Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Phim chiến tranh Việt có thể xây dựng hình ảnh... soái ca'

Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói: "Sẽ không thể có một bộ phim kiểu như Hậu duệ mặt trời ở Việt Nam. Hình ảnh người lính trên phim Việt có nguyên tắc riêng".

Tiếp câu chuyện thành công của phim Hậu duệ mặt trời đưa người lính Hàn thành hình mẫu thần tượng mới, trong khi hình tượng người lính trên phim Việt vẫn không thay đổi dù hòa bình đã hơn 40 năm Zing.vn đã phỏng vấn đạo diễn – Đại úy Đặng Thái Huyền.

Phim chien tranh Viet Nam anh 1
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền. Ảnh: NVCC

“Lịch sử cần được đặt ra một cách sòng phẳng”

-Lấy ý tưởng từ truyện ngắn ‘Mùi thuốc súng’ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, chị chuẩn bị bắt tay vào dự án phim chiến tranh mới. ‘Mùi thuốc súng’ là góc nhìn khốc liệt về người lính thời hậu chiến. Chị dự kiến sẽ xây dựng  hình tượng người lính ấy như thế nào?

-Tôi đọc Mùi thuốc súng cùng thời điểm với Người ở bến sông Châu (kịch bản văn học của phim Người trở về). Tôi rất thích câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhưng chính vì sự khốc liệt, khô lạnh của nó mà vẫn cần thời gian suy nghĩ thêm. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, lịch sử cần được đặt ra một cách sòng phẳng. Có thể có sự tàn nhẫn ở trong đó, điều quan trọng là, đạo diễn sẽ kể đến đâu và kể như thế nào. Và tôi có niềm tin ở câu chuyện phim Mùi thuốc súng.

-Nhắc đến hình ảnh người lính trên phim Việt Nam, mới đây có ý kiến cho rằng, chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng nhắc đến người lính, các nhà làm phim vẫn đang quẩn quanh với câu chuyện người hùng, hoặc với sự vật lộn của họ thời hậu chiến, mà vẫn chưa thể có cách khai thác mới hơn. Quan điểm của chị?

-Sẽ không thể có một bộ phim kiểu như Hậu duệ mặt trời ở Việt Nam. Hình ảnh người lính trên phim Việt Nam, dù ở thời bình, vẫn có những nguyên tắc riêng. Phim về quân đội Việt Nam cũng không được phép cường điệu xa thực tế như Hậu duệ mặt trời. Với quan điểm của mình, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên xây dựng hình ảnh người lính gần gũi hơn, đời hơn nữa.

Khi bước ra khỏi rạp chiếu khán giả có sự hài lòng, có sự suy ngẫm về một vài vấn đề trong phim thôi thì tôi cho đó đã là thành công.

Với phim chiến tranh, tôi luôn nói, kể bằng cách nào không quan trọng, có thể là một hình ảnh soái ca, có thể là có cảnh nóng, có thể có hành động… Cứ kéo được khán giả tới rạp và thuyết phục họ xem từ đầu tới cuối một bộ phim lịch sử, cách mạng với sự chú tâm và khi bước ra khỏi rạp chiếu họ có sự hài lòng, có sự suy ngẫm về một vài vấn đề trong phim thôi thì tôi cho đó đã là thành công.

- Nếu các nhà làm phim Việt “liều lĩnh” xây dựng hình tượng người lính thời bình như… ‘soái ca’, chị có nghĩ dư luận sẽ phản ứng?

-Phản ứng hay không phải xét trong tổng thể chung của bộ phim, trong cách kể của nhà làm phim, trong cách xây dựng nhân vật… Nếu nhà làm phim chinh phục được khán giả, thuyết phục được họ tin và yêu mến hình mẫu nhân vật trên phim thì dù là hình tượng người lính hay hình tượng của bất kỳ nhân vật nào đi ngược lại với hình mẫu chuẩn mực xưa nay tôi tin sẽ vẫn được công nhận và cổ vũ.

“Tôi sẽ làm phim chiến tranh sốt vé!”

-Chị nói, sẽ không từ bỏ phim chiến tranh, và sẽ quyết chinh phục khán giả với thể loại phim này. Chị đeo đuổi đề tài chiến tranh vì chị có những nỗi ám ảnh?

-Tôi là thế hệ sinh ra sau chiến tranh nên tôi không có sự “ám ảnh” trực tiếp, nhưng công việc làm phim giúp tôi có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều số phận, mảnh đời bước ra từ cuộc chiến nên tôi thật sự bị chinh phục bởi mảng đề tài này. Mặt khác bản thân từ “chiến tranh” đã ẩn chứa trong đó quá nhiều nỗi đau, sự khốc liệt chỉ là các nhà làm phim có muốn khai thác và khai thác tới đâu thôi.

Phim chien tranh Viet Nam anh 2
Phim chiến tranh Việt Nam xưa nay vẫn luôn bị xếp vào dạng phim kén khán giả, chỉ sản xuất với mục đích chào mừng các dịp kỷ niệm, sau đó sẽ... xếp kho. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

-Chiến tranh là câu chuyện cần rất nhiều cảm xúc khi kể. Và để bán vé cho những câu chuyện đầy cảm xúc này lại không hề dễ. Lý do gì khiến chị tin rằng, dự án phim chiến tranh sắp tới chị có thể 'chơi' sòng phẳng với các phim giải trí trong cuộc chiến phòng vé?

-Lý do ư? Tôi có một chất liệu kịch bản hay và ám ảnh, một ekip làm phim gồm những người anh em đã sát cánh cùng tôi trong những dự án phim quan trọng, có một nhà sản xuất hiểu và tôn trọng tôi… Và chúng tôi là thế hệ những nhà làm phim sinh ra sau chiến tranh, tôi tin là mình có cách kể, cách nhìn nhận đề tài này theo cách nhìn, cách cảm phù hợp với thế hệ mình.

Thêm một lý do từ bộ phim Người trở về, dù phim nhận được đánh giá tích cực từ khán giả và giới chuyên môn, nhưng tôi luôn có cảm giác, phim nhà nước giống như… hàng miễn phí, hàng sale off. Khi nhắc đến phim nhà nước đầu tư, người ta đã có mặc định sẵn rằng, đó là phim không bán được vé, phim sản xuất ra để xếp kho. Tôi khao khát muốn chứng minh rằng, phim chiến tranh cũng có thể sốt vé.

Tôi thực sự khao khát làm được một bộ phim về lịch sử cách mạng mà chạm được vào trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

-Phim chiến tranh Việt Nam xưa nay vốn không có sức hấp dẫn với khán giả vì phim làm theo công thức rất cũ là tuyên truyền, khô cứng... Chị sẽ làm gì với dự án phim của mình để có thể gây sốt vé?

-Không phải vì đây là phim làm cho tư nhân, tiêu chí bán vé đặt lên hàng đầu, hay muốn tỏ ra mình là người “nguy hiểm” mà tôi tự đặt ra cho mình một mục tiêu rất hoang đường là “Làm phim chiến tranh sốt vé” đâu. Mà là tôi thực sự khao khát làm được một bộ phim về lịch sử cách mạng mà chạm được vào trái tim khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Họ - hơn ai hết chính là những người cần phải hiểu, cần phải yêu lịch sử của đất nước mình.

-Điện ảnh thế giới đã chứng minh, đằng sau bất kỳ một cuộc chiến nào cũng có những câu chuyện về nỗi đau rất khủng khiếp. Đôi khi còn là nỗi tổn thương của cả dân tộc. Quan điểm của chị khi đứng trước đề tài về chiến tranh Việt Nam?

-Đúng vậy, như tôi đã nói ở trên, bản thân từ “chiến tranh” và những hệ quả của nó khi cuộc chiến đi qua đã là quá khủng khiếp. Quan điểm của tôi khi đứng trước đề tài này là: làm phim về chiến tranh không phải để đào sâu thêm sự hằn thù, để khơi thêm nỗi đau, để tạo thêm sự sợ hãi… mà nhắc lại để thêm trân quý những giá trị mà hôm nay chúng ta đang được hưởng. Và tôi không đặt ra vấn đề bên nào thắng, bên nào thua mà tôi thường quan tâm tới những nạn nhân chính phải chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh, đó là: Phụ nữ và trẻ em.

Phim chien tranh Viet Nam anh 3
Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền, xây dựng hình tượng người lính như thế nào không quan trọng bằng việc, nhân vật ấy có thuyết phục được khán giả không, có được khán giả yêu không... Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

-Điện ảnh với nhiều nước châu Á (như Trung Quốc, Hàn Quốc) là một kênh quan trọng để nhân rộng tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Chị có nghĩ đến sứ mệnh này khi bắt tay vào các dự án phim lịch sử, phim chiến tranh?

-Đúng vậy, đó là một sứ mệnh, một thách thức với tất cả những người làm nghề không riêng gì cá nhân tôi. Tôi chỉ là một hạt nhân nhỏ bé. Và điều bạn nói chính là sự kỳ vọng, mong đợi của toàn xã hội với nền điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên cá nhân một đạo diễn hay một ai đó trong thành phần sáng tác không thể hoàn thành được sứ mệnh đó mà đây là câu chuyện dài với sự chung tay, góp sức của các ban ngành, của các cấp quản lý văn hoá.

Đối với bất kỳ công việc nào không riêng gì công việc làm phim, yếu tố mới lạ, đầu tiên, khởi đầu… cũng luôn phải đối mặt với những luồng dư luận đa chiều, tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên phải biết chấp nhận điều đó vì nếu luôn lo sợ, chọn phương án an toàn thì bao giờ mới có những đột phá, có cái mới. Vậy nên, nếu được lựa chọn, tôi vẫn muốn mình cần phải có dấu ấn mới trong việc xây dựng tác phẩm của mình.


Từ ‘Hậu duệ mặt trời’ nhìn về người lính trên phim Việt

Tác phẩm Hàn Quốc đã đưa người lính trở thành một hình mẫu thần tượng mới. Trong khi đó, hình tượng người lính trên phim Việt vẫn không thay đổi dù hòa bình đã hơn 40 năm.


Hiền Hương thực hiện

Bạn có thể quan tâm