Christie’s đạt doanh thu lớn tại thị trường châu Á. Ảnh: Christie’s. |
Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong mới công bố kết quả cuộc đấu giá mùa xuân. Tổng doanh thu lên đến 294,4 triệu USD với tỷ lệ giao dịch trung bình đạt 90%.
Trong đó, 42% giao dịch đạt mức giá cao hơn ước tính của ban tổ chức. Tại thị trường châu Á, Trung Quốc, bao gồm Hong Kong và Đài Loan, là quốc gia tạo ra doanh số cao nhất trong buổi đấu giá này, theo Jing Daily.
Nhà đấu giá Christie’s tập trung vào thị trường châu Á trong những năm gần đây. Ảnh: Christie’s. |
Thị trường đấu giá châu Á lên ngôi
Đông Nam Á là khu vực chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng người mua mới ở độ tuổi trẻ tăng cao.
Gần 1/4 người mua là khách hàng mới của Christie’s. 43% trong nhóm người mua mới thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996).
Không chỉ đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, Christie’s ngày càng quan tâm đến đồng hồ, liên tục thực hiện những phiên đấu giá các cỗ máy thời gian tại Hong Kong.
Ngành đấu giá đồng hồ hiện chuyển hướng sang khu vực châu Á. Bộ phận đồng hồ châu Á của Christie’s chứng kiến sự gia tăng đáng kể về doanh số.
Doanh số bán của ngành hàng này tăng gấp 4 lần so với mức 88 triệu USD trước đại dịch. Đợt bán hàng vào mùa thu gần đây góp phần lớn vào doanh thu này.
Ngoài ra, bộ sưu tập OAK được trình làng hồi tháng 11/2023 cũng đánh dấu mức doanh thu lớn nhất của bộ phận đồng hồ châu Á nhà Christie’s đến hiện nay.
Nguồn tài chính lớn và động lực thương mại mạnh mẽ của châu Á trở thành đòn bẩy thúc đẩy văn hoá sưu tập tác phẩm nghệ thuật, đồng hồ trong những năm gần đây.
Zach Lu (bên trái) là người trả giá cao nhất tại phiên đấu giá Only Watch 2024 của nhà Christie’s, trở thành chủ nhân chiếc đồng hồ Patek Philippe Ref. 6301A. Ảnh: @zachattack__25. |
Không bỏ quên thị trường đồng hồ Thụy Sĩ
Ngoài “miếng bánh” châu Á, Christie’s vẫn tập trung vào thị trường châu Âu. Thuỵ Sĩ, quê hương của nhiều nhà sản xuất đồng hồ danh tiếng, vẫn là địa điểm tổ chức đấu giá các cỗ máy thời gian lý tưởng.
Gần đây, Christie’s tổ chức thành công phiên đấu giá Only Watch tại Thuỵ Sĩ. Món phụ kiện cổ tay được trả giá cao nhất ở mức 17,3 triệu USD là Patek Philippe Ref. 6301A.
Chủ nhân của món phụ kiện cổ tay đặc biệt này là Zach Lu - một nhà sưu tầm đồng hồ 33 tuổi, sống tại New York (Mỹ). Lu cũng là chủ sở hữu của chiếc Patek Philippe Nautilus Ref. 5711 màu xanh Tiffany đầu tiên, theo Tatler Asia.
Zach Lu bắt đầu thú chơi đồng hồ từ năm 15 tuổi, duy trì sở thích này đến hiện nay. Bộ sưu tập của anh sở hữu nhiều sản phẩm hiếm, phiên bản giới hạn, được giới mộ điệu khao khát.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp sưu tầm đồng hồ của Lu là khi anh chạm tay vào chiếc Patek Philippe Nautilus Ref. 5711 màu xanh Tiffany hiếm có.
Mặc dù Zach Lu không phải người trả giá cao nhất tại cuộc đấu giá New York Phillips 2021, anh may mắn trở thành chủ sở hữu của cỗ máy thời gian này.
Người trả mức giá cao nhất không thể thực hiện giao dịch. Vì thế, Alexandre Arnault, Phó chủ tịch điều hành sản phẩm và truyền thông của Tiffany & Co., và Thierry Stern, Chủ tịch của Patek Philippe, quyết định giao cỗ máy thời gian này cho Lu.
Sau chiếc Patek Philippe Ref. 6301A của Lu, Rexhep Rexhepi Chronomètre Antimagnétique (có giá 2,3 triệu USD) và F.P. Journe Chronomètre Furtif (có giá 2,2 triệu USD) là 2 mẫu đồng hồ sở hữu mức giá đắt đỏ tiếp theo tại Only Watch 2024.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.