Năm 2012, nhà làm phim tài liệu Anna Broinowski (người Australia) đến Triều Tiên lần đầu tiên trong đời để theo đuổi đề tài yêu thích nhất của bà: Chủ tịch Triều Tiên lúc đó, ông Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), nhưng không phải với tư cách lãnh tụ tối cao và tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, mà với tư cách một khán giả kiêm nhà sản xuất, kiêm biên kịch phim ảnh vĩ đại.
Nhưng trước đó không lâu, đất nước Triều Tiên vừa tiễn đưa Kim Chính Nhật về cõi vĩnh hằng trong một lễ tang quy tụ hàng nghìn người dân và binh lính, trong một ngày tuyết rơi dày đặc ở thủ đô Bình Nhưỡng, tháng 12/2011.
Visa được cấp muộn vài tháng đã khiến đạo diễn Broinowski vĩnh viễn bỏ lỡ cơ hội gặp trực tiếp nhân vật có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sự phim ảnh của Triều Tiên, từ trước đến nay và cả sau này.
Kim Chính Nhật - người khai sinh ra nền phim ảnh Triều Tiên
Đến nay, sau 5 năm, Broinowski vẫn là nhà làm phim phương Tây hiếm hoi từng có cơ hội tiếp cận giới làm phim và nền phim ảnh Triều Tiên. Để làm được điều này, bà đã trải qua một quá trình xin visa dài và khó khăn.
Trước bà, chưa ai đề nghị đến Triều Tiên với mục đích tương tự. Và để thuận tiện tìm hiểu, bà phải công khai mục đích chứ không thể đến đây với tư cách khách du lịch.
Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, Broinowski cũng nhận được visa vào Triều Tiên, kèm theo đó là cơ hội gặp gỡ những đạo diễn, diễn viên và chuyên gia dựng phim hàng đầu Triều Tiên, cùng cơ hội tiếp cận những thước phim mà toàn thế giới sẽ khó có cơ hội được xem. Đồng hành cùng bà là Lizzette Atkins, nhà sản xuất của bộ phim tài liệu mà bà đang thực hiện.
Bà chỉ bỏ lỡ một điều duy nhất, cơ hội gặp và phỏng vấn trực tiếp Kim Chính Nhật.
Lãnh tụ Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), người khai sinh nền phim ảnh Triều Tiên, trong một hoạt động làm phim tuyên truyền vào năm 1979. Ảnh: AP. |
Trải nghiệm quý giá về Triều Tiên được nữ đạo diễn tổng kết trong cuốn sách năm 2016, Aim High in Creation!: A One-of-a-Kind Journey inside North Korea's Propaganda Machine (Sứ mệnh sáng tạo cao cả: Một chuyến du hành độc nhất vô nhị vào bên trong bộ máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên).
Theo bài điểm sách trên New York Post, chỉ một lát sau khi xuống khỏi máy bay ở Bình Nhưỡng vào một ngày năm 2012, Broinowski đã được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ: khoảng 1.000 trẻ em tầm 6 tuổi đang tụ tập trên đường cao tốc rộng mênh mông vào một ngày nắng cháy da.
Mỗi em nhỏ đều cầm một tấm bìa cứng trên đầu, ngồi xổm một cách ngay hàng thẳng lối giữa mặt đường bụi bặm, tuân thủ theo chỉ dẫn của một người chỉ huy trên loa. Cảnh tượng thể dục thể thao quần chúng này thực sự khiến Broinowski choáng ngợp.
Nữ đạo diễn vô cùng ngạc nhiên. Ai đã bắt những đứa trẻ làm vậy? "Ôi Chúa, chúng mới chỉ tầm tuổi mẫu giáo", bà thốt lên.
Ở năm 2014, Broinowski vẫn là nhà làm phim phương Tây duy nhất từng được cấp visa vào Triều Tiên để tìm hiểu nền phim ảnh nước này. Trước khi đến Triều Tiên, bà đặt mục tiêu học hỏi kỹ thuật tuyên truyền qua phim ảnh của quốc gia này để vận dụng cho bộ phim tài liệu chống lại khí đốt than đá phá hoại môi trường ở quê nhà Australia.
Song song, bà cũng muốn đưa những hình ảnh về Bình Nhưỡng vào bộ phim của mình.
Anna Broinowski , nhà làm phim phương Tây hiếm hoi thâm nhập được vào thế giới phim ảnh Triều Tiên. Ảnh: Penguin Books Australia . |
Trước khi sang Triều Tiên, Broinowski đã thuộc nằm lòng cuốn sách Kim Jong-il: The Cinema and Directing (Kim Chính Nhật: Điện ảnh và đạo diễn) do chính vị lãnh tụ viết. Kim có một niềm say mê lớn lao với phim ảnh và dành phần lớn thời tuổi trẻ của mình để sưu tập những bộ phim vĩ đại nhất thế giới.
Theo một bài báo năm 2013 của Independent, bộ sưu tập của ông lên đến 20.000 đĩa DVD phim Hollywood. Kho tàng phim ảnh này được bảo quản trong hầm chứa dưới cung điện của Kim Chính Nhật, với điều kiện điều hòa 24/24.
Và Broinowski thêm một thông tin bên lề, khi còn là sinh viên, Kim đã chiếu phim ở trường đại học để thu hút các cô gái.
Khi trưởng thành hơn, Kim bắt đầu làm những bộ phim nhằm khắc họa hình ảnh người cha của ông, lãnh tụ Kim Nhật Thành, như một vị cha già của đất nước. Chính cống hiến này đã đưa Kim Chính Nhật trở thành người khai sinh ra nền phim ảnh Triều Tiên.
Theo New York Post và Independent, trong vòng năm thập kỷ (từ 1964 đến 2012), ông Kim Chính Nhật đã sản xuất 1.400 bộ phim tuyên truyền cho đất nước của mình. Các bộ phim này học hỏi khá nhiều từ điện ảnh Mỹ, với những thể loại như phim hài lãng mạn, phim hành động võ thuật, phim gay cấn và cả phim quái vật.
Thậm chí, có những bộ phim Triều Tiên là phiên bản làm lại của các phim Hollywood mà ông Kim thích như Titanic, Godzilla và Gladiator.
"Titanic" của Triều Tiên không có cảnh nóng
Independent trích lời Broinowski cho hay, các đạo diễn của Triều Tiên được chính quyền đối đãi tử tế, thậm chí còn được cho đi học làm phim ở Liên Xô (trước đây). Ở Trường quay Bình Nhưỡng, Broinowski gặp gỡ một nhóm nhà làm phim và diễn viên hàng đầu Triều Tiên, trong đó có ông Pak, người được mệnh danh là "Martin Scorsese của Triều Tiên".
Đạo diễn Pak đã làm hơn 70 phim dưới thời Kim Chính Nhật. Ông cũng là nhà làm phim được vị lãnh tụ này ưa chuộng nhất. Trò chuyện với ông Pak và các đồng nghiệp của ông, đạo diễn Broinowski cảm nhận rất rõ sự tách biệt của họ với phần còn lại của thế giới, nhưng đồng thời, cũng kinh ngạc với hiểu biết của họ về điện ảnh phương Tây.
Anna Broinowski mang theo laptop để chiếu phim của bà cho các nhà làm phim hàng đầu Triều Tiên xem. Ông Pak, đạo diễn lão thành của Triều Tiên, là người tóc bạc, ngồi chính giữa. Ảnh: New York Post. |
Trong cuốn sách, Broinowski viết rằng Pak đã làm một bộ phim tên là Souls Protest. Phim này giống như một bản làm lại "giống đến từng câu thoại" của Titanic. Khi bà hỏi Pak rằng "Có thật ông đã thực hiện phiên bản Titanic của chính mình?, với một kịch bản y hệt?", vị đạo diễn Triều Tiên trả lời: "Hay James Cameron đã sao chép tôi?".
Nhưng trên thực tế, Titanic của James Cameron ra mắt năm 1997, còn Souls Protest ra năm 2001.
Trong chuyến đi của mình, Broinowski cũng chứng kiến những bộ mặt muôn màu muôn vẻ của những vị chủ nhà bí ẩn. Khi bà lục tung túi xách tìm bật lửa để hút thuốc, ông Pak đã đưa bật lửa lên và nói: "Phụ nữ cũng như những làn khói, nếu ta cố tóm lấy họ thì họ biến mất".
Đó là một lời tán tỉnh mang đậm phong cách phim tình cảm phương Tây.
Sau đó, khi thảo luận về dòng phim khiêu dâm, Pak thừa nhận: "Tôi đã làm 70 phim nhưng chưa bao giờ quay một cảnh làm tình nào". Thật khó hình dung Pak đã làm một Titanic của Triều Tiên nhưng thiếu những cảnh mặn nồng của hai nhân vật chính trên con tàu huyền thoại.
Trong chuyến đi của mình, Broinowski cũng được một nhân vật trong ngành phim ảnh Triều Tiên là bà K cung cấp cho những DVD phim Triều Tiên để xem và nghiên cứu.
Bà cùng nhà sản xuất Atkins đã xem những bộ phim vào buổi tối, khi trở về khách sạn. Họ thoải mái bình luận về những bộ phim và cả Kim Chính Nhật. Những lời bình luận khá thoải mái và giễu cợt, nhưng chỉ ít phút sau đó, họ nhận được cuộc gọi từ bà K nhắc nhở "chỉ nên xem phim" và đừng bình phẩm gì. Broinowski làm theo và tránh được mọi rắc rối.
Giọng thoại "robot Android" và những lời nhắn nhủ lạnh lùng
Broinowski cũng có cơ hội đến thăm và quan sát một phim trường ở Triều Tiên. Đó là trường quay của một bộ phim hành động và gặp các nam diễn viên nhà Dresnok.
James Dresnok là một lính Mỹ tóc vàng, đến Triều Tiên trong một lần chạy trốn sau khi phạm tội ở Hàn Quốc vào thập niên 1960. Hy vọng của ông là đến được Liên Xô để bắt đầu cuộc đời mới. Nhưng tại Triều Tiên, ông đã bị chính quyền giữ lại để... tham gia vào ngành phim ảnh, với tư cách diễn viên.
Lính Mỹ James Dresnok thành ngôi sao phim ảnh ở Triều Tiên bằng việc đóng vai phản diện trong các phim chiến tranh. Ông được gọi là Arthur, tên nhân vật nổi tiếng của mình. Ảnh: Kino International. |
Đó là khi người phương Tây còn quá ít ỏi ở Triều Tiên nên họ có được giao một sứ mệnh quan trọng trong phim ảnh: đóng vai phản diện, vai các binh lính độc ác thuộc phe kẻ thù trong mọi bộ phim chiến tranh.
Nhờ sự nghiệp này, Dresnok đã trở thành một ngôi sao phim ảnh của Triều Tiên. Sau khi ông giải nghệ, con trai ông là Ted và James Jr., những người có ngoại hình y hệt cha họ trong mắt người Triều Tiên, thế vào chỗ của cha.
Trên trường quay hôm Broinowski đến thăm, một chuyện trái khoáy đã xảy ra. Vì có ngoại hình phương Tây, nữ đạo diễn này cũng được tuyển vào đóng phim luôn, vai... vợ của Ted. Bà háo hức với cơ hội này nên đồng ý ngay.
Nhưng bà cụt hứng ngay lập tức sau khi tiếp xúc với "người chồng màn ảnh" của mình. "Tôi tiếp cận Ted Dresnok với nụ cười thân thiện nhất và hỏi: Anh sống ở đây à? Anh ta nhìn tôi dò xét và trả lời với vẻ lạnh lùng, ác cảm: Đúng, tôi sống ở đây".
"Đó là chất giọng phương Tây cụt lủn mà tôi từng nghe trong mọi bộ phim tài liệu của Triều Tiên. Có lẽ Dresnok chính là giọng nói mà họ sử dụng. Có khi anh ta là giọng thuyết minh quốc gia của đất nước này. Giống như tôi đang nói chuyện với robot Android với nguyên mẫu là Arnold Schwarzenegger", nữ đạo diễn mô tả.
Và khi bà yêu cầu hỏi han vài câu, Dresnok cũng từ chối ráo hoảnh. "Tôi bận lắm, nói với ông sếp ấy", anh ta bảo.
Ngoài bố con nhà Dresnok, những diễn viên Mỹ trở thành ngôi sao ở Triều Tiên còn có Charles Jenkins, Larry Abshier, Jerry Parish. Tất cả đều lưu vong đến Triều Tiên vào thập niên 1960. Năm 1978, bộ phim tuyên truyền Nameless Heroes đã quy tụ toàn bộ các ngôi sao này.
Những trải nghiệm ở Triều Tiên được Broinowski tư liệu hóa đầy đủ bằng cả phim và sách. Năm 2013, Broinowski ra mắt bộ phim tài liệu Aim High in Creation! (Sứ mệnh sáng tạo cao cả!), đặt tên theo của ngành phim ảnh Triều Tiên do Kim Chính Nhật đặt ra. Phim này hiện nay có thể xem trên Netflix. Năm 2016, nữ đạo diễn cho ra cuốn sách cùng tên, với những tư liệu và thông tin mới.
Sau này, nữ đạo diễn thừa nhận bà đã có những kỷ niệm vui vẻ ở Triều Tiên. Đáng ra bà cũng có thiện cảm với các đồng nghiệp ở quốc gia này, nhưng vài phút ngắn ngủi trước lúc chia tay đã phá hủy tất cả.
Đó là khi kết thúc cuộc gặp gỡ và trò chuyện, bà đề nghị các nhà làm phim Triều Tiên cùng chụp ảnh kỷ niệm. Khi tất cả đang vẫy tay trước máy ảnh, ông Pak nói vài câu bằng tiếng Hàn khiến những người khác cười rộ lên, còn Broinowski thì ngơ ngác không hiểu gì.
Đến khi về nhà, nhờ người dịch hộ, bà mới vỡ lẽ.
Pak nói: "Xin chào, Australia! Đừng có đến đây và gây chiến tranh nữa nhé!(liên quan đến việc Australia từng ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến Nam - Bắc Hàn). Nếu các người quay lại và tấn công chúng tôi như thời 1950, chúng tôi sẽ không để yên đâu".
"Chúng tôi không tha thứ đâu", một đồng hương của Pak nói. "Không đời nào", một người khác nói.
"Đừng hòng nhé", thêm một lời nhắn nhủ.
Đạo diễn Anna Broinowski (giữa) với đạo diễn Pak (ngoài cùng bên trái), nhà sản xuất nữ Lizzette Atkins đứng cạnh ông và các nhà làm phim Triều Tiên khác. Ảnh: New York Post. |