Bình luận
Ra mắt từ hôm 26/2 với nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi), Kiều @ nhanh chóng hứng chịu phản ứng trái chiều về chất lượng. Quy tụ các diễn viên Phan Thị Mơ, Cao Thái Hà, Trần Trung, Minh Khải, Mạnh Lân, tác phẩm của đạo diễn Đỗ Thành An rốt cuộc bị xem là “thảm họa” ở nhiều khâu như kịch bản, diễn xuất và kỹ thuật.
Một nguyên nhân lớn khiến khán giả hụt hẫng là chất lượng thực sự của bộ phim cách quá xa so với những lời quảng bá trước đó.
One-shot để làm gì?
Kiều @ được giới thiệu là phim có thời lượng trên 90 phút đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và thứ 31 trên thế giới áp dụng phong cách nghệ thuật một cú máy (one-shot). Điều này được nhấn mạnh xuyên suốt chiến dịch quảng bá bộ phim.
Theo định nghĩa, phim one-shot là những tác phẩm được quay với chỉ một cú máy (như Victoria của đạo diễn Sebastian Schipper), hoặc được quay bằng nhiều cú máy rồi ghép lại để tạo cảm giác như một cú máy (như Birdman hay 1917). Kiều @ thuộc dạng thứ hai, với mục đích nhằm thuật lại những điểm quan trọng trong cuộc đời nhân vật chính.
Rất khó để tìm kiếm giá trị nghệ thuật từ Kiều @. |
Tiền đề này thực chất không tệ về mặt ý tưởng, nhưng được khai triển quá vụng về và trở thành “tấm áo quá khổ” của nhà làm phim. Trong nhiều cảnh, kiểu chắp nối của Kiều @ thực chất chỉ là dùng kỹ xảo chèn vào cuối mỗi đoạn để chuyển cảnh mới.
Những trích đoạn nằm ở các bối cảnh cách xa nhau nhưng được ghép lại. Chóng mặt, mệt mỏi là cảm giác mà tác phẩm đem lại, và khán giả như đang theo dõi một cuốn video bị tua nhanh. Chúng gần như không mang lại giá trị nghệ thuật nào, và cũng chẳng thể nâng tầm tác phẩm.
Với người hâm mộ bộ môn nghệ thuật thứ bảy, có thể thấy kỹ thuật one-shot trong Kiều @ chỉ là lớp vỏ bọc nhằm che giấu sự yếu kém về thiết kế sản xuất, diễn xuất.
Cảm xúc khi theo dõi tác phẩm hoàn toàn tương phản với sự trầm trồ, thán phục khi được thưởng thức những bộ phim kiểu Birdman hay 1917. Đó là chưa kể đến không ít điểm yếu kỹ thuật như khung hình bị giật hay phông xanh lộ liễu.
Lấy cảm hứng từ Truyện Kiều hay Nửa đời hương phấn?
Nội dung phim được giới thiệu là lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên, ngoài một phân đoạn mở đầu gợi nhớ truyện thơ, người xem khó tìm thấy sự liên hệ giữa hai tác phẩm.
Trái lại, công chúng có thể dễ dàng nhận ra một phần nội dung Kiều @ tương đối giống Nửa đời hương phấn - vở cải lương bi kịch của hai tác giả Hà Triều, Hoa Phượng. Mùa hè năm 2018, từng xuất hiện thông tin đạo diễn Đỗ Thành An sẽ chuyển thể vở cải lương lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, cái tên Nửa đời hương phấn đến nay không được nhắc tới, mà nhường cho Truyện Kiều.
Hình tượng “Thúy Vân” của Cao Thái Hà gây khó chịu với đường dây tâm lý tùy hứng. Diễn viên sinh năm 1990 cũng không hợp vào vai cô em gái nhí nhảnh của nhân vật chính. |
Nhân vật chính Hương (Phan Thị Mơ) bước vào con đường gái làng chơi dù chẳng hề gặp bi kịch gia đình như Kiều. Tâm lý của cô cũng thay đổi xoành xoạch đến khó hiểu, cứ thế dùng dằng trong mối quan hệ với gã ma cô Định (Trần Trung) và chàng bác sĩ Tùng (Mạnh Lân).
Ngoài Hương, những nhân vật khác trong phim chỉ gợi nhớ mờ nhạt đến Thúy Vân, Kim Trọng hay Từ Hải. Nhìn chung, Kiều @ chỉ như mượn danh Truyện Kiều, chứ không hề sở hữu kết nối thuyết phục nào với truyện thơ của Nguyễn Du.
Hệ lụy đối với nền điện ảnh nước nhà
Theo dõi điện ảnh Việt Nam hiện đại, công chúng từng bắt gặp không ít tác phẩm có khâu quảng bá quá lố. Trong quá trình truyền thông, một số ê-kíp không ngần ngại tung hô phim của mình, gây chú ý bằng nhiều cách để lôi kéo người xem đến rạp, để rồi khán giả phải ngán ngẩm khi chứng kiến sản phẩm thật.
Năm 2015, phim Hy sinh đời trai từng bị chỉ trích nặng nề khi để Hồ Ngọc Hà chiếm diện tích lớn nhất trên poster, dù cô chỉ đóng vai khách mời (cameo). Bản thân nữ ca sĩ sau đó đã lên tiếng đính chính và khẳng định vai trò của bản thân trong tác phẩm. Hay năm 2017, phim Giấc mơ Mỹ được ê-kíp gọi là “Tuyệt tác nhân văn” trong các thông cáo báo chí. Song, chất lượng thật của tác phẩm thậm chí ở dưới mức trung bình trong ngành phim Việt.
Bất chấp những chiêu trò, Kiều @ đến nay chưa thu nổi 1 tỷ đồng tại phòng vé. |
Chính đạo diễn Đỗ Thành An của Kiều @ cũng từng liên quan đến một vụ PR phim xấu xí trong quá khứ. Trước khi trình chiếu Mất xác (2014), anh tuyên bố kịch bản lấy ý tưởng từ vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, đồng thời sẵn sàng kiện Victor Vũ - người khi ấy chuẩn bị trình làng Scandal: Hào quang trở lại - nếu đạo diễn Việt kiều đạo nhái ý tưởng.
Tuy nhiên, những phát ngôn kể trên chỉ giống như cú lừa khi Mất xác chẳng mấy liên quan đến điều được nhắc đến. Còn những chuyện PR quá trớn về cảnh nóng, phim giả tình thật hay giới tính của diễn viên xuất hiện nhan nhản chỉ nhằm mục đích gây chú ý.
Những lời tán dương hay tô vẽ quá đáng trong quá trình truyền thông hầu như không thể giúp tác phẩm chiến thắng tại rạp, nhưng lại gây tác hại cho điện ảnh Việt về lâu dài. Mỗi lần khán giả đọc những dòng này, để rồi hụt hẫng ngoài rạp, là một lần họ bị xói mòn niềm tin vào điện ảnh nước nhà.
Hệ lụy của chúng là ngay cả các tác phẩm tốt thật sự có thể cũng bị ảnh hưởng uy tín giữa mớ vàng thau lẫn lộn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến phim Việt nói chung bị một bộ phận khán giả trong nước quay lưng, với định kiến “không ra rạp xem phim Việt”.