Trong suốt chuyến xe đi từ TP.HCM ngày 9/11 đến trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước), ông Nguyễn Trí Dũng (75 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Sang (57 tuổi, ở phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) không hề trò chuyện gì bởi ông bà rất căng thẳng đợi gặp con trai Nguyễn Thành Trung đang thi hành án tại trại này.
Con xin lỗi
Bởi tất cả sự hồi hộp, mong mỏi, vui sướng và hạnh phúc của ông bà đều để dành cho những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt nhăn nheo khi nghe đứa con tội lỗi đọc lá thư xin lỗi để gửi cho ông bà. Con của vợ chồng ông Dũng nghiện ma túy, rồi bị bắt vì tội buôn bán ma túy với mức án 7 năm tù.
Phạm nhân Lê Nguyên Vũ và ông Nguyễn Văn Bắc (bố của nạn nhân Nguyễn Văn Bằng). |
Được hai cán bộ trại giam đưa lên sân khấu gặp con, ông muốn bước đi thật nhanh để ôm lấy đứa con trai ông dứt ruột đẻ ra bởi có đến hơn 1.000 ngày ông không được ôm nó trong vòng tay. Tiếng khóc nghẹn của đứa con trai khi vòng tay ôm chặt lấy đôi vai gầy guộc của người cha già và những giọt nước mắt rơi trên vai áo ông, y như ngày nào nó còn bé, đi chơi và bị bạn đánh chạy về khóc với ba.
Những giọt nước mắt ấy không phải hôm nay nó mới khóc, mà nó đã khóc từ rất nhiều ngày trước, từ khi nó bị bắt giam vì liên quan đến ma túy. “Tôi viết thư gửi lời xin lỗi đến ba vì nạn nhân của tôi nhiều quá, tôi không biết ai để viết thư xin lỗi” - phạm nhân Nguyễn Thành Trung đã tâm sự như thế.
Trung là con trai cả của ông Dũng và bà Sang, sau Trung còn hai em một trai, một gái và hai con nhỏ. “Vợ Trung bị bắt cùng chồng một lượt, hai con nhỏ giờ tui chăm” - ông Nguyễn Trí Dũng cho biết.
Ngồi phía trên ông Nguyễn Trí Dũng một hàng ghế là một người mẹ buôn gánh bán bưng ở TP.HCM cũng nghỉ một buổi bán hàng để lên trại được nhìn thấy con khi con trai chị đang thụ án cướp giật tài sản trong tù.
Trong khi cha con ông Dũng trùng phùng trên sân khấu thì chị cũng không ngăn được những giọt nước mắt của mình và lần giở lá thư của đứa con trai đã gửi cho chị mà chị đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần đến nhàu nhĩ.
Chị nói chị không tin được đây là lá thư do đứa con ngỗ ngược của chị viết, mà lại còn viết chữ rất đẹp nữa. Thư con viết xin lỗi chị vì những lỗi lầm nó đã gây ra khiến bản thân mình phải vào tù và hằng tháng, thay vì đi làm nuôi dưỡng mẹ thì mẹ lại phải dành tiền vào trại để thăm con.
“Tôi đã khóc rất nhiều ngày, tôi mong rằng sau khi ra trại, cháu sẽ tìm được những công việc tốt để làm nuôi sống bản thân mình. Tôi nghĩ rằng mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua được, còn sức khỏe và còn con người thì còn cơ hội làm lại” - chị nói thế.
Tôi tha thứ
Trái với ông Dũng phải vượt gần 200km từ TP.HCM đến Bình Phước để được gặp con trai trong nỗi niềm hạnh phúc, ông Nguyễn Văn Bắc (60 tuổi, bố của nạn nhân Nguyễn Văn Bằng đã mất năm 2010) được con rể chở bằng xe máy vượt qua đoạn đường khó khăn với nhiều ổ trâu, ổ voi từ Lộc Ninh đến trại giam Tống Lê Chân chỉ để nói với phạm nhân Lê Nguyên Vũ rằng ông đã tha thứ cho Vũ và mong Vũ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình chăm sóc mẹ già.
Phạm nhân Nguyễn Thành Trung. |
Trước khi có quyết định đến trại giam Tống Lê Chân để gặp Vũ, suốt đêm hôm trước ông Bắc dường như không ngủ.
Nỗi đau đớn khi mất đi con trai duy nhất dù đã vài năm rồi nhưng không thể nào nguôi ngoai trong tâm trí ông. Bao nỗi giằng xé, đau đớn tiếc thương sau ngày con bị sát hại đã khiến không chỉ ông mà cả người vợ gầy guộc cũng không thể có nổi một ngày vui.
“Nhưng tôi nghĩ con tôi cũng đã mất rồi, và đọc thư của Vũ dù lúc đầu khiến tôi thật đau lòng nhưng tôi đã an ủi mình rằng quãng thời gian ở tù và dằn vặt với tội ác mình gây ra là hình phạt rất nặng nề đối với Vũ rồi. Tôi tha thứ cho Vũ và mong rằng cháu cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình”.
Đây không chỉ là lần đầu tiên ông tha thứ cho Vũ, bởi trong phiên tòa xét xử Vũ cách đây vài năm, khi đối diện kẻ đã lấy đi mạng sống của con trai mình, ông đã nói với hội đồng xét xử xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cũng có mặt ở trại giam Tống Lê Chân, bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, ở Tân Lợi, Đồng Phú, Bình Phước) mang theo cả con trai, con dâu và cháu nội.
Bởi cả ba người lớn đều là nạn nhân của một vụ hành hung kinh hoàng cách đây đã ba năm khiến cả năm người trong gia đình bị thương tích. Người bị nặng nhất là con trai lớn của bà Mai với tỉ lệ thương tật lên tới 46% và bây giờ gần như cả nhà phải cưu mang anh ấy.
“Tôi bất ngờ khi nhận được thư của Lê Hoàng Sơn. Đọc thư lúc đầu tôi vẫn rất giận, bởi Sơn đã dẫn đầu một đám côn đồ đến nhà tôi hành hung nhầm khiến cả nhà tôi bị thương tích. Nhưng đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, bởi vậy tôi tha thứ cho Sơn”.
Cần những bàn tay chìa ra
“Ông cha ta có câu đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, bởi vậy khi anh đến đây, chúng tôi hiểu rằng tấm lòng anh đã rộng mở để tha thứ cho Lê Nguyên Vũ, đó là điều không chỉ có Vũ cần mà rất nhiều phạm nhân khác cần khi trở về với cộng đồng. Bởi những lá thư, những con chữ ấy anh được đọc trong một khoảnh khắc nhưng là bao suy tư trăn trở của Vũ. Anh tha thứ cho Vũ là anh đã dang rộng vòng tay mình với Vũ rồi, và các phạm nhân khác cũng cần những vòng tay như thế” - trung tướng Nguyễn Văn Ninh, phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII (Bộ Công an), đã chạy lên sân khấu nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của ông Nguyễn Văn Bắc và nói với ông Bắc những lời như thế. “Làm công tác cải tạo phạm nhân, chúng tôi chỉ mong rằng sau thời gian cải tạo, các anh chị sẽ được xã hội và gia đình bao dung, đón nhận. Nên rất cần những bàn tay từ xã hội chìa ra với những người mãn hạn tù. Để các phạm nhân thật sự hòa nhập cộng đồng thì cần hơn rất nhiều những tấm lòng mở rộng” - trung tướng Ninh nói.