Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim ca nhạc Việt nhiều năm vẫn lận đận

Tuy số lượng chỉ mới đếm trên đầu các ngón tay, và chất lượng vẫn còn bấp bênh, song thể loại phim truyện ca nhạc (điện ảnh và truyền hình) “made in Việt Nam” đang tìm được "sức sống" của mình.

Phim ca nhạc Việt nhiều năm vẫn lận đận

Tuy số lượng chỉ mới đếm trên đầu các ngón tay, và chất lượng vẫn còn bấp bênh, song thể loại phim truyện ca nhạc (điện ảnh và truyền hình) “made in Việt Nam” đang tìm được "sức sống" của mình.

Từ phim ca nhạc của thế giới…

Phim ca nhạc là thể loại trong đó những bài hát và vũ đạo đóng vai trò chính, hay nói cách khác, âm nhạc và trình diễn là cách dẫn dắt chính của bộ phim. Tính từ bộ phim đầu tiên Broadway Melody ra đời năm 1929, thể loại phim ca nhạc đã phát triển hơn 80 năm.

So với các thể loại khác, nội dung phim ca nhạc đơn giản, song đậm ý nghĩa nhân văn, cảm động lòng người bởi những màn vũ đạo, ca hát do chính các diễn viên thề hiện. Chắc hẳn, chúng ta không thể quên Sing’ing in the rain, The sound of music, My fair lady… hay gần đây là Moulin Rouge, Chicago, Mamma- Mia, High School Musical… Ngoài Hollywood thì điện ảnh Ấn Độ với kinh đô Bollywood rất chuộng thể loại phim ca nhạc, chiếm số lượng tác phẩm được sản xuất hằng năm. 

Mamma - Mia (ảnh trên) và High School Musical (ảnh dưới) là hai trong những phim ca nhạc thành công gần đây.

Đến phim ca nhạc "Made in Việt Nam"

Ở Việt Nam, từ nhiều năm trước đã xuất hiện một số bộ phim được xem là “phim ca nhạc” như Lương tâm bé bỏng, Em còn nhớ hay em đã quên, Em muốn làm người nổi tiếng, Chuyện tình Sài Gòn (điện ảnh) hay A Cappella, Đam mê… (truyền hình). Đề tài chính của các phim kể trên đều kể về ước mơ, khát vọng trở thành ca sĩ nổi tiếng của các nhân vật. Và tham gia đóng vai chính trong phim thường là các ca sĩ ngoài đời như: Ngô Thanh Vân và Hứa Vĩ Văn - phim Chuyện tình Sài Gòn; nhóm AC&M - phim A Cappella, Đan Lê - phim Em muốn là người nổi tiếng, Cao Thái Sơn - phim Đam mê… Nhìn chung, các ca sĩ- diễn viên trên phim thể hiện phần ca hát và vũ đạo tương đối khá nhưng diễn xuất còn non nớt nên không tạo được ấn tượng bất ngờ.

Những nụ hôn rực rỡ Giải cứu thần chết đều của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, thực hiện theo thể loại phim ca nhạc.

Được ra đời từ sau hiệu ứng quá “đỉnh” của bộ phim High School Music của Mỹ, Giải cứu thần chết (2009) và Những nụ hôn rực rỡ (2010) là hai bộ phim điện ảnh thể loại ca nhạc “made in Việt Nam” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dàn dựng đã giành được tình cảm của khán giả trẻ. Tuy một số màn trình diễn trong hai phim này có ý tưởng ảnh hưởng ít nhiều từ phim nước ngoài, song đây vẫn là những tác phẩm được thực hiện khá công phu, hoành tráng từ bối cảnh đến âm nhạc, diễn xuất của các diễn viên. Dù vậy, Giải cứu thần chếtNhững nụ hôn rực rỡ mới chỉ tập trung cho các cảnh hát chứ chưa đẩy phần vũ đạo.

Poster phim Vũ điệu đam mê của đạo diễn Nguyễn Đức Việt.

Tiếp sau đó, hai bộ phim điện ảnh Sài Gòn Yo, Vũ điệu đam mê cũng được ra đời sau ảnh hưởng của phim Step up của Mỹ. Tuy tập trung vào phần vũ đạo, nhưng sự mô phỏng và bắt chước hơi nhiều khiến khán giả cảm thấy “quen quen”, nên cả hai phim này vẫn chưa đủ yếu tố để tạo nên độ hấp dẫn, mới lạ.

Bên màn ảnh nhỏ truyền hình, gần đây có các phim ca nhạc Cho một tình yêu (36 tập), Hạnh phúc quanh ta (30 tập), Hát ca bềnh bồng (40 tập) và Vết xước (60 tập)… Trong đó, bộ phim Cho một tình yêu quy tụ các giọng ca nổi tiếng Mỹ Tâm, Quang Dũng, Tuấn Hưng đã không nhận được phản hồi tốt của công chúng vì diễn xuất của các ca sĩ không đạt, thiếu tự nhiên, gượng gạo…

Dù có mặt ba ca sĩ đang được yêu thích là Quang Dũng, Mỹ Tâm và Tuấn Hưng nhưng Cho một tình yêu vẫn chưa thành công.

Có dám đi mới thành đường

Đạo diễn Vương Quang Hùng của phim Vết xước chia sẻ: “Làm phim ca nhạc phải đầu tư nhiều hơn thể loại phim tâm lý tình cảm. Ví dụ, nhà sản xuất phim Vết xước đã phải bỏ thêm khoản chi phí không nhỏ cho phòng thu, phối nhạc và trả tác quyền 120 bài hát (từ sáng tác mới đến ca khúc cũ) sử dụng trong phim, dù có bài chỉ hát vài câu thôi. Còn đạo diễn thì phải suy nghĩ, cân nhắc xem chọn bài hát như thế nào cho phù hợp, cài bài hát vào tình huống nào, đưa nhạc len lỏi ra sao cho dễ chịu để khán giả đỡ “sốc”, bởi có các nhân vật có thể hát bất cứ lúc nào để thay cho thoại".

Tương tự, bộ phim Hạnh phúc quanh đây đầu tư tới 160 ca khúc, trong đó có đến 50% là sáng tác mới của nhiều nhạc sĩ với nhiều cảm xúc theo từng cung bậc khác nhau của mỗi nhân vật. Bộ phim Hát ca bềnh bồng có 120 bài hát, trung bình 3 bài hát/tập với đủ các thể loại nhạc từ rock, pop ballad đến dân ca, vọng cổ hoặc kết hợp giữa hò và đọc rap… Có thể nói kinh phí đầu tư cho phần âm nhạc đã khiến một bộ phim ca nhạc có giá thành sản xuất cao hơn rất nhiều. 

Bộ phim truyền hình Hát ca bềnh bồng có 120 bài hát, trung bình 3 bài hát/tập với đủ các thể loại nhạc.

Một trong những công việc gian nan cho các nhà làm phim ca nhạc là chọn diễn viên. Nếu chọn diễn viên hay người mẫu có thể diễn xuất tốt nhưng họ lại hát không hay hoặc không biết hát; ngược lại chọn ca sĩ hát hay chưa chắc đã diễn xuất giỏi. Trường hợp của Quang Dũng, Mỹ Tâm trong phim Cho một tình yêu là ví dụ về chuyện ca sĩ hát hay mà diễn xuất còn yếu.

Khi làm phim Những nụ hôn rực rỡ, nhà sản xuất BHD đã tuyển chọn 4 chàng trai cho nhóm ca nhạc 4U từ hàng trăm thí sinh của cuộc thi Nốt nhạc ngôi sao trong suốt gần một năm, kết quả hình thức và giọng hát của nhóm 4U vẫn không được như mong đợi. Còn “chân dài” Thanh Hằng đóng vai nữ chính của phim này thì tốn công đi luyện thanh và tập vũ đạo trong mấy tháng ròng, để có thể tự ca hát và nhảy múa đôi chút. Trong phim Vết xước, nhân vật nào cũng phải hát, từ người lớn tuổi đến cả con nít. Các diễn viên trẻ đóng vai chính như Lân Nhã, Hồng Kim Hạnh… ngoài đời là ca sĩ nên vừa diễn xuất vừa ca hát khá ổn. NSƯT Văn Hiệp rất phù hợp với vai trưởng thôn, song bắt “trưởng thôn” ca hát một cách thoải mái thì không dễ chút nào.

Nhà sản xuất phim Vết xước đã phải bỏ thêm khoản chi phí không nhỏ cho phòng thu, phối nhạc và trả tác quyền 120 bài hát.

Theo đánh giá của đại diện nhà sản xuất Đạt Film: hiện nay trong khi các thể loại phim khác đang chạm tới mức “bội thực” thì phim ca nhạc vẫn còn là một trong số ít “mảnh đất giàu tiềm năng” thu hút được đông đảo khán giả. Tuy nhiên, do kinh phí sản xuất bị đội lên cao hơn nhiều, cùng nhiều khó khăn khác, mà phim ca nhạc “made in Việt” đang ở giai đoạn khai mở một con đường. Mặc dù còn nhiều gian nan nhưng phải có người dám bước đi thì mới thành đường!

KHANH KHANH

Theo Infonet

KHANH KHANH

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm