Theo New York Times, HBO MAX gỡ Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) khỏi danh sách phát sóng của mình vì “lãng mạn hóa câu chuyện miền Nam nước Mỹ thời kỳ nội chiến và cố tình phớt lờ những tội ác chủng tộc”.
Đại diện nhà phát hành cho biết: “Cuốn theo chiều gió là sản phẩm của thời đại trước. Phim phản ánh về định kiến sắc tộc và chủng tộc. Không may, những điều này lại phổ biến trong xã hội Mỹ ngày nay”.
Cuốn theo chiều gió bị gỡ khỏi HBO MAX. |
“Sự phân biệt sắc tộc ở thời đó là sai lầm, bây giờ vẫn là sai lầm. Chúng tôi cảm thấy mình sẽ vô trách nhiệm nếu như giữ bộ phim này lại mà không có một lời giải thích nào”, phát ngôn viên của HBO MAX nói với AFP.
“Bộ phim đang tô hồng hiện thực, cho thấy sự mù quáng của con người trước nỗi kinh hoàng của chế độ bóc lột nô lệ đã tồn tại từ lâu. Trong phim, các nhân vật da màu hài lòng với thân phận người hầu. Còn người da trắng được xây dựng với hình ảnh chủ như những người hùng”, New York Times nhận định.
Sau khi phim được gỡ bỏ, tác phẩm kinh điển lại trở thành phim được mua nhiều nhất trên hệ thống Amazon và vào top 5 phim xem nhiều nhất trên Apple’s iTunes. Nhiều người đồng ý với quan điểm của HBO MAX nhưng cũng có người cho rằng vẫn nên phát sóng bộ phim vì “để xem xã hội thời đó ngu ngốc đến mức nào”.
Một cảnh quay trong Cuốn theo chiều gió. |
Bộ phim được sản xuất vào năm 1939 từng thắng 8 giải Oscar, bao gồm giải Phim xuất sắc, Nam – Nữ diễn viên chính xuất sắc, Kịch bản chuyển thể xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nữ diễn viên phụ xuất sắc thuộc về Hattie McDaniel – người thủ vai bà vú của nữ chính Scarlett O’ Hara trong phim. Cô cũng là diễn viên da màu đầu tiên nhận tượng vàng Oscar.
Đến nay, Cuốn theo chiều gió vẫn là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời gian nếu tính theo lạm phát và trượt giá của đồng tiền.
Đại diện của HBO MAX cũng cho biết có thể hãng sẽ đưa phim trở lại danh sách phát khi thảo luận kỹ về bối cảnh lịch sử. Người này cũng cam kết không yêu cầu sửa lại nội dung phim: “Vì nếu chỉnh lại chẳng khác nào tuyên bố rằng định kiến chủng tộc chưa từng tồn tại. Nếu chúng ta muốn tạo ra một tương lai công bằng, toàn diện hơn thì điều đầu tiên là phải thấu hiểu và thừa nhận lịch sử của mình”.