"Ngọt ngào, tình cảm" là lời nhận xét của nhiều khán giả Việt dành cho bộ phim Hàn đang gây chú ý Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi. "Ngọt ngào, tình cảm" cũng là phản hồi cơ bản nhất cho hầu hết phim truyền hình đến từ xứ sở kim chi từng "làm mưa làm gió" ở Việt Nam.
Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi được nhận xét là "ngọt ngào, tình cảm" - điều gần như quá phổ biến trong phim Hàn. |
Sẵn sàng cho Việt Nam phát phim Hàn miễn phí
Phim truyền hình Hàn luôn đánh vào tâm lý phụ nữ Á Đông với những câu chuyện về tình yêu - gia đình, mùi mẫn và không ít nước mắt. Những cuộc tình sướt mướt, những số phận bi kịch na ná nhau nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả.
Một thời gian cứ mở tivi là thấy phim Hàn. Cùng với phim Trung Quốc, và sau đó là phim Ấn Độ, phim Hàn từng xâm lăng ồ ạt, nắm thế "thượng phong" trên màn ảnh. Phim nội địa bị đánh bại suốt một thời gian dài trước khi chuyển mình với Tuổi thanh xuân, Zippo Mù tạt và em, Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng.
Nhưng khác với phim Trung Quốc hay phim Ấn Độ khi các đài truyền hình phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để có được bản quyền phát sóng, phim Hàn từng được "tặng", được "phát sóng miễn phí" tại Việt Nam.
Theo tiết lộ từ VTV, thời gian đầu khi các đơn vị của Hàn Quốc sang Việt Nam để định vị thị trường, Đài không hề mất tiền trong việc mua bản quyền phát sóng phim truyền hình Hàn. Đơn vị của Hàn Quốc thông báo "tặng" và Đài có thể toàn quyền phát trên kênh sóng của mình.
Không ít người tiếp nhận phim "miễn phí" từng thắc mắc: "Tại sao nhà sản xuất Hàn Quốc lại cho Việt Nam phát sóng miễn phí những bộ phim mà họ phải kỳ công thực hiện?". Ở thời điểm đó hai bên chưa hề có những hợp đồng trao đổi bản quyền giữa các đài, theo hướng "anh phát phim của tôi, tôi cũng sẽ phát phim của anh".
Thắc mắc này sớm có lời giải đáp khi các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lên sóng và được đón nhận. Hóa ra, đằng sau những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng, đằng sau sự miễn phí là những chiến lược quảng bá mạnh mẽ về văn hóa và cả kinh doanh.
Sau Trái tim mùa thu, son môi thâm được nhiều khán giả ưa chuộng. Thời trang Hàn Quốc cũng được người Việt biết đến và yêu thích. Phong cách thời trang trẻ trung, đẹp và quyến rũ của các nhân vật trong phim khiến người xem không khỏi thích thú, ngưỡng mộ.
Kim chi gần như xuất hiện trong tất cả bộ phim truyền hình của Hàn Quốc. |
Không chỉ Trái tim mùa thu, một loạt phim truyền hình Hàn, trong đó đáng kể là Vườn sao băng, góp phần không nhỏ trong việc đưa thời trang Hàn vào thị trường Việt. Từ phim, những xu hướng mới nhất, đẹp nhất của ngành thời trang "xứ kim chi" du nhập vào Việt Nam mà không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại gì.
Khán giả Việt đón nhận bộ phim, và yêu cả thời trang trong phim, và tất nhiên yêu cả những kiểu tóc trong phim. Những tiệm cắt tóc với biển hiệu "Tóc đẹp Hàn Quốc" xuất hiện khắp mọi nơi, từ đường phố lớn đến ngõ ngách nhỏ.
Không chỉ dừng lại ở thời trang, ẩm thực Hàn cũng xâm nhập vào Việt Nam bắt đầu từ phim ảnh. Những bộ phim về đề tài ẩm thực như Vua bánh mì, Hương vị tình yêu, Nàng Dae Jang Geum... đã khiến không ít khán giả Việt "mê mệt".
Ẩm thực Hàn Quốc hiện lên như một bàn tiệc trên màn ảnh, không chỉ trong những bộ phim về đề tài ẩm thực mà gần như phim nào của Hàn cũng có kim chi, mì đen.
Từ đó, khán giả có thể chưa đặt chân đến Hàn Quốc cũng đã biết đến những món ăn như bánh gạo, mì đen, canh rong biển và đặc biệt là kim chi. Trong phim, những món ăn Hàn luôn được người Hàn thưởng thức ngon lành khiến nhiều khán giả Việt phải tò mò về hương vị và chất lượng.
Đến nay kim chi đã trở thành một món quen thuộc ở Việt Nam. Những nhà hàng Hàn Quốc mọc lên "như nấm sau mưa", từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Nhiều gia đình hiện nay thậm chí không còn thói quen ăn dưa cà - những món ăn Việt Nam - nhưng lại rất thích kim chi và còn tự tay làm.
Biên kịch Hàn lành nghề trong cài cắm thương hiệu
Phim truyền hình góp phần không nhỏ trong việc tạo ra làn sóng Hàn Quốc (Hallyu). Thông qua thời trang và ẩm thực, Hàn Quốc xây dựng được quyền lực mềm, dần dần xâm nhập và "khuynh đảo" các thị trường nội địa. Không chỉ khán giả thông thường mà nhiều người nổi tiếng cũng bị "dắt" theo văn hóa Hàn.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, khi biết ẩm thực - thời trang có thể dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khu vực nhờ phim truyền hình, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất phim Hàn Quốc càng mạnh tay đầu tư và xây dựng chiến lược.
Quảng cáo điện thoại không xa lạ trong phim truyền hình Hàn Quốc thời gian gần đây. |
Xe cộ và đặc biệt là smartphone xuất hiện dày đặc trong phim truyền hình Hàn Quốc. Nhiều bộ phim của Hàn, 100% nhân vật trong phim dùng một loại điện thoại duy nhất - và đó là điện thoại của thương hiệu Hàn Quốc.
Nhiều diễn viên trong phim cũng trở thành gương mặt thương hiệu của chính nhãn hàng. Sản phẩm công nghệ dễ dàng đi vào đời sống dưới "vỏ bọc ngôn tình". Nhiều người không cần quan tâm chất lượng thực sự của chúng như thế nào vẫn bỏ tiền ra mua vì muốn "được giống người nổi tiếng".
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện nhà sản xuất Tuổi thanh xuân - phim truyền hình kết hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc - cho biết đội ngũ làm phim của Hàn không xa lạ với việc đằng sau phim ảnh là những chiến lược kinh doanh.
Ngay cả đội ngũ biên kịch cũng luôn sẵn sàng với việc thay đổi, xây dựng kịch bản phục vụ chiến lược doanh nghiệp tài trợ. "Đội ngũ biên kịch phía Hàn Quốc làm rất tốt điều này. Trong khi biên kịch Việt vẫn cho rằng việc cài cắm quảng cáo, thương hiệu là làm hỏng nội dung, biên kịch Hàn lại tỏ ra lành nghề", nhà sản xuất Tuổi thanh xuân nói.
"Ngay khi xây dựng kịch bản, họ đã chủ ý dành những khoảng trống để chèn thương hiệu. Trong Tuổi thanh xuân, khi chúng tôi làm việc với họ, thấy họ làm điều này rất nhuẫn nhuyễn, chuyên nghiệp", nhà sản xuất này cho biết.