Tham gia chương trình Panorama trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Berlin 2016, Bacchus Lady của E J Yong thu hút sự chú ý từ dư luận nhờ đề tài nhạy cảm và chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi.
Chuyện phim xoay quanh một người phụ nữ già chuyên đi bán dâm tại một công viên ở Seoul, Hàn Quốc. Khách hàng của bà chủ yếu là những người đã về hưu, chủ yếu chỉ còn biết sống nhờ đồng lương hưu. Điều khiến Bacchus Lady trở nên nhạy cảm hơn nữa là chuyện nhân vật tiết lộ rằng mình còn từng “phục vụ” lực lượng quân đội nước ngoài đóng tại Hàn Quốc khi còn trẻ.
Sắm vai chính trong Bacchus Lady là
Youn Yuh Jung - nữ diễn viên gạo cội của điện ảnh Hàn Quốc. Ảnh: KAFA |
Trong quá khứ, đạo diễn E J Yong không ít lần gây ra tranh cãi bởi các tác phẩm nóng bỏng như An Affair (1998) hay Untold Scandal (2003). Bộ phim gần đây nhất của ông là My Brilliant Life (2014) thì “lành” hơn, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xoay quanh chuyện gia đình một bệnh nhân mắc chứng pregoria (già sớm) và có sự tham gia của Song Hye Kyo cùng Kang Dong Won.
Dù bộ phim mới Bacchus Lady mang nội dung nhạy cảm là vậy, E J Yong khẳng định đó không phải là điều mà ông hướng tới. Nhà làm phim 50 tuổi muốn khán giả trong nước và quốc tế dành sự chú ý đến cho hoàn cảnh của người già trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Trả lời phỏng vấn trang Variety, E J Yong bộc bạch: “50 năm trước, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất. Nhưng giờ, chúng tôi sở hữu nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh và có cảm giác như tất cả đều đã leo lên một con tàu không thể dừng hay quay ngược trở lại.
Nhưng đạo làm con truyền thống, khi con cái phải giúp đỡ cha mẹ, thì cứ thế dần biến mất. Nhiều cá nhân giờ thậm chí không thể chu cấp cho đấng sinh thành. Do đó, không ít người già rơi vào cảnh bần hàn, mất hết hy vọng và chỉ còn biết chờ chết”.
Với Bacchus Lady , đạo diễn E J Yong muốn khán giả chú ý tới tình cảnh của người già trong xã hội hiện đại Hàn Quốc, thay vì yếu tố tình dục. Ảnh: KAFA |
Hoàn cảnh của người già tại Hàn Quốc không phải là chủ đề hay được giới làm phim xứ kim chi khai thác, nhưng chuyện họ phải đi bán thứ nước tăng lực Bacchus vốn rất phổ biến trong nhiều năm gần đây.
Còn việc các phụ nữ phải đến “phục vụ” tại nhà thổ quân đội trong thời Thế chiến thứ II vốn hay được Trung Quốc và Hàn Quốc sử dụng để chỉ trích Nhật Bản. Song, E J Yong không muốn chĩa mũi dùi về phía xứ sở hoa anh đào với Bacchus Lady. Theo ông, mọi chuyện vẫn tiếp diễn sau khi Chiến tranh Triều Tiên đạt được thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, và phụ nữ Hàn Quốc trở thành nạn nhân của quân đội Mỹ đóng quân nơi đây.
“Chính phủ Hàn Quốc từng cho phép và kiểm soát chuyện bán dâm giúp lính Mỹ. Đó giống như bán dâm công khai vậy”, nhà làm phim chia sẻ.
Song, E J Yong nói thêm rằng Bacchus Lady là một phim bộ phim “chính kịch cay đắng”, với trọng tâm là cái chết chứ không phải tình dục. Điều đó được thể hiện qua chi tiết nhân vật chính còn đi giúp đỡ những người cùng trang lứa tự sát. Bởi vậy, dự án của ông ban đầu thực chất mang tên The Death Lady.
Bacchus Lady sẽ tham gia một số liên hoan phim quốc tế trước khi chính thức ra mắt khán giả quê nhà. Ảnh: KAFA |
Điện ảnh là tấm gương phản ánh đời thực nên các bộ phim Hàn Quốc, cả thương mại lẫn nghệ thuật, thường chủ yếu tập trung khắc họa phái mạnh. Nhưng E J Yong là một trong những đạo diễn hiếm hoi đi ngược lại điều đó, khi ông luôn dành những vai diễn nổi bật cho phái đẹp.
Nhà làm phim cho rằng phụ nữ thường sắm vai trò nạn nhân trong xã hội Hàn Quốc và “muốn tái tạo thế cân bằng về giới” qua những tác phẩm điện ảnh của mình. Ngoài ra, “các diễn viên nữ luống tuổi trong nước thường ít bận rộn hơn đàn ông rất nhiều”.
Sau Liên hoan phim Quốc tế Berlin, Bacchus Lady sẽ có buổi chiếu đặc biệt trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hong Kong, rồi mới trở về Hàn Quốc. E J Yong cho rằng tác phẩm mới của ông cần thu hút sự chú ý từ ngoài nước trước, rồi mới có thể tìm được đường ra rạp tại chính quê nhà.