* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một số chi tiết nội dung phim
Thể loại: Kinh dị
Đạo diễn: Parker Finn
Diễn viên: Sosie Bacon, Jessie T. Usher, Kyle Gallner
Đánh giá: 7/10
Được chấp bút và cầm trịch bởi đạo diễn Parker Finn, Smile (tạm dịch: Cười) là phát súng khởi động cuộc đua mùa Halloween năm nay. Dựa trên bộ phim ngắn năm 2020 Laura Has’t Slept, Finn đã đưa chủ đề “nặng đô” về kinh dị tâm lý (psychological) vào một câu chuyện xoay quanh chuỗi lời nguyền chết chóc.
Cụ thể, phim theo chân nữ bác sĩ Rose Cotter (Sosie Bacon thủ vai), người tận mắt chứng kiến cái chết đau thương và kỳ dị của một bệnh nhân. Kể từ đó, cô liên tục bị những bí ẩn đáng sợ rình rập, gieo rắc nỗi ám ảnh xâm chiếm cuộc sống của mình. Rose buộc phải mạnh mẽ đối mặt với tổn thương trong quá khứ, chạy đua với thời gian để tồn tại và thoát khỏi thực tại kinh hoàng ấy.
Kể câu chuyện cũ bằng ngôn ngữ mới
Khai thác yếu tố PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), đạo diễn có phần liều lĩnh khi lựa chọn một nội hàm thú vị dù khá “khó nhằn” của dòng phim kinh dị. Đây vốn dĩ được coi là chủ đề khắc nghiệt nhưng đầy tiềm năng để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo ý tưởng, đặc biệt về mặt kịch bản.
Tuy vậy, chuyện phim Smile lại không quá mới mẻ. Khán giả có thể tìm thấy sự tương đồng với một số tác phẩm tiền nhiệm như Drag Me to Hell (2009), It Follows (2014) hay She dies tomorrow (2020).
Điểm khác lạ là, ngôn ngữ kể chuyện của đạo diễn Parker Finn không tạo nên cảm giác đại trà. Nhờ sự thông minh, khéo léo trong cách dẫn dắt, ông khiến người xem vô thức bị cuốn vào không khí căng thẳng theo trình tự tuyến tính của bộ phim. Càng nhiều lớp bí mật được bóc tách, người xem càng đến gần hơn với bí mật đằng sau những sự kiện kỳ lạ.
Cốt truyện đã cũ của Smile được kể dưới ngôn ngữ mới mẻ. |
Lựa chọn hình thức tiếp cận trực tiếp, biến cố đầu tiên của Smile ập tới khá sớm, ấn tượng và hiệu quả. Cái chết của Laura là mở màn không thể hoàn hảo hơn để kích hoạt chuỗi ám ảnh tâm lý của nhân vật chính và cả những khán giả. Kể từ đó, một áp lực vô hình lũy tiến theo nhịp phim, tạo nên sự căng thẳng, hồi hộp không ngừng nghỉ.
Những gánh nặng tội lỗi trong quá khứ và sự khốc liệt của thực tại tạo nên cạm bẫy mà Rose không thể tìm thấy lối thoát. Nhân vật dần chìm vào nỗi đau khổ, tuyệt vọng, dù cố gắng vùng vẫy nhưng chỉ càng lún sâu trong bế tắc. Cô trở nên “đơn độc giữa dòng người”, bị cô lập trong bốn bức tường tự tay mình dựng lên. Đó cũng là cơn ác mộng mà Rose phải đối mặt, vì mọi điều kinh khủng lại tới từ những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất.
Chất liệu phim và diễn xuất ấn tượng
Jump-scare được coi là gia vị không thể thiếu khi nhắc tới thể loại kinh dị giật gân. Và Smile cũng không phải ngoại lệ khi cài cắm nhiều phân cảnh hù dọa khán giả. Nhưng đặc biệt ở chỗ, đạo diễn không lạm dụng những cảnh rùng rợn, máu me hay ma quỷ. Thay vào đó, ông sử dụng hiệu ứng "Lewton Bus", khiến người xem dựng tóc gáy trước những tiếng động bất ngờ nhưng thực chất vô hại.
Jump-scare được cài cắm trong phim theo phong cách khá đặc biệt. |
Bên cạnh đó, phim ghi điểm mạnh mẽ nhờ hiệu ứng âm thanh xuất sắc, mang lại áp lực tâm lý nặng nề, khiến khán giả nhiều phen “không biết nên bịt tai hay cần phải che mắt”. Toàn bộ đều được tính toán lồng ghép một cách hợp lý và hiệu quả. Đặt lên bàn cân so sánh, âm nhạc của Smile không thua kém gì Halloween (1978), Hellraiser (1987) hay gần đây nhất là Speak No Evil (2022), một bộ phim của Christian Tafdrup.
Theo những chia sẻ của đạo diễn vĩ đại Alfred Hitchcock, phim kinh dị thành công khi “tạo cho khán giả áp lực, tựa như thứ cảm giác họ phải trải qua mỗi khi bừng tỉnh từ cơn ác mộng”. Và Smile đã làm rất tốt điều này. Các thước phim mang lại nhiều điều thú vị khi đánh lừa trực giác người xem, đặc biệt trong những phân cảnh hù dọa.
Ngoài việc sử dụng overhead-shot và hiệu ứng Spielberg-face quá đỗi kinh điển, đạo diễn hình ảnh Charlie Sarroff còn ưu ái lựa chọn các góc quay theo kiểu Hà Lan. Điểm nhấn của góc máy này là việc khiến người xem cảm thấy hụt hẫng, đem tới tín hiệu về những sự kiện mơ hồ, bất ổn. Và điều này thực sự phù hợp khi đặt trong diễn biến tâm lý của nhân vật chính Rose Cotter. Ranh giới giữa tỉnh táo và mất trí mà cô phải đối mặt là yếu tố giúp cho chất liệu kinh dị trong Smile trở nên sáng giá.
Các góc máy quay ngược tuy xuất hiện đơn giản nhưng lại mang tới hiệu quả đáng ngạc nhiên. Khéo léo thay, chúng được sử dụng duy nhất 2 lần, ở đúng những nút thắt mà diễn biến tâm lý nhân vật có sự chuyển biến, thay đổi.
Sosie Bacon có một màn trình diễn xuất sắc. |
Cuối cùng, Smile trở nên hấp dẫn hơn cả nhờ diễn viên Sosie Bacon với màn nhập vai hoàn hảo. Cô đã lột tả một cách chân thực những xúc cảm phức tạp của một nạn nhân PTSD. Dõi theo tâm lý nhân vật, khán giả có thể cảm nhận rõ sự hoảng loạn, đau đớn cho tới mất tự chủ hay thậm chí là tuyệt vọng. Xuất phát điểm từ một gia đình truyền thống nghệ thuật và sở hữu kinh nghiệm diễn xuất từ nhỏ, không quá ngạc nhiên khi nữ diễn viên trẻ lại có màn hóa thân hoàn hảo tới vậy.
Những lỗ hổng kịch bản đáng tiếc
Là một dự án chuyển thể đầu tay với kinh phí thấp, Smile không tránh khỏi những thiếu sót không đáng có. Tiêu biểu, hành trình tìm hiểu nguồn gốc của những điều ma quái trong phim không thực sự câu kéo được chú ý của người xem. Một số cảnh phim xuất hiện dư thừa, làm loãng tính cao trào, căng thẳng vốn có.
Không chỉ vậy, nội dung có phần dễ đoán khiến cho hồi cuối tỏ ra hụt hơi, kém hiệu quả. Quyết định của nhân vật không tạo nên được nhiều điều bất ngờ, diễn ra chính xác theo những gì có thể dự đoán trước đó.
Những nỗ lực của cô hòng chống lại thế lực ma quái là cần thiết để cốt truyện xuyên suốt. Tuy nhiên, cách khai thác dàn trải của đạo diễn vô tình khiến nó trở nên kém thú vị. May mắn thay, cú plot-twist đắt giá cuối cùng cũng thành công kéo lại cảm xúc cho khán giả.
"Định nghĩa" về nụ cười kinh dị của Joan Gregson trong It 2. |
Ngay từ tên gọi, “Smile” (Cười) đã mở ra những nghịch lý thú vị trong cách khám phá phản diện của thể loại kinh dị tâm lý. Đáng tiếc là, dù cho được sử dụng khá nhiều, những nụ cười trong phim lại không thực sự đắt giá. Sở dĩ, nó chưa đủ yếu tố kinh dị như của Mme Kersh (Joan Gregson) trong It Chapter Two, lại càng không đủ kỳ quái, méo mó như Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) trong Joker (2019).
Bên cạnh đó, rối loạn tâm thần mở ra từ đầu phim là một khía cạnh khai thác đầy hấp dẫn. Nhưng cuối cùng, đạo diễn gần như bỏ qua yếu tố này. Chưa kể, các cảnh máu me trong phim cũng chưa thực sự được đầu tư, còn tạo nên cảm giác hơi “giả”.
Chung quy, sự dễ đoán và những lỗ hổng trong kịch bản khiến Smile chưa phải là một tác phẩm xuất sắc đối với những “mọt phim” kinh dị. Tuy vậy, đây vẫn là bộ phim giật gân kịch tính chứa đựng những yếu tố thú vị, đáng xem.