Là một chủ đề nhạy cảm, đồng tính hay rộng hơn là LGBTQ+ từng được coi như “cấm địa” trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Nếu The Horse In Motion (1878) hay Roundhay Garden Scene (1888) được coi là những thước phim tiên phong của lịch sử, thì phải mất nhiều thập kỷ sau, nụ hôn đầu tiên giữa hai người cùng giới mới xuất hiện trong tác phẩm Manslaughter (1922) của đạo diễn Cecil B. DeMille.
Tình yêu không dám gọi tên
Để có thể tiếp cận được khán giả, những nhân vật đồng tính đã kinh qua một hành trình dài và đầy rẫy gian truân. Họ từng phải chấp nhận xuất hiện như các “bóng đen” của phim ảnh, cốt chỉ để “mua vui” và hoàn toàn nằm ngoài nội dung cốt truyện.
Trong bài thơ Two Love (1892), Lord Alfred Douglas, một nhà thơ nổi tiếng của Anh Quốc từng xót xa mô tả tình cảm đồng giới là thứ “tình yêu không dám gọi tên” (the love that dare not speak its name). Bởi ở giai đoạn này, những khuôn khổ và phép tắc xã hội không chừa chỗ cho cộng đồng LGBTQ+ được cất tiếng nói.
Trên màn ảnh rộng, các tuyến nhân vật đồng tính đã manh nha xuất hiện từ khoảng thập niên 1920 của thế kỷ trước. Ở thời kỳ Đại khủng hoảng, lượng người xem tới rạp suy giảm đáng kể, buộc các đạo diễn phải toan tính sản xuất những bộ phim có nội dung gây sốc cùng độ liều lĩnh cao. Một vài dự án về đề tài bạo lực, mại dâm có sự góp mặt của nhân vật đồng tính xuất hiện hòng lôi kéo khán giả.
Đáng tiếc là, thay vì được nhìn nhận một cách nhân văn, LGBTQ+ trong mắt người xem đại chúng hầu hết lại là những hình ảnh lố bịch, quái đản. Họ bị gán cho cái mác “tội lỗi của tạo hóa”, nằm ngoài nền văn minh của xã hội và phải cắn răng chịu đựng nhiều điều tiếng, bất công. Hình tượng người đồng tính tự bao giờ bị các đạo diễn lợi dụng và nhào nặn xuyên tạc, méo mó. Không được đối xử như những “công dân bình thường”, họ trở thành những nạn nhân bất hạnh, gã hề, sát nhân hay thậm chí là nô lệ hèn hạ dưới trướng của “người thượng đẳng”.
Ra mắt khán giả năm 1924, Michael của đạo diễn Carl Theodor Dreyer khắc họa chuyện tình giữa một họa sĩ cùng người mẫu nam với kết cục đầy đau buồn. Tương tự như vậy, Different From the Others (tựa gốc: Anders als die Andern) kể lại số phận bi kịch của nghệ sĩ vỹ cầm Paul Körner khi trót phải lòng một nam sinh. Đối mặt xã hội cùng những định kiến cổ hủ chèn ép mình, ông chọn cách chấm dứt cuộc đời vì sự nghiệp và danh dự bị hủy hoại.
Trong khi đó, A Song of Love (1950) của nền điện ảnh Pháp lãng mạn lựa chọn bối cảnh u tối phía sau những song sắt ngục tù. Nơi đây, tình yêu giữa hai nam phạm nhân kế buồng đã bí mật đơm hoa. Giấc mơ cùng dắt tay nhau tự do dạo chơi của họ cũng chính là khát khao về một xã hội công bằng với những người đồng tính. Họ muốn được sống, được thừa nhận và được đấu tranh cho những điều mà mình trân trọng.
"Đồng tính" trong quá khứ từng là những câu chuyện khó cất lên thành lời. Ảnh: Bild und Ton GmbH. |
Tình yêu của cộng đồng LGBTQ+ nửa đầu thế kỷ XX dù nỗ lực cất lên tiếng nói nhưng chưa thực sự được chấp nhận một cách phổ biến. Hình bóng họ trong ngành công nghiệp điện ảnh vẫn quá thưa thớt, mờ nhạt, chịu cảnh nép mình trong những thước phim ẩn dụ dưới ánh mắt dòm ngó của truyền thông.
Thậm chí, Cục điện ảnh của một số quốc gia như Trung Quốc, Qatar hay Malaysia còn đưa ra quy định gay gắt về việc cấm các bộ phim có nhân vật chính là người đồng tính và chuyển giới. Nếu có, họ phải hứng chịu kết cục đau lòng ở cuối phim, hoặc thừa nhận đồng tính là sai lầm và chấp nhận từ bỏ bản ngã.
Queerbaiting và những định hướng lệch lạc
Phải mất nhiều thập kỷ sau này, cái nhìn của điện ảnh về “chủ đề cấm” mới có sự thay đổi. Cộng đồng LGBTQ+ dần trở nên phổ biến hơn khi tần suất xuất hiện trên phim ảnh truyền thông ngày một nhiều. Đặc biệt kể từ giai đoạn những năm 1970, thời kỳ dỡ bỏ các lệnh cấm đoán, hàng loạt dự án có chủ đề về tình yêu đồng giới lần lượt ra mắt người xem.
Đó là Sunday Bloody Sunday (1971) kể về chuyện tình tay ba giữa người đàn ông trẻ tên Bob Elkin với một phụ nữ tuổi ngoại tam tuần và vị bác sĩ Daniel Hirsh.
Đó là Kiss of the Spider Woman (1986), bộ phim giành được giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc đầu tiên cho William Hurt với vai chàng nhân viên trang trí tủ kính tại các cửa hàng.
Đó là Brokeback Mountain (2005), một dự án chuyển thể đầy cảm xúc của đạo diễn Lý An tôn vinh chuyện tình hai chàng cao bồi nhận về hàng loạt đề cử và giải thưởng danh giá. Tác phẩm khi ấy đã càn quét truyền thông suốt một khoảng thời gian dài, có được đông đảo sự yêu mến của giới phê bình lẫn khán giả.
Dẫu vậy, trái ngược với dự tính ban đầu, các dự án khai thác câu chuyện cộng đồng LGBTQ+ ngày càng gặp nhiều chỉ trích. Đó là khi các thượng đế màn ảnh nhận ra rằng, “phổ cập hình ảnh đồng tính” thực chất chỉ là vỏ bọc của những toan tính kiếm lợi trong bộ óc các nhà làm phim. Họ vờ như đang kể các câu chuyện về LGBTQ+, nhưng từ chối để cộng đồng này được vẽ nên chuyện đời của chính mình. Tệ hại hơn, người phi dị tính một lần nữa rơi vào “cạm bẫy” của việc bị khắc họa thành những hình ảnh, khuôn mẫu tiêu cực.
Điều này được thể hiện trong nhiều dự án nổi tiếng: Rebecca, Ace Ventura: Pet Detective, Midnight Cowboy hay thậm chí tác phẩm giành giải Oscar 1992 cho hạng mục Phim xuất sắc, The Silence of The Lambs... Các nhân vật đồng tính hiện lên dưới hàng loạt vai trò xấu xa như sát nhân, tâm thần, mại dâm, tự kỳ thị xu hướng tính dục của bản thân và hầu hết đều có kết cục chẳng mấy tốt đẹp.
Bên cạnh đó, hàng loạt bộ phim và chương trình truyền hình dính phải cáo buộc “queerbaiting”. Đơn cử, series Sherlock chuyển thể từ tiểu thuyết đình đám cùng tên bị khán giả phản ứng dữ dội vì lợi dụng hình ảnh cộng đồng LGBTQ+ câu kéo người xem. Mặc dù biên kịch Mark Gatiss một mực phủ định điều này, không khó để khán giả nhận thấy những cử chỉ, hành vi ám muội trong tương tác giữa Holmes và Watson – hai nhân vật theo nguyên tác là dị tính luyến ái.
Sherlock là series điển hình cho việc sử dụng queerbaiting. Ảnh: Hartswood Films. |
Ở Việt Nam, các vai diễn đồng tính dạm ngõ khán giả kể từ dự án Gái nhảy (2003) của đạo diễn Lê Hoàng. Đây chính là một trong những tác phẩm tiên phong khai thác hình ảnh cộng đồng LGBTQ+ để chọc cười với vai má mì của cố diễn viên Anh Vũ. Trong phim, nhân vật của anh xuất hiện với tạo hình đồng bóng, cử chỉ ẻo lả và giọng nói chua ngoa. Ăn theo vai diễn này, bóng dáng các nhân vật phi dị tính trong phim Việt như Trai Nhảy, Những nụ hôn rực rỡ, Xóm trọ 3D... thường xuyên được xây dựng theo motif tương tự.
Đỉnh điểm, dự án thành công nhất trong việc mang hình ảnh người đồng tính làm trò cười là Để Mai tính của Charlie Nguyễn. Tuy gặt hái được doanh thu lớn, tác phẩm nhận về không ít tranh cãi trái chiều. Cộng đồng LGBTQ+ đồng loạt lên tiếng chỉ trích hình ảnh bôi bác của nhân vật Hội làm cho công chúng có cái nhìn sai lệch về mình.
Chính sự nhào nặn lố bịch của các đạo diễn là một phần nguyên nhân khiến người đồng tính trong mắt khán giả trở thành những kẻ lố lăng, õng ẹo, thích gây sự và chỉ là “trò hề” để tôn lên tình yêu giữa các nhân vật chính.
Những cáo buộc vô cớ
Theo đà hội nhập và phát triển của xã hội, khoảng một thập kỷ trở lại đây, tình yêu đồng giới trong điện ảnh đang dần được khắc họa một cách văn minh hơn. Điều này góp phần vào việc giới thiệu một hình ảnh cộng đồng LGBTQ+ lành mạnh, bình đẳng trong văn hóa đại chúng.
Không còn coi đó là một chủ đề để mua vui, những tác phẩm ý nghĩa như Song Lang, Thưa Mẹ Con Đi hay Ngôi nhà bươm bướm nhận được nhiều thiện cảm vì những góc nhìn chân thực, dung dị về tình yêu không biên giới của con người. Ở mảng thị trường quốc tế, hàng loạt bộ phim với giá trị nhân văn được đánh giá cao có thể kể tới như Portrait of a Lady on Fire, Call Me by Your Name hay Fire Bird...
Kit Connor bị ép công khai sau loạt cáo buộc queerbaiting vô cớ. Ảnh: See-Saw Films. |
Thế nhưng, việc “văn minh hóa” hành trình tiếp cận phim ảnh của cộng đồng LGBTQ+ chưa hẳn là không có mặt trái. Gần đây nhất, Kit Connor, ngôi sao của loạt phim đồng tính Heartstopper, đã bị ép buộc công khai là Bisexual (người song tính). Quyết định của diễn viên trẻ là hệ lụy sau khoảng thời gian dài chịu áp lực từ các cáo buộc queerbaiting. Trước đó, anh bị bắt gặp nắm tay Maia Reficco, bạn diễn trong bộ phim A Cuban Girl’s Guide to Tea and Tomorrow. Một bộ phận khán giả quá khích khăng khăng rằng Kit Connor đã cố tình lừa dối họ.
Trong trường hợp này, thuật ngữ “queerbaiting” rõ ràng đã bị lạm dụng sai mục đích. Bởi vốn dĩ, chàng trai trẻ không có nghĩa vụ phải công khai xu hướng tính dục của mình. Việc fan đặt kỳ vọng rằng các diễn viên phim đồng tính “nợ” họ lời giải thích là một điều quá đỗi ngớ ngẩn.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.