Sự việc bảo mẫu hành hung trẻ em cứ lặp đi lặp lại với mức độ ngày càng đáng sợ. Những vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn của những phụ huynh vào những người làm nghề bảo mẫu nói riêng và các nhà trẻ nói chung.
Vì nghi hoặc, mất niềm tin nên sự soi mói đôi khi thái quá của phụ huynh cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho những người làm nghề bảo mẫu nghiêm túc, có nghiệp vụ sư phạm hay những nhà trẻ có trách nhiệm.
Người viết bài từng chứng kiến chuyện trong giờ đón con, một phụ huynh khá giả đã kéo tay cô bảo mẫu ra tận cửa xe để mắng nhiếc nặng lời, sau đó, buộc cô ấy phải lắp bắp xin lỗi mình trước mặt đứa bé chỉ vì thấy “cục cưng” bị một vết xước nhỏ trên đầu gối do chơi đùa với bạn.
Một chuyện khác, chỉ vì một vết muỗi cắn trong giờ ngủ trưa, mà cha mẹ của một câu bé đã đến phòng hiệu trưởng dọa lên mạng xã hội rêu rao về sự “vô trách nhiệm” của nhà trường…
Cần hiểu rằng, nhiều phụ huynh thực sự bị chấn động, ám ảnh bởi những câu chuyện, hình ảnh bạo hành và họ đánh mất sự tin tưởng cũng như cái nhìn chia sẻ với nhà trường. Đơn giản, bởi họ đã chứng kiến quá nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Sau sự việc này, điều mà có lẽ các phụ huynh khó thỏa mãn nhất đó chính là trách nhiệm của các cấp quản lý. Khó có thể “cho qua” được, khi sau sự việc xảy ra ở cơ sở trường mầm non Sơn Ca, Quảng Bình, ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, vẫn còn bình tĩnh để vặn vẹo ngôn từ trên một tờ báo điện tử rằng: “Cơ sở này chưa được cấp phép nên không thể gọi là trường, cũng không phải là đình chỉ, mà phải dừng ngay hoạt động phi pháp”.
Thật bất ngờ vì một trường mầm non được phản ánh là có quy mô không nhỏ nhưng có thể nhận trẻ, hoạt động công khai trong tình trạng “chưa được cấp phép”!
Câu chuyện về đạo đức, lương tâm, lòng nhân ái cần có của bảo mẫu, có lẽ dư luận cũng đã nói đến nhiều. Câu chuyện về vai trò bảo mẫu không chỉ là giữ trẻ, cho ăn, cho ngủ mà còn phải là tấm gương có tính mô phạm trong mắt trẻ thơ những năm tháng đầu đời ở nhà trường, cũng đã được các chuyên gia bình phẩm.
Ở đây, đã đến lúc phải truy vấn tới cùng vai trò quản lý của chính quyền địa phương, của cơ quan quản lý chuyên môn là các Sở, Phòng Giáo dục, và nghiêm ngặt hơn, là truy cứu trách nhiệm của chính những người chủ cơ sở để có sự giám sát trách nhiệm trong tuyển dụng, giám sát nghiệp vụ, đặc biệt, trong một số trường hợp, không thể bỏ qua trách nhiệm những bảo mẫu đồng lõa, nhìn thấy đồng nghiệp bạo hành trẻ em diễn ra trước mắt nhưng đã làm ngơ.
Đã có những bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ phải ngồi tù, đã có giải pháp gắn camera theo dõi, nhưng vấn nạn này vẫn còn lặp lại, và ít hay nhiều chắc chắn vẫn đang xảy ra ở các nhà trẻ. Chừng nào việc truy tố gắn được những sai phạm của bảo mẫu với trách nhiệm quản lý hoạt động, nghiệp vụ của cơ quan chức năng và của chính ban quản lý nhà trường thì mới mong hạn chế được tình trạng trường mầm non chui và những bảo mẫu kém.
Chỉ có sự liên đới trong trách nhiệm mới mong tạo ra những ràng buộc, đảm bảo một môi trường sư phạm đặc thù được trong lành hơn. Không nên chỉ chú mục, dừng lại ở cái sai của cá nhân những bảo mẫu!