Kéo dài từ ngày 6/7 tới 17/7, LHP Cannes lần thứ 74 được tổ chức theo cách truyền thống, nối lại mạch sự kiện thường niên sau năm 2020 tạm ngưng vì dịch bệnh. LHP giới thiệu đến người yêu điện ảnh trên toàn thế giới hơn 60 tác phẩm truyện, phim ngắn và phim tài liệu đến từ nhiều nền điện ảnh trên thế giới.
Trong đêm bế mạc LHP, giải Cành cọ Vàng 2021 đã được trao cho bộ phim Titane của đạo diễn Julia Ducournau. Phim là một ẩn số đầy thách thức với khán giả trong việc thấu hiểu các tầng ý nghĩa.
Titane của Julia Ducournau, Benedetta của Paul Verhoeven và Nitram của Justin Kurzel là chùm tác phẩm khiến giới phê bình điện ảnh lẫn khán giả tại LHP Cannes dấy lên nhiều quan điểm yêu ghét trái chiều bởi chủ đề gây tranh cãi, nội dung trừu tượng hoặc đề cập đến đề tài nhạy cảm trong xã hội.
Kết hợp tôn giáo với đề tài đồng tính nữ
Công chiếu tại Cannes hôm 9/7, tác phẩm thứ 30 của đạo diễn Paul Verhoeven trong vai trò đạo diễn đã nhận tràng pháo tay kéo dài 5 phút từ hàng ghế khán giả. Tuy nhiên, cùng chung số phận với nhiều tác phẩm lấy đề tài phụ nữ khác của ông như Showgirl (1995) hay Elle (2016), Benedetta nhận nhiều phản hồi trái chiều từ công chúng.
Theo L’Obs, hồi tháng 5, bộ phim đã được giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux dành tặng lời có cánh. Ông nói: “Paul Verhoeven đã mang đến một tác phẩm vừa có sự gợi tình lại phảng phất nét tinh quái đan xen yếu tố chính trị. Phim tái hiện lại khung cảnh thời kỳ Trung Cổ một cách công phu và hoành tráng”.
Benedetta là bộ phim thứ 30 trong sự nghiệp của Paul Verhoeven. Ảnh: Pathé. |
Sau đêm công chiếu, cây bút Ben Croll từ The Wrap nhận xét Benedetta là tác phẩm mang tính cá nhân nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Paul Verhoeven. Cùng quan điểm, Jordan Mintzer từ The Hollywood Reporter viết: "Vẻ đẹp của Benedetta nằm ở chỗ phim không thẳng thừng trả lời tất cả băn khoăn của chúng ta mà để lại những khoảng xám cho đức tin lên tiếng".
Trong bài bình luận trên Variety, cây bút Peter Debruge viết: "Có một số cảnh cho thấy ý đồ của Verhoeven khi làm bộ phim. Nó tiết lộ Benedetta không phải tác phẩm điện ảnh tạo ra sự đột phá mà chỉ là một sản phẩm tồi khác lấy đề tài các nữ tu". Trên Internet, không thiếu những bình luận cho rằng bộ phim là một sự bất kính với Thiên Chúa.
Benedetta được lấy cảm hứng từ cuốn sách Immodest Acts: The Life of a Lesbian Nun in Renaissance Italy của Judith C. Brown xuất bản năm 1986. Trong phim, Carlini (Virginie Efira) là nữ tu người Pháp sống ở thế kỷ XVII và tin rằng mình bị Chúa Jesus ám. Tiết lộ khiến Carlini bị coi như kẻ điên. Cô đã phải lòng người sơ được giao trách nhiệm chăm sóc mình - một nữ tu trẻ tên Bartolomea (Daphne Patakia). Hai người phụ nữ đã đắm chìm trong chuỗi ngày tình ái vụng trộm.
Benedetta là tác phẩm tiếp theo của Verhoeven, ra mắt bốn năm sau Elle - bộ phim cũng gây tiếng vang và tranh cãi không kém cạnh khi công chiếu tại LHP Cannes lần thứ 69. Theo Deadline, ban đầu dự án phim có tên Belessed Virgin, là một trong ba ý tưởng mà vị đạo diễn phát triển lần lượt xoay quanh chủ đề chúa Jesus (dựa trên cuốn Jesus of Nazareth), quân kháng chiến Pháp trong Thế Chiến II và câu chuyện thời trung cổ lấy bối cảnh tu viện.
Hơn một tuần kể từ thời điểm công chiếu, Benedetta nhận số điểm 81% từ giới phê bình trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes. 22 trên tổng số 27 cây bút phê bình tham gia chấm điểm đánh giá cao bộ phim trong khi 5 người còn lại liệt Benedetta vào hàng thảm họa. Trên Metacritic, phim nhận số điểm 68/100 cùng nhận xét “đánh giá chung là tích cực” từ 15 nhà phê bình.
Cô gái có thai với xe hơi
Ngày 18/7, IndieWire đưa tin tại LHP Cannes 2021, bộ phim Titane của đạo diễn Julia Ducournau đã thắng giải Cành cọ Vàng. Chiến thắng đưa cô trở thành nữ đạo diễn thứ hai trong lịch sử từng được vinh danh ở giải thưởng quan trọng này.
Titane được công chiếu hôm 13/7 và nhanh chóng trở thành cái tên gây chú ý trên mặt báo. Các trang tin như IndieWire, BBC hay Telegraph… đồng loạt giật tít Titane là bộ phim hoang dại, gây sốc nhất LHP Cannes lần thứ 74 nói riêng và điện ảnh 2021 nói chung.
Agathe Rousselle trong vai chính. Ảnh: Diaphana Distribution. |
Trong bài tường thuật về buổi công chiếu Titane, tờ Daily Mail mô tả nhiều khán giả đã phải lấy tay che mắt khi chứng kiến những cảnh làm tình bạo lực và dữ dội trên màn ảnh. Tuy nhiên, đây dường như là phản ứng có thể đoán trước được bởi năm 2016, một tác phẩm khác của Julia Ducournau là Raw từng khiến khán giả ngất xỉu ngay tại rạp vì kinh hoàng.
Trên sân khấu lễ trao giải, trưởng ban giám khảo LHP Cannes 2021 Spike Lee đã nhận xét về Titane như sau: “Tôi đã xem rất nhiều bộ phim trong cuộc đời. Nhưng đây là tác phẩm đầu tiên để một người phụ nữ mang thai với chiếc Cadillac khiến cô ta bị ám ảnh”.
Titane xoay quanh nhân vật chính Alexia (Agathe Rouselle), một cô gái từng bị tai nạn xe hơi khi còn nhỏ và phải gắn một miếng titanium trong đầu. Lớn lên, cô bắt đầu nảy sinh khoái cảm kỳ lạ với xe hơi. Alexia hành nghề vũ công khiêu dâm và người mẫu xe hơi. Cuộc đời cô đảo lộn khi chuỗi giết người liên hoàn xảy ra và Alexia liên tục chạy trốn khỏi cảnh sát.
Bộ phim của Julia Ducournau thách thức khán giả bằng hàng loạt tình tiết khác thường, điên khùng tới phi lý - mà đỉnh cao là việc người mang thai với xe được Spike Lee nhắc tới. Tuy nhiên, dưới bàn tay nhào nặn của nữ đạo diễn, khán giả vẫn đọc ra được cái tứ của bộ phim ẩn sau lớp tình tiết hỗn loạn trên bề mặt.
Variety nhận định bằng Titane, Ducournau đã thách thức giới hạn về quan điểm tình dục và gu thưởng thức của khán giả. Trên màn ảnh, cơ thể người được sử dụng như một thứ ngôn ngữ để trình bày câu chuyện giới tính, khát vọng của một con người và quan hệ trong các gia đình nhiều mâu thuẫn.
Trên Rotten Tomatoes, Titane được 18 cây bút phê bình chấm 95%. Người duy nhất trong số này chấm phim điểm không đạt là Peter Bradshaw của The Guardian. Tuy phàn nàn về việc Ducournau dường như gặp khó khăn khi làm mới mình trong tác phẩm kinh dị thứ hai, Bradshaw vẫn dành lời khen ngợi cho sự táo bạo trong cách thể hiện.
Vụ xả súng có thật
Tờ Sydney Morning Herald đưa tin Nitram của đạo diễn Justin Kurzel là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Australia được lựa chọn tham gia tranh giải tại LHP Cannes trong 10 năm qua. Trong đêm công chiếu, phim đã nhận tràng pháo tay kéo dài 7 phút từ khán giả. Nam chính của phim, Caleb Landry Jones, đã nhận một cái ôm chúc mừng từ đạo diễn Spike Lee.
The Guardian là tờ báo đầu tiên lên bài bình luận về bộ phim. Peter Bradshaw nhận xét: “Nitram là một bộ phim đầy mê hoặc” kèm số điểm 4/5. Quan điểm này nhận được sự đồng tình từ các cây bút phê bình của The Hollywood Reporter và Variety.
Nhà sản xuất Nick Batzias, nam chính Caleb Landry Jones, đạo diễn Justin Kurzel và biên kịch Shaun Grant tại buổi công chiếu Nitram. Ảnh: Getty Images. |
Nitram dựa trên vụ xả súng có thật xảy ra vào năm 1996 tại Port Arthur, Tasmania (Australia). Trong hai ngày 28 và 29/4/1996, gã thanh niên tên Martin Bryant đã xả súng khiến 35 người thiệt mạng và làm 23 người khác bị thương. Tuy nhiên, trên màn ảnh, câu chuyện của đạo diễn Justin Kurzel đã diễn ra không tiếng súng.
Trọng tâm tác phẩm là mối quan hệ giữa Nitram (Caleb Landry Jones) - cái tên đọc ngược từ Martin - với các thành viên trong gia đình nhiều mâu thuẫn. Tai họa bắt đầu khi Bryant được thừa kế một khoản tiền lớn và dùng nó để thỏa mãn niềm đam mê súng ống. Nhà sản xuất Nick Batzias chia sẻ chủ đề chính của Nitram không phải mổ xẻ bi kịch trong quá khứ mà là khơi nguồn những cuộc thảo luận công khai về luật sở hữu vũ khí.
Dù nhận được nhiều lời ngợi khen tại LHP Cannes 2021 cũng như bán được bản quyền phát hành tại nhiều quốc gia Âu Mỹ, Nitram vẫn vấp phải ý kiến trái chiều vì xây dựng nội dung xung quanh một chủ đề khá nhạy cảm.
Cây bút Hannah Strong từ Little White Lies viết trong bài bình luận Nitram: “Bộ phim phục vụ mục đích gì ngoài gợi nhắc khán giả rằng có những con quỷ đội lốt người tồn tại giữa chúng ta? Nếu chỉ có vậy, thì bản tin thời sự mỗi ngày đã làm tốt công việc ấy rồi”.
Theo Lad Bible, khi tin tức đầu tiên về cốt truyện Nitram được tiết lộ, dự án phim đã đối mặt với nhiều chỉ trích nặng nề từ công chúng. Nhiều người đã đề nghị nhà sản xuất hủy bỏ dự án vì sự tôn trọng dành cho thân nhân và những nạn nhân của vụ xả súng năm xưa.