn tay sẽ được ghép đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho chúng tôi khi đó. May mắn, các số liệu đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn trong thời điểm đó trong giới hạn cho phép. Với quyết tâm cao cùng các cơ sở khoa học, chúng tôi tin rằng nguy cơ nhiễm khuẩn chi ở mức tối thiểu”, GS Mai Hồng Bàng chia sẻ.
Ngày 21/1, bệnh nhân Phạm Văn Vương đã được phẫu thuật ghép 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay lấy từ người cho sống. Ca phẫu thuật do GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, cùng các bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, thực hiện.
Đây là ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
"9h ngày 28 Tết, tôi tỉnh dậy và nhìn thấy đôi bàn tay mới của mình, cảm giác như đang mơ. Tôi nhắm mắt lại, mở ra lần nữa để xác thực mình tỉnh táo. Một lần nữa, tôi lại có đủ cả 2 bàn tay", anh Vương xúc động kể lại.
Quá trình chăm sóc sau ghép của anh được theo dõi cẩn trọng, sát sao. Bệnh nhân ghép tạng đồng loại phức hợp phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời. Anh Vương được cách ly trong một căn phòng kín với rất nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ. “Ngày đầu sau mổ, tôi chưa cảm thấy đau vì có thể vẫn còn thuốc tê và giảm đau. Tôi cứ mải mê ngắm nhìn đôi bàn tay mới của mình, trong lòng vui sướng vô cùng. Đến ngày thứ 3, bác sĩ yêu cầu tôi tập vận động các ngón tay, khi đó, cảm giác đau đớn ập tới, cả người tôi run lên. Tôi vừa tập vừa lẩm nhẩm trong đầu động viên mình phải cố gắng. Cứ thế, tôi cố gắng từng chút một, mỗi ngày”, anh Vương kể.
Một tháng sau mổ, diễn biến của ca ghép thuận lợi. Bàn tay sống, được tưới máu tốt và các vết thương đều đã liền. Anh đã nhúc nhích ngón tay, có thể cầm vật thô và được chuyển sang căn phòng khác có cửa sổ. Từ đây, nam bệnh nhân có thể nhìn ngắm bầu trời, cảnh vật trong khuôn viên. Anh ao ước mình sớm hồi phục để được trở về với gia đình, ôm vợ con bằng đôi bàn tay mới.
Đứng bên khung cửa sổ, anh Vương lấy điện thoại gọi về cho vợ. Chị Trang đang trong những tháng cuối của thai kỳ nhưng không có anh ở bên cạnh chăm sóc. Trong cuộc trò chuyện, chị liên tục động viên anh cố gắng tập luyện, kể những câu chuyện hàng ngày trong gia đình, cậu con trai lớn đi học ra sao để chồng yên tâm điều trị.
“Tháng 5 là vợ tôi đẻ đứa thứ 2. Tôi chỉ mong ngày đó được về để bế con. Con trai đầu cũng nhớ bố lắm, muốn vào thăm nhưng chỉ được gặp qua màn hình điện thoại thôi. Mỗi lần nhìn thấy tay tôi, con đều hỏi có đau không rồi khen tay bố đẹp”, anh Vương cười nói.
Theo GS.TS Thế Hoàng, để bàn tay có thể vận động bình thường, bệnh nhân phải mất 6-9 tháng tập luyện tích cực và nghiêm ngặt, thậm chí hàng năm. Chúng đòi hỏi sự nỗ lực của cả bệnh nhân và thầy thuốc.
“Trên thế giới, kết quả ghép chi thể từ người cho chết não phục hồi rất tốt, ngoài sức tưởng tượng. Ví dụ, trường hợp bệnh nhân người Áo ghép 2 bàn tay, sau 2 năm ông ta có thể sử dụng tất cả động tác như người bình thường, có thể điều khiển xe máy đi du lịch khắp Nam Mỹ, châu Âu. Chúng tôi hy vọng bệnh nhân của Việt Nam cũng hồi phục như vậy”, GS Hoàng nói.
Ôm con vào lòng bằng đôi bàn tay lành lặn
Sau 4 tháng, anh Vương hồi phục rất tốt và được cho điều trị ngoại trú. Ngày được trở về nhà điều trị ngoại trú cũng là lúc chị Trang chuẩn bị sinh con thứ 2. Sau khi làm xong hết các thủ tục tại bệnh viện, anh bắt xe về thẳng Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, nơi vợ đang chờ sinh.
“Chồng đang phải điều trị, tôi chẳng dám nghĩ ngày sinh con sẽ có anh bên cạnh. Gặp lại chồng sau nhiều ngày xa cách, tôi mừng lắm. Ngắm đôi bàn tay đầy đủ của chồng, tôi cảm giác như đây là một phép màu. Không dám tin chúng tôi lại may mắn đến thế”, chị Trang tâm sự.
Gặp vợ cùng con trai mới lọt lòng, anh cười tươi, ngắm con thật lâu. “Thật may, tôi kịp về trong ngày vợ sinh. Cảm ơn các y bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rất nhiều vì đã tạo điều kiện cho tôi được điều trị ngoại trú, sớm trở về với gia đình trong thời khắc quan trọng”, vừa vuốt ve gương mặt nhỏ xíu, còn đỏ hỏn của con, anh vừa nói.
Đón vợ mới sinh từ bệnh viện về nhà, anh đỡ vợ đi từng bước cầu thang khó nhọc. Bàn tay mới của anh đã có thể xách một ít đồ giúp vợ. Nếu không chú ý, rất khó để nhận ra đó là bàn tay vừa được ghép cách đây vài tháng.
Nhà anh Vương nằm trong một ngõ nhỏ, cậu con trai lớn mới vào lớp 1. Vừa đi học về, bé đã nhào ngay vào lòng bố. Cả nhà quây quần với nhau bên em bé mới sinh, vui vẻ trò chuyện. Cậu bé nghĩ ngay ra tên đặt cho em là Gấu.
Sau 4 năm, anh Vương được trải nghiệm lại cảm giác bế con bằng đầy đủ cả hai bàn tay. Bế con trên tay, anh chỉ biết diễn tả cảm xúc của mình bằng hai chữ “tuyệt vời”. Đã rất lâu rồi anh mới có lại được cảm giác ôm con vào lòng trọn vẹn như thế. Anh chia sẻ mình đang rất hạnh phúc.
Nhờ kiên trì tập tập, đến nay, anh đã có thể cầm nắm được những vật như cốc nước, bê bát cơm. Cử động tay chưa thuần thục nhưng là sự hồi phục nhanh chóng, ngoài mong đợi.