Những năm trở lại đây, điện ảnh Trung Quốc ghi dấu ấn với nhiều bom tấn đạt doanh thu trăm triệu USD.
Thế nhưng, kỳ tích của phim nội địa Trung Quốc chỉ "quanh quẩn" ở phòng vé trong nước. Khán giả nước ngoài đa phần lạnh nhạt với những dự án điện ảnh gắn mác "Made in China".
Những con số ấn tượng
Theo số liệu của Maoyan, tính đến hết ngày 7/3, doanh thu phòng vé phim chiếu Tết Trung Quốc đạt 2 tỷ USD.
Trong đó, Xin chào Lý Hoán Ánh và Thám tử phố Tàu 3 lần lượt thu về 5,135 tỷ NDT (hơn 787,11 triệu USD) và 4,433 tỷ NDT (hơn 679,5 triệu USD) chỉ sau 25 ngày công chiếu.
Cây viết Nhậm Gia Oánh của Toutiao cho rằng hai cái tên cùng lúc gặt hái doanh thu 9 chữ số trong thời gian ngắn tiếp tục khẳng định "tiếng nói" của phim điện ảnh Trung Quốc. Trong quá khứ, phim điện ảnh Trung Quốc nhiều lần ghi dấu ấn qua những "chiến mã" sở hữu doanh thu "không phải dạng vừa".
Ra mắt vào tháng 7/2017, Chiến lang 2 ghi nhận doanh thu phòng vé đạt 874 triệu USD. Con số này đưa "bom tấn" do nam diễn viên Ngô Kinh sản xuất kiêm đóng chính trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc, nắm giữ vị trí thứ 5 trong bảng vàng siêu phẩm có doanh thu cao nhất toàn cầu trong năm.
Với doanh thu 874 triệu USD, Chiến lang 2 trở thành bộ phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc. |
Điệp vụ Biển Đỏ với sự tham gia của Trương Hàm Dư, Trương Dịch, Hải Thanh và Hoàng Cảnh Du ra mắt dịp Tết Mậu Tuất 2018 gặt hái thành công lớn, đem về doanh thu lên tới 579,2 triệu USD. Thám tử phố Tàu 2, Chết để hồi sinh, Xin chào, Quý ông tỷ phú công chiếu cùng năm lần lượt “thắng thế” trên đấu trường doanh thu với 544,1 triệu USD, 453 triệu USD và 367 triệu USD.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Lưu lạc địa cầu - "bom tấn" với kinh phí đầu tư 50 triệu USD của đạo diễn Quách Phàm và diễn viên Ngô Kinh đạt đến con số 700 triệu USD. Tháng 7/2019, Na Tra: Ma đồng giáng thế - dự án phim hoạt hình 3D lấy cảm hứng từ huyền thoại về nhân vật Na Tra trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa xô đổ nhiều kỷ lục của điện ảnh xứ tỷ dân với hơn 755 triệu USD doanh thu.
Cũng trong năm 2019, điện ảnh xứ tỷ dân chứng kiến thành công liên tiếp của Tôi và Tổ quốc tôi, Cơ trưởng Trung Quốc và Người leo núi - 3 bộ phim ra mắt trong Tuần lễ vàng Quốc khánh Trung Quốc với 452,1 triệu USD, 411 triệu USD và 154,3 triệu USD doanh thu.
Đến năm 2020, The Eight Hundred "đăng quang" ngôi vị quán quân phòng vé toàn cầu với 472,4 triệu USD doanh thu. Ra mắt giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng, My People, My Homeland cũng có màn chốt sổ ấn tượng với 458,3 triệu USD.
Mộng vươn tầm quốc tế?
Thế nhưng, "tiếng nói" của điện ảnh Trung Quốc chỉ đang bó hẹp ở phạm vi trong nước. Những con số cụ thể cho thấy loạt bom tấn trăm triệu USD "Made in China" hoàn toàn thất bại khi xuất khẩu nước ngoài.
Đơn cử là Chiến lang 2 khi công chiếu tại Bắc Mỹ chỉ thu về hơn 1 triệu USD và được xếp trong nhóm những bộ phim "độc lập". Trong tổng số 579,3 triệu USD doanh thu của Điệp vụ Biển Đỏ, thị trường nước ngoài đóng góp vỏn vẹn 3,5 triệu USD.
"Nếu đánh giá sức ảnh hưởng mang tầm vóc quốc tế của những thương hiệu điện ảnh thế giới, Hollywood đủ sức ghi 90 điểm, Bollywood 65 điểm. Còn phim nội địa Trung Quốc chưa đủ tiêu chuẩn", ông Trương Vạn Dân, cựu Cục trưởng Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) thừa nhận trên Tân Hoa Xã.
Khán giả nước ngoài đa phần lạnh nhạt với những dự án điện ảnh gắn mác "Made in China". |
Theo Noel Garino - Cố vấn kỹ thuật của Liên hoan phim Trung Quốc tại Pháp (FCCF), những năm gần đây, điện ảnh Trung Quốc "trưởng thành" rõ rệt. Chất lượng hình ảnh, nội dung được cải thiện, đề tài phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, phần lớn phim nội địa xứ tỷ dân vẫn mang màu sắc "quá Trung Quốc". Đây là lý do khiến nhiều bom tấn "Made in China" chịu cảnh "trong nóng, ngoài lạnh".
Đồng quan điểm, nhà phê bình phim Manohla Dargis của New York Times cho rằng hầu hết nhà làm phim Trung Quốc thiếu tầm nhìn quốc tế, không nắm bắt được nhu cầu thị trường nước ngoài. Việc tập trung kể lại những câu chuyện với bối cảnh trong nước khiến phim nội địa xứ tỷ dân trở nên khó "nhằn" với khán giả quốc tế.
5 năm trở lại đây, điện ảnh Trung Quốc cho ra đời nhiều bộ phim với chủ đề lòng yêu nước. |
Trong khi đó, cốt truyện, bối cảnh trong phim Hollywood dễ "nhằn" hơn. Chúng không đòi hỏi khán giả phải hiểu biết đầy đủ về lịch sử và nền tảng văn hóa của một quốc gia cụ thể. Điều đó lý giải tại sao dòng phim này dễ dàng hấp dẫn khán giả yêu phim ảnh toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện dày đặc của dòng phim tư tưởng yêu nước trong vòng 5 năm trở lại đây của điện ảnh Trung Quốc khiến khán giả quốc tế không hứng thú với bom tấn gắn mác "Made in China". Thất bại của loạt phim Chiến lang 2, Điệp vụ Biển Đỏ, My People, My Homeland, Tôi và Tổ quốc tôi, Cơ trưởng Trung Quốc trên đấu trường doanh thu quốc tế là minh chứng.
Mặt khác, trong quá khứ, không ít dự án phim Trung Quốc vướng nghi án sao chép từ siêu phẩm nước ngoài. Ảnh hưởng dây chuyền khiến một bộ phận khán giả quốc tế mất lòng tin vào những bộ phim do Trung Quốc sản xuất.
Năm 2016, Phong thần bảng truyền kỳ cùng dàn sao Lý Liên Kiệt, Phạm Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Angelababy, Cổ Thiên Lạc gây tranh cãi vì những khung hình "mượn" từ Chúa tể của những chiếc nhẫn, Tây du ký, Star Wars và X-Men. Kỹ xảo trong Asura ra mắt năm 2018 bị chê bai là sự chắp nối từ Avatar, Chúa tể của những chiếc nhẫn và Biên niên sử Narnia.
Tước tích của Quách Kính Minh vướng nghi án "tham khảo" siêu phẩm Avatar. Âm Dương Sư: Tình Nhã Tập - một dự án điện ảnh khác của đạo diễn họ Quách cũng bị tố bắt chước ý tưởng của Doctor Strange và Avengers 4: Endgame.
Nhiều "bom tấn" nội địa Trung Quốc vướng nghi án sao chép từ siêu phẩm nước ngoài. |
"Việc khán giả quốc tế chưa mở lòng với phim nội địa Trung Quốc là có lý do. Với những tín hiệu không mấy khả quan ở thời điểm hiện tại, giấc mơ vươn tầm châu lục của điện ảnh xứ tỷ dân còn quá xa vời", đạo diễn Lâm Kha buồn bã.