Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phiên bản Lolita Hàn Quốc: Ám ảnh nỗi cô đơn

“Cảm ơn ông. Cảm ơn ông vì đã làm cho tôi quá xinh đẹp trong câu chuyện. Tôi không biết mình lại xinh đẹp như vậy. Tôi chưa hề biết...”.

Đó là những lời thoại thốt lên từ tận đáy lòng của Eun Gyo, và là một chi tiết do chính đạo diễn Jung Ji Woo viết thêm, không có trong quyển tiểu thuyết Eun Gyo nổi tiếng của tác giả Park Bum Shin.

"Đây là câu chuyện của một cô gái trẻ trong hành trình khai mở về mình và giá trị của mình. Tôi muốn nắm bắt những khoảnh khắc khi nàng nhận ra mình quý giá đến thế nào đối với chính nàng và những người quanh nàng" - đạo diễn Jung Ji Woo.

Một ngày nọ, nhà thơ trở về nhà và nhìn thấy một cô gái trẻ đang ngủ thiếp trên chiếc ghế tựa bên mái hiên nhà ông. Vẻ đẹp thuần khiết, mong manh của cô gái đã trở thành một nguồn cảm hứng vừa dịu dàng, vừa mãnh liệt cho Lee.

Xa lánh gia đình vì bị bạo hành, Eun Gyo đã tìm niềm an ủi nơi mái nhà của nhà thơ già mà cô gọi là “ông nội” (ông nội trong tiếng Hàn cũng là kính ngữ dùng để gọi những ông lão lớn tuổi). Để giúp Eun Gyo (hay giúp chính mình?), Lee nhận cô làm người phụ việc vặt, dọn dẹp trong nhà.

Poster phim A muse.

 

Hai con người một già, một trẻ tìm thấy ở nhau một sự bù đắp, một điểm tựa và một sự thăng hoa. Eun Gyo tìm chút bình yên sau giờ học, vừa có thể kiếm món tiền nhỏ, vừa không phải đối mặt với cuộc sống địa ngục trong nhà. Nhà thơ thì tìm thấy những tháng năm tuổi trẻ đầy khát vọng, và khơi dậy một nguồn cảm xúc lớn lao để chấp bút cho một tác phẩm mới.

Thế rồi, khung cảnh bình yên đó sớm bị phá vỡ bởi cơn bão ghen tuông của Seo Ji Woo. Cơn bão này đã nhanh chóng hủy diệt tất cả, bóp chết tình yêu, chôn vùi những đam mê trong trẻo và khát vọng bình thường.

Cảnh trong phim.

Nhưng A muse không phải là bộ phim về chuyện tình giữa ba người trong một vòng tròn luẩn quẩn. Nó bóc tách những góc tối của các nhân vật và cả người xem, những suy nghĩ giấu kín, những khát vọng vùi sâu trong đáy lòng - mặc dù không giấu được trong ánh mắt.

Lee khao khát tìm lại tuổi trẻ, và hóa trang rất đạt, nhưng thật sự người xem không cảm nhận được một nhà thơ già 70 tuổi qua tạo hình của Park Hae Il. Đó cũng chính là sự thành công về diễn xuất của Park, khi lột tả hình ảnh một thân cây đến hồi tàn mục nhưng nhựa sống còn cuộn chảy bên trong. Seo khát khao có được danh vọng - dù chỉ là vay mượn, và tình yêu - dù bằng thể xác.

Kim Moo Yeol cũng chiếm được “lòng ghét” của người xem với ánh mắt đầy tham vọng của Seo Ji Woo. Nhưng tất nhiên, “nàng thơ” của A muse vẫn là Eun Gyo - cô gái khát khao được yêu, được cần, được người khác quan tâm và muốn có mình.

Những nỗi khao khát nguyên sơ trong mỗi con người. Và ở đây, trong 129 phút này, chúng đã được viết thành thơ bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh sắc sảo làm A muse trở nên tuyệt đẹp: khung cảnh, ánh sáng, màu phim, góc máy và những khoảnh khắc lay động mà đạo diễn bắt được ở đâu đó...

“Nàng Lolita” do nữ diễn viên 24 tuổi Kim Go Eun đảm nhận.
“Nàng Lolita” do nữ diễn viên 24 tuổi Kim Go Eun đảm nhận.

 

Nhưng trên tất cả, vẻ đẹp của A muse chính là diễn xuất. Bộ phim là một sự tinh tế rất điển hình của điện ảnh Hàn Quốc, trau chuốt đầy cẩn trọng, chắt lọc từng ánh mắt, từng cử động nhỏ trên nét mặt, từng dòng thoại, và đặc biệt chú ý đến sự rung cảm cùng những dư âm.

Rất ít bộ phim để lại nỗi ám ảnh thật lâu, trừ khi chạm đến góc tối hoặc vết cắt sâu hoắm của chúng ta. A muse không cần phải cố gắng để được ta nhớ đến mãi, nhưng ta cũng biết rằng khó có thể quên, bởi sâu trong lòng mỗi người đều có những góc khuất và những vết thương.

A muse (Nàng thơ), tựa gốc là Eun Gyo, có thể xem là một phiên bản Lolita của Hàn Quốc, kể về một nhà thơ 70 tuổi phải lòng cô gái 17 tuổi. Nam diễn viên nổi tiếng Park Hae Il, người từng được biết đến với nhiều giải thưởng danh giá qua bộ phim The host, War of the arrows, mỗi ngày phải dành ra tám tiếng đồng hồ để hóa trang thành nhà thơ già gấp đôi tuổi thật.

Trong cả bộ phim, một nỗi cô đơn thấm đẫm trong cả ba nhân vật, và không ai trong số họ có thể tháo gỡ mình khỏi sự bất lực ấy...




http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151227/a-muse-noi-co-don-am-anh/1027951.html

Theo Đường Thiên Khuê/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm