Trước nhiều nguồn thông tin từ thời sự về thực phẩm bẩn đang tràn lan, các bạn trẻ tham gia “Hợp tác xã Lương Nông” đã nhận thức phải tìm nguồn thực phẩm sạch cho bản thân và gia đình.
Xuất phát từ thực tế
Có những bạn tự thuê đất trồng rau. Có bạn nghe người khác giới thiệu về các nguồn cung cấp thực phẩm hữu cơ rồi tự mình tìm đến nơi sản xuất xem xét, dùng thử.
Sau khi yên tâm về chất lượng, các bạn mới mua về cho gia đình và giới thiệu cho bạn bè, người thân. Từ các mối quan hệ ban đầu, số lượng người cùng chung mối quan tâm về nông sản hữu cơ ngày càng tăng lên.
Cô Nghiêm Thị Thảo (60 tuổi, đã về hưu) là người kết nối các bạn trẻ để thành lập chợ phiên “Lương Nông”.
Cô chia sẻ: “Tôi không chủ đích kết nối những người trẻ làm nông nghiệp. Nhưng thực tế, những nông dân lớn tuổi mà tôi tiếp xúc đã quen với cách canh tác bằng phương pháp hóa học nhiều năm, nặng về mưu sinh nên khó quay lại với nền nông nghiệp hữu cơ.
Trong khi những bạn trẻ tôi biết lại rất tâm huyết với nguồn thực phẩm sạch. Họ quan tâm đến sức khỏe bản thân và gia đình hơn lợi nhuận nên vô tình, phiên chợ “Lương Nông” chỉ toàn nông dân 8X, 9X”.
Cô Thảo là người đứng ra kết nối nhưng toàn bộ các công việc tổ chức phiên chợ, kinh phí… đều do các bạn tự xoay xở, điều hành.
Một bạn trẻ tư vấn nông sản cho người tiêu dùng. |
Lợi nhuận là thứ yếu
Phiên chợ chỉ vẻn vẹn 8 đến 10 gian,toàn hàng hữu cơ, nên số lượng rất khiêm tốn: Vài chục ký gạo lức, mấy bó rau được gói trong lá chuối, ít trái cây vườn quen thuộc đặt trong rổ tre phủ đầy rơm…
Đặc điểm chung các loại nông sản tại phiên chợ đều có vẻ ngoài thô mộc do được chăm sóc theo cách tự nhiên, không bị can thiệp hóa chất trong quá trình sinh trưởng, ngay cả khi gặp sự cố về sâu bệnh và thời tiết. Chợ không đặt ra tiêu chí phải đa dạng các loại nông sản bằng bất kỳ giá nào mà thuận theo tự nhiên “mùa nào thức ấy”.
Ban tổ chức kêu gọi những bạn có nông sản tự trồng mang đến phiên chợ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm nông. Phiên chợ không hoan nghênh những bạn đế n vì mục đích tìm nguồn hàng cho chuỗi cửa hàng, siêu thị vì thực phẩm hữu cơ chỉ sản xuất được số lượng nhỏ, có thể “đứt hàng” bất kỳ lúc nào.
Làm nông nghiệp hữu cơ tốn nhiều thời gian cải tạo đất, sản lượng chỉ bằng 60% so với sản lượng canh tác bằng phương pháp bình thường.
Võ Văn Tiếng (sinh năm 1989, đảm nhiệm gian hàng gạo của phiên chợ) chia sẻ: “Mình sản xuất gạo sạch cho gia đình sử dụng. Số gạo còn lại mình đem đến phiên chợ để chia sẻ với mọi người là chính. Số tiền thu được chỉ dư ra vừa đủ cho mình đầu tư vụ lúa sau”.
Hướng đến lợi ích cộng đồng
Trần Thị Tuyết Trinh (sinh năm 1989, cựu sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, ĐH Công nghiệp TP HCM) đảm nhiệm gian hàng trái cây trong phiên chợ, cho biết: “Mình thu mua trái cây ở những khu vườn bỏ hoang của nông dân. Mình vừa giúp họ có thêm chút thu nhập mà loại trái cây thu được lại 100% an toàn”.
Điểm trừ của các loại nông sản hữu cơ là sản phẩm có vẻ ngoài kém bắt mắt (rau không xanh mướt, trái cây thì quả thường nhỏ, vỏ xù xì, gạo không trắng…), giá cao hơn nông sản đại trà.
Tuyết Trinh chia sẻ: “Người tiêu dùng đã quen mua các loại thực phẩm hóa học, giá rẻ, lại có vẻ ngoài bắt mắt nên tại phiên chợ, mua bán thì ít mà trò chuyện, giải thích cho người tiêu dùng hiểu bản chất sản phẩm hữu cơ thì nhiều”.
Những người trẻ tham gia phiên chợ khuyến khích người tiêu dùng xuống tận nơi sản xuất để tự mình kiểm chứng quy trình.
Mai Quang Huy (sinh năm 1987, chuyên ngành Thẩm định giá, ĐH Kinh tế TP HCM) đảm nhiệm vai trò điều phối viên phiên chợ, cho biết: “Phiên chợ 'Lương Nông' vừa giúp những bạn trẻ có tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản của mình, vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn nông sản chất lượng”.
Tại phiên chợ , trái cây, gạo sạch, rau sạch… sẽ được chế biến tại chỗ để người mua tự cảm nhận hương vị và chất lượng. Người bán sẽ trực tiếp trình bày về quy trình sản xuất, tư vấn cho người mua các phương pháp phân biệt nông sản hữu cơ với nông sản hóa học. Tạo sự đồng cảm giữa người tiêu dùng và người sản xuất là điều “Lương Nông” hướng đến.
Phiên chợ “Lương Nông” mong muốn triển khai mô hình hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ rộng khắp Bắc - Trung - Nam. Cả nhóm hy vọng hành trình mang nông sản sạch đến gần người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi được nạn thực phẩm bẩn.