Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Những chuyện chưa kể về bộ phim ‘Phía trước là bầu trời’ sau 17 năm

Tôi đã xem "Phía trước là bầu trời" từ khi còn rất nhỏ, ở quê nhà, để rồi mộng mơ về một cuộc sống sinh viên nơi xóm trọ - thật vất vả nhưng ấm áp và tràn ngập niềm vui.

phim Phia truoc la bau troi anh 1phim Phia truoc la bau troi anh 2

Tôi đã xem "Phía trước là bầu trời" từ khi còn rất nhỏ, ở quê nhà, để rồi mộng mơ về một cuộc sống sinh viên nơi xóm trọ - thật vất vả nhưng ấm áp và tràn ngập niềm vui.

Thời cấp ba, tôi từng dán trước bàn học của mình dòng chữ “Đã chọn con đường này thì sợ cũng phải đi, hãy cứ nghĩ phía trước mình là bầu trời để có niềm tin mà bước tiếp”. Đó là câu thoại của nhân vật Nhung trong tập 9, cũng là tập cuối cùng của Phía trước là bầu trời.

phim Phia truoc la bau troi anh 3

Những ngày ôn thi căng thẳng, tôi đã luôn nhớ đến lời dặn của “chị Nhung” và mộng mơ về một cuộc sống sinh viên nơi xóm trọ - sẽ thật vất vả nhưng cũng ấm áp và tràn ngập niềm vui - như những gì được miêu tả trên màn ảnh.

Mộng ước ấy sau này thành hiện thực, tôi đỗ đại học, và bắt đầu cuộc sống sinh viên bằng việc thuê một căn phòng nhỏ gần trường. Như bao bạn trẻ khác, tôi trở thành mảnh ghép trong xóm trọ - nơi có những người bạn cùng xuất thân từ tỉnh lẻ. Chúng tôi đến từ những miền quê khác nhau, mỗi người một tính cách nhưng có chung một “lời chưa nói” về tuổi trẻ và khát vọng.

 Ở khu trọ ấy, chúng tôi đã cùng nhau xem bộ phim Phía trước là bầu trời.

phim Phia truoc la bau troi anh 4

Cảnh cuối cùng của phim, khi Thương nói với Nguyệt “Bọn mình có tuổi trẻ, có trình độ nếu biết bằng lòng về quê vẫn sống được”, Diệu Hà - "cây văn" trong xóm trọ của chúng tôi đã khóc. Chị bảo thấy mình giống Thương đến lạ, cũng trải qua bốn năm sinh viên đầy hoài bão và tốt nghiệp với tấm bằng khá.

Nhưng gần hai năm kể từ khi ra trường, chị Hà vẫn đang làm một công việc trái ngành, không ổn định và  mức lương chỉ đủ trang trải cuộc sống. Sau tất cả, chị cũng như “chị Thương” -  quyết định sẽ rời thành phố.

Chị giao cho tôi một nhiệm vụ: “Nếu sau này làm báo, gặp được đạo diễn Đỗ Thanh Hải, hãy hỏi một câu gì đó về Phía trước là bầu trời, thanh xuân của chị, và có lẽ cũng là của thanh xuân của tất cả chúng mình”.

Đó là câu chuyện của 3 năm trước. Giờ, chị Hà đã có công việc ổn định ở quê - một giáo viên dạy văn cấp 3. Còn tôi, vẫn ấp ủ lời hứa và giấc mơ năm nào, nhất định sẽ có một ngày gặp đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, người đã viết lên câu chuyện sinh động cho những ai đi qua thanh xuân với khát vọng căng mình, tin tưởng vào bầu trời phía trước.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải kể về kỷ niệm quay 'Phía trước là bầu trời' "Phía trước là bầu trời" là một bộ phim tâm lý xã hội của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, ra mắt lần đầu năm 2001 trong chương trình Văn nghệ Chủ Nhật.

phim Phia truoc la bau troi anh 5

Không ai hiểu rõ Phía trước là bầu trời hơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Mỗi diễn viên có thể chỉ giữ những kỷ niệm của chính mình, nhưng đạo diễn của bộ phim sẽ là người “biết tuốt”, từ khi Phía trước là bầu trời chỉ là trang giấy kịch bản đến khi phim phát sóng và được biết bao khán giả đón nhận.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết Phía trước là bầu trời phát sóng năm 2001, cách đây 17 năm. Nhưng với anh, câu chuyện về Phía trước là bầu trời đã bắt đầu từ những năm cuối thập niên 90.

Chẳng là, sau bộ phim đầu tay Xin hãy tin em ra năm 1997, dù nhận được những phản hồi tích cực nhưng Đỗ Thanh Hải vẫn tiếc nuối một vài góc nhìn về sinh viên chưa truyền tải được.

Sự day dứt ấy thôi thúc vị đạo diễn phải tiếp tục kể câu chuyện tuổi trẻ. Như một cơ duyên, Đỗ Thanh Hải may mắn tiếp cận được với kịch bản của Diệu Hương - một biên kịch mới ra trường và Phía trước là bầu trời là kịch bản tốt nghiệp của cô.

Nội dung kịch bản của Diệu Hương được đánh giá là chân thật vì nữ biên kịch cũng từng là sinh viên của trường Nhân văn, và các nhân vật trong tác phẩm được cho là xây dựng từ chính bạn bè cô.

Nhưng, khác với Diệu Hương, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chưa từng trải qua cuộc sống ở trọ. Đỗ Thanh Hải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên những câu chuyện về sinh viên, anh chỉ nghe kể. Vì không có trải nghiệm thực, chàng đạo diễn hơn 20 tuổi khi đó quyết định phải thâm nhập thực tế.

“Tôi đến các xóm trọ, hỏi han câu chuyện của mọi người, thậm chí kết thân với một cô gái giống nhân vật trong kịch bản để lắng nghe những chia sẻ của cô ấy. Song song với đó, tôi lên báo Hoa học trò, báo Sinh viên để mượn báo đọc và ngấm”, đạo diễn sinh năm 1973 chia sẻ.

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nếu phim không gợi được không khí của sinh viên, không nói được đúng về họ thì sẽ chẳng có ai xem. Thế nên, chỉ khi cảm thấy đã tích lũy và trải nghiệm đủ thực tế, Đỗ Thanh Hải mới bắt đầu bắt tay vào làm phim.

Công việc quan trọng bậc nhất là bối cảnh. Yêu cầu bối cảnh được đoàn phim đưa ra là một xóm trọ sinh viên. Xóm trọ không khó tìm vào thời điểm đó, nhưng làm sao để tạo nên một không gian thuận lợi nhất cho sự tương tác giữa các nhân vật lại không phải chuyện đơn giản.

Phía trước là bầu trời là câu chuyện của những bạn trẻ trong một xóm trọ, với nhiều hoàn cảnh sống, nhiều thân phận. Nhưng không khí của xóm trọ lúc nào cũng lạc quan vui vẻ. Do vậy, yêu cầu thứ hai được đặt ra về bối cảnh, đó là xóm trọ phải không khép kín, và có một bể nước là nơi sinh hoạt chung.

Cuối cùng, một xóm trọ ở Nhân Chính - Thanh Xuân được chọn nhưng đoàn làm phim vẫn phải sửa đôi chút như trồng thêm cây, làm bể nước. Thời gian đầu, sự xuất hiện của một đoàn phim nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ người dân và sinh viên quanh khu trọ.

phim Phia truoc la bau troi anh 6

Thế nhưng, việc có một đoàn làm phim đến quay ròng rã trong nhiều tháng cũng khiến cuộc sống xung quanh bị đảo lộn. Phim quay cả ngày lẫn đêm, nhiều hôm 1-2h sáng, các bạn trẻ vẫn còn đùa nghịch khiến người dân “không bằng lòng nhưng cũng ngại nói ra”.

“Tôi nhớ trong phim có cảnh nhân vật bà Hạc sang mắng xóm trọ vì hôm đó tổ chức sinh nhật cho Nghĩa. Cảnh đó là quay lúc 1h sáng, chúng tôi thống nhất là bây giờ cô Xuân Thức đóng vai bà Bạc nhưng chỉ mấp máy miệng thôi, không nói thành tiếng để đỡ ảnh hưởng đến người dân. Nhưng diễn mà không cho nói thì không thể đạt được.

Cuối cùng, tôi quyết định cô Xuân Thứ tập thật kỹ để chỉ quay 1-2 lần là xong. Nhưng khi quay, giọng cô Xuân Thức vừa cất lên thì chó sủa ầm ĩ. Người dân xung quanh tưởng có người sang mắng đoàn làm phim thật nên nói với theo ‘Mắng chết đoàn làm phim đi”. Lúc đó, chúng tôi mới biết họ đã chịu đựng mình như nào mà không dám nói ra”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cười nhớ lại.

Sau tình huống “có một không hai" đó, đoàn phim quyết định làm “công tác dân vận”. Dịp Trung Thu, ê-kíp đã mua bánh, quà đến tặng từng nhà trong xóm trọ, người dân xung quanh để xin lỗi vì đã làm phiền.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã mỉm cười khi nhắc về những câu chuyện hậu trường cách đây đã nhiều năm mà anh không thể nào quên được. NSƯT bảo đó là kỷ niệm “khó có thể lặp lại” trong đời một người đạo diễn.

phim Phia truoc la bau troi anh 7

phim Phia truoc la bau troi anh 8

Phía trước là bầu trời được yêu thích ngay khi phát sóng trong chương trình Văn nghệ chiều Chủ nhật. Bộ phim được phát đi phát lại vào những năm tiếp theo, và đi vào ký ức của nhiều thế hệ khán giả truyền hình, đặc biệt là thế hệ 8X, và 9X.

Xóm trọ trong Phía trước là bầu trời như một xã hội thu nhỏ với đủ vui buồn. Bên cạnh ba nhân vật chính Thương, Nguyệt, Nhung là những cô, cậu sinh viên mỗi người là một hoàn cảnh, một tính cách, một mảnh đời.

Nhưng họ vui vẻ sống bên nhau, khi thì “hợp sức” đối phó chủ nhà, lúc lại cùng nhau tổ chức sinh nhật, tập thể dục thể thao, cùng ăn cơm chịu, cùng mang chiếc quạt duy nhất đi cầm đồ để có tiền sinh hoạt,…

Câu chuyện về xóm trọ được kể bình dị qua từng tập phim. Các nhân vật hiện lên chân thực đến nỗi khó có sinh viên tỉnh lẻ nào lên thành phố học tập lại không thấy ít nhiều hình ảnh của mình trong đó. Để có được thành công ấy về mặt cảm xúc, không thể không kể đến công lao của dàn diễn viên gần như toàn bộ là “nghiệp dư”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết chọn diễn viên nghiệp dư là chủ ý của anh. Theo Đỗ Thanh Hải, tinh thần tươi trẻ của bộ phim là yêu cầu tiên quyết. Do vậy, diễn viên có thể tốt nghiệp bất cứ trường nào nhưng phải diễn hồn nhiên thay vì kỹ thuật. Có như vậy, mới ra được chất sinh viên.

Đầu tiên, đạo diễn casting 3 nhân vật chính, người được chọn đầu tiên là Thu Nga. Trong buổi gặp mặt với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Thu Nga đi cùng một người bạn là Hà Hương. Nhìn thấy Hà Hương, đạo diễn đã nhắm ngay đến vai Nguyệt.

Sau khi đã chọn được 2 nữ chính là diễn viên múa, Đỗ Thanh Hải quyết định sẽ chọn thêm một diễn viên múa nữa "cho đủ bộ", và cuối cùng Kiều Anh được "chọn mặt gửi vàng".

Thu Nga, Hà Hương và Kiều Anh không chỉ cùng nghề mà còn là bạn bè với nhau ở ngoài đời. Do vậy, ba cô gái diễn tự nhiên và thuyết phục hoàn toàn trong vai những người bạn.

phim Phia truoc la bau troi anh 9

Mệt nhất, theo tiết lộ của đạo diễn Phía trước là bầu trời là nhóm những cô, cậu sinh viên trong các phòng khác của xóm trọ. Đỗ Thanh Hải phải nhờ đến giảng viên Đặng Châu Anh (và là bà xã) tìm cho những sinh viên trong trường Nhạc.

Trong buổi casting, đoàn làm phim chọn được Diệu Thảo trong vai Thảo, Nguyễn Hoàng vai Nghĩa. Văn Anh không casting nhưng lại ló mặt nhìn các bạn, nụ cười và chiếc răng khểnh của Văn Anh khiến đạo diễn thực sự ấn tượng, và cậu được chọn.

Kịch bản vốn không có nhân vật Vinh nhưng vì sự đáng yêu của Văn Anh, cùng chất giọng Nghệ An đặc trưng, Đỗ Thanh Hải đã đề nghị đội ngũ biên kịch sửa kịch bản.

Đến giờ, vị đạo diễn sinh năm 1973 mới tiết lộ về quyết định bổ sung nhân vật năm nào. Nhưng anh khẳng định đó là một quyết định đúng đắn. Văn Anh không những gây ấn tượng về ngoại hình, giọng nói mà còn gây thương nhớ cho biết bao cô gái với màn vừa đàn guitar vừa hát When you say nothing at all - bản hit đình đám với thời điểm đó của Ronan Keating.

Một nhân vật nữa cũng đặc biệt không kém trong Phía trước là bầu trời là Thành Vinh với vai Nam “mọt sách”. Thành Vinh là á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải quen chàng trai này khi làm chương trình Gặp nhau cuối năm.

Sau đó, Thành Vinh có thời gian lên Hà Nội để chuẩn bị thi Olympic. Biết chuyện, Đỗ Thanh Hải đến tìm gặp Vinh để “nhắm” cho vai Nam. Theo đạo diễn, Nam phải là một gương mặt sáng sủa, tri thức, và Thành Vinh là lựa chọn phù hợp. Đó là lý do Thành Vinh trở thành mảnh ghép trong dàn diễn viên “nghiệp dư”.

phim Phia truoc la bau troi anh 10

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết vì phim có một dàn diễn viên nghiệp dư nên Phía trước là bầu trời có lẽ cũng là bộ phim lập kỷ lục về họp “kỷ luật diễn viên”.

“Các bạn diễn rất nhiệt tình nhưng nhiều khi nhiệt tình quá. Các bạn diễn cũng như chơi nên chưa ý thức được tính kỷ luật. Diễn viên thường xuyên thiếu, chúng tôi thường xuyên phải dọa. Quần áo, phục trang dặn là phải giữ nhưng các bạn cũng cứ làm mất quần áo, quên quần áo. Thực sự là rất hồn nhiên”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải kể lại.

Trong danh sách thành viên của xóm trọ, chỉ có nhân vật Trà Cave là do diễn viên chuyên nghiệp đảm nhận vì yêu cầu cao về diễn tâm lý. Vai Trà được giao cho Kiều Thanh, khi đó là sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh. Kiều Thanh gây ấn tượng từ buổi casting cho đến khi quay phim.

“Có những cảnh quay, tôi không tin là Kiều Thanh lại làm được. Ví như cảnh, nhân vật Trà sau khi bị mấy bạn xóm trọ xúc phạm, cô ấy mở ảnh con gái ra và khóc".

Lúc đó, Trà phải đối mặt số phận, diễn biến tâm lý trong nhiều trạng thái, cay đắng và muốn khóc. Nhưng yêu cầu là Kiều Thanh không được khóc trước, chỉ khóc khi máy đã đẩy vào. Máy quay lại gần, khi đã cận mặt, đúng lúc đó Kiều Thanh mới được khóc, và cô ấy làm được”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải miêu tả.

Sau cảnh quay xuất sắc của Kiều Thanh, đạo diễn và đội ngũ biên kịch họp với nhau và đi đến quyết định làm dày dặn hơn nhân vật Trà Cave. Trước đó, Trà chỉ là nhân vật phụ, thoảng qua, nhưng vì sự truyền cảm hứng trong diễn xuất của Kiều Thanh, nhân vật đã thêm câu chuyện với Nam và mối quan hệ tình cảm khó gọi tên.

“Một bộ phim thành công, theo tôi, nhờ rất lớn ở những nhân vật như vậy. Nhiều khán giả có thể không nhớ được nội dung phim, thậm chí nhan đề phim nhưng họ lại nhớ về Trà Cave, và nói "Phim có Trà Cave đúng không". Điều đó xuất phát từ cái hay của nhân vật và diễn xuất của diễn viên”, đạo diễn Phía trước là bầu trời nhấn mạnh.

phim Phia truoc la bau troi anh 11

phim Phia truoc la bau troi anh 12

Vai Trà Cave cũng giúp tên tuổi của Kiều Thanh được đông đảo khán giả biết đến. Nữ diễn viên sau đó được nhiều đạo diễn săn đón với những dạng vai khác nhau. Trong số dàn diễn viên của phim, Kiều Thanh cũng là người bền bỉ theo nghiệp diễn xuất và chứng tỏ được mình trong nghề nghiệp.

Ở ngoài đời, mỗi diễn viên trong phim Phía trước là bầu trời là một số phận khác nhau. “Thương” hiện công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Nữ diễn viên nay đã là bà mẹ của hai con, ngày ngày bận rộn với bỉm sữa. Trong một lần gặp lại, “Thương” bảo chị cảm thấy hạnh phúc vì khán giả vẫn nhớ tên. Theo nữ diễn viên, nhớ tức là mình đã lưu lại trong họ một hình ảnh đẹp.

phim Phia truoc la bau troi anh 13

“Nguyệt” Hà Hương hiện kinh doanh nhà hàng. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết thỉnh thoảng anh em vẫn đến quán của “Nguyệt” để ủng hộ.  Thành Vinh đã sinh sống tại Australia nhiều năm, nhưng vẫn giữ liên lạc. Mỗi lần sang Australia, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng đều đến thăm.

Nguyễn Hoàng vai Nghĩa béo đang là một người dẫn chương trình và hát đám cưới. Trong khi, Diệu Thảo vừa chơi nhạc, vừa làm ở một đài truyền hình.

Kiều Anh - cô Nhung hiền lành, xinh đẹp, giỏi giang năm nào hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với vai trò đạo diễn. Ngoài ra, “Nhung” vẫn tham gia phim ảnh. Nữ diễn viên vừa gây chú ý với vai diễn trong phim Tình khúc Bạch Dương.

Chia sẻ về vai diễn gây thương nhớ với hơn một thế hệ khán giả trong Phía trước là bầu trời, Kiều Anh gọi đó là những kỷ niệm và ký ức thật đẹp của tuổi trẻ. “Tất nhiên, không bao giờ quên được”.

Những trích đoạn gây thương nhớ trong 'Phía trước là bầu trời' Phim truyền hình "Phía trước là bầu trời" của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, phát sóng năm 2001 và được yêu thích suốt nhiều năm sau đó vì kể câu chuyện chân thực về sinh viên, tuổi trẻ.

phim Phia truoc la bau troi anh 14

Cuộc phỏng vấn với đạo diễn Đỗ Thanh Hải diễn ra tại Đài truyền hình Việt Nam. Sự say sưa của đạo diễn đã giúp người viết có được nhiều thông tin quý báu mà trước đó, dù đã gặp một vài diễn viên của Phía trước là bầu trời, người viết vẫn không thể có đủ.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ rằng anh cũng giống mọi người. Nếu có những bạn trẻ được truyền cảm hứng từ Phía trước là bầu trời, tuổi trẻ của Đỗ Thanh Hải cũng được truyền cảm hứng tương tự từ những bộ phim khác.

"Đó là Bao giờ cho đến tháng 10 -  bộ phim đã truyền cảm hứng để tôi đến với điện ảnh, và Vị đắng tình yêu - nơi truyền cho tôi góc nhìn về tuổi trẻ, về tình yêu để làm nên Phía trước là bầu trời. Và một nguồn cảm hứng khác, xuất phát từ chính tuổi trẻ của tôi".

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ ngày ấy anh đã làm nghề bằng tình yêu thực sự, bằng sự hồn nhiên của tuổi trẻ, bằng tâm huyết và thời gian của một người chưa có gia đình. Hơn thế, Đỗ Thanh Hải đã làm phim trong suy nghĩ "ngày mai có thể sẽ không làm nữa”.

Sau cuộc phỏng vấn, tôi đã gọi điện cho chị Hà xóm trọ cũ về việc đã thực hiện lời hứa năm nào, đã gặp đạo diễn Đỗ Thanh Hải và hỏi về bộ phim thanh xuân của chúng tôi.

Chị Hà rất vui. Chị kể cho tôi nghe thêm về đám học trò của chị sinh năm 2000, và cũng chỉ hơn tháng nữa bọn nhỏ sẽ rời vòng tay của chị. Thế là lại sắp đến một mùa hoa phượng. Những cánh phượng hồng rực một góc trời cũng là ước mơ, hoài bão của các sĩ tử khắp mọi miền.

Và biết bao cô, cậu học trò lại như chị, và như cả người viết, bắt đầu hành trình từ tỉnh lẻ lên thành phố học tập. Chúng tôi có chung niềm tin: Phía trước là bầu trời.

phim Phia truoc la bau troi anh 15

Quang Đức

Video: Hoàng Hiệp
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm