Phiên chợ Stara Zagora đặc biệt này có xuất xứ từ những người Kalaidzhi, một tộc người theo Cơ Đốc giáo ở Bulgaria. Khoảng 18.000 người Kalaidzhi đã bảo vệ truyền thống này, bất chấp việc bị kỳ thị và xa lánh của những tộc người khác thuộc Đông Âu.
Các cô gái trẻ được gia đình cho tiền sắm sửa áo quần đẹp mắt để tham dự chợ cô dâu. Ảnh: News.
|
Những cô bé có thể được “rao bán” ngay từ khi mới bắt đầu có kinh nguyệt và bị bắt buộc phải chấm dứt việc học hành. Đây là kết luận của học giả Alexey Pamporov, người đã có kinh nghiệm nghiên cứu những vấn đề văn hóa trong 2 thập kỷ.
Đều đặn mỗi năm 4 lần, phiên chợ cô dâu này là nơi các thiếu nữ ăn mặc thật lộng lẫy và thu hút để có thể kiếm được một tấm chồng xứng đáng. Pamporov cho rằng phiên chợ vẫn là một trong những cách thức chính thống mà những đôi trai gái ở đây tìm đến nhau trước khi gia đình hai bên đi đến thỏa thuận hôn nhân chính thức, mặc dù hình thức môi giới hôn nhân kiểu như vậy đã và đang bị các phương tiện truyền thông lên án gay gắt.
Các chàng trai, cô gái trò chuyện cùng nhau ở chợ Cô Dâu tại Stara Zagora. Ảnh: Daily Mail.
|
Khi được hỏi về vấn nạn thất học của những bé gái tham gia phiên chợ này, Pamporov đã nói: “Một vài bé gái khá tự chủ trong việc quyết định có nghỉ học hay không. Hơn thế nữa, việc kết hôn theo cách thức thế này được xem là chính thống và gia đình hoàn toàn ủng hộ các bé trong chuyện này. Dù có đồng tình hay không, những bé gái lại khó có thể chối bỏ nghĩa vụ của mình khi phải tuân theo truyền thống.”
Phong tục này cũng đã trở thành đề tài cho bộ phim tài liệu Rao bán cô dâu của hai đạo diễn Milene Larsson và Alice Stein. Họ đã đến Stara Zagora thuộc Bulgaria để chứng kiến tận mắt cảnh một gia đình ở đây chuẩn bị cho con gái tại phiên chợ truyền thống này.
Hai nhà làm phim người Thụy Điển đã rất ngạc nhiên khi nghe đến tên gọi của phiên chợ truyền thống này, nhưng sau đó họ lại khám phá ra nhiều điều phức tạp hơn.
“Phiên chợ cô dâu là một truyền thống quan trọng có từ lâu đời đối với người dân Kalaidzhi, và đây cũng là lý do tập tục này vẫn còn được duy trì đến ngày nay. Dù chịu đựng một áp lực vô cùng lớn từ gia đình, những bé gái ở đây vẫn có quyền quyết định xem mình sẽ kết hôn với ai”, hai đạo diễn cho biết.
“Tôi thấy khó chịu khi người ta xem phụ nữ như một món đồ để mua bán hay trả giá. Những bé gái ở đây hoàn toàn không được tìm hiểu người bạn đời tương lai của mình, và còn phải học cách phục tùng họ”, nhà làm phim Thụy Điển chia sẻ thêm.
Mặc dù công nghệ và sự phát triển về kinh tế đã có tác động tương đối đến ý nghĩa của phiên chợ, đây vẫn là nơi những gia đình tác hợp cho con trẻ. Những chú rể có thể phải trả một khoản tiền từ 8-10 triệu đồng để “mua” một cô dâu. Tuy nhiên, mức giá có thể còn cao hơn nhiều.
Bộ phim tài liệu đã thể hiện một góc nhìn sâu sắc về hoàn cảnh của một gia đình làm nghề đúc đồng. Hai ông bà Vera và Christo đã bỏ ra cả tuần lương chỉ để mua đồ sắm sửa cho hai cô con gái là Pepa và Rossi.
“Nếu một cô gái được rao bán ở chợ mà không còn trinh trắng, người ta sẽ sỉ vả họ vô cùng nặng nề”, cha cô bé, ông Pepa, cho biết thêm. “Phụ nữ ở Kalaidzhi bắt buộc phải còn trinh trắng trước khi buổi lễ thành hôn diễn ra. Điều này vô cùng quan trọng, vì người ta bỏ ra rất nhiều tiền chỉ vì điều này”.
Milka Minkova 13 tuổi đứng cùng chồng Ivan Ankov 17 tuổi tại phiên chợ. Ảnh: Daily Mail.
|
“Tôi thấy cực kỳ khó chịu khi nghe tâm sự của các cô dâu về việc họ cảm thấy sợ hãi đến nhường nào khi phải kết hôn với một người mà mình không thích, nỗi nhớ gia đình và những dự định mà chắc chắn không thể nào thực hiện được. Không khí gia đình luôn rất ấm cúng và tràn đầy tình yêu thương. Vì thế, dù có muốn hay không, nhiều cô bé vẫn lựa chọn việc tuân theo truyền thống thay vì từ bỏ”, nữ đạo diễn Larsson cho biết sau khi cô thực hiện thành công bộ phim tài liệu bao gồm nhiều cung bậc cảm xúc, cũng như những quyền lợi của phụ nữ, giá trị gia đình và tình dục.