Thể loại: Giả tưởng, tâm lý
Đạo diễn: Trần Nhân Kiên
Diễn viên lồng tiếng: Trương Minh Thảo, Duy Luân, Yeye Nhật Hạ, Trúc Mây, Huyền Thoại, Lâm Hương Giang, Mai Kỳ Hân
Zing.vn đánh giá: 4/10
Cậu chủ ma cà rồng là bộ phim tiếp theo của đạo diễn Trần Nhân Kiên sau Tình đầu thơ ngây hồi đầu năm. |
Chuyện phim Cậu chủ ma cà rồng lấy bối cảnh tại một vùng đất giả tưởng, nơi con người chung sống cùng vô số loài sinh vật huyền bí. Sau cuộc chiến giữa các gia tộc ma cà rồng hàng nghìn năm trước, cậu chủ Huy Long (Duy Luân) bị trúng độc nặng và chưa thể phục hồi.
Do đó, anh cùng “cánh tay phải” Đức Cường (Trương Minh Thảo) tổ chức cuộc thi tuyển chọn nữ quản gia nhằm tìm người có nhóm máu phù hợp để làm thuốc giải độc.
Lần lượt 5 cô gái Thiên Ngân (Yeye Nhật Hạ), Thủy Hương (Trúc Mây), Mỹ Kim (Huyền Thoại), Vân Quỳnh (Lâm Hương Giang) và Ngọc Tú (Mai Kỳ Hân) tham gia ứng tuyển mà không hề hay biết bản thân đang trở thành mục tiêu của âm mưu thâm độc.
Song, mỗi người trong số họ cũng đều có mục đích riêng nhắm vào hai sinh vật ma cà rồng huyền bí.
Kịch bản ngô nghê, phi lý
Cậu chủ ma cà rồng có phần mở màn hứa hẹn khi giới thiệu cả một thế giới giả tưởng đồ sộ trải dài qua nhiều lục địa, cùng rất nhiều chủng loài sinh vật kỳ dị khác nhau. Song, hầu hết không đóng vai trò gì cụ thể sau đó, nhất là khi bối cảnh chính của bộ phim chỉ gói gọn trong một căn biệt thự với vài gian phòng.
Phần nội dung phim ban đầu tỏ ra “đao to búa lớn” không kém khi nói về cuộc chiến giữa các gia tộc ma cà rồng, cùng nghi lễ giải độc hàng nghìn năm mới có một lần. Nhưng đến cuối, tác phẩm của đạo diễn Trần Nhân Kiên hóa ra chỉ là những màn “cung đấu” không hồi kết của các cô gái trẻ đẹp.
Nhiều sự phi lý xuất hiện từ đây. Mang tiếng là ma cà rồng hùng mạnh, nhưng những gì Đức Cường và Huy Long thể hiện chỉ là đi lòng vòng trong căn biệt thự và tỏ ra “cool ngầu”.
Toàn bộ Cậu chủ ma cà rồng là những tình tiết phi lý được chắp nối một cách gượng gạo. |
Sống đến hàng nghìn tuổi, nhưng chàng quản gia bị các cô gái quay như “dế” dù luôn miệng đòi điều tra rõ thân phận của họ. Chẳng hiểu sao cả hai phải kỳ công tạo ra cuộc thi tuyển chọn quản gia khi chỉ cần… một ống máu nhỏ là có thể giải quyết vấn đề đang đối mặt.
Càng theo dõi, Cậu chủ ma cà rồng càng mông lung như một trò đùa khi chẳng hướng đến mục đích cụ thể nào, còn các tình tiết thì ngày một trở nên ngô nghê hơn. Bị ma cà rồng giết hết người thân, Thiên Ngân tỏ ra căm thù và quyết tâm tiêu diệt cả cậu chủ lẫn quản gia. Song, cô nàng cuối cùng lại yêu Đức Cường tới “chết đi sống lại” chỉ sau vài câu thoại xã giao.
Ngạc nhiên thay, nhân vật của Trương Minh Thảo cũng say đắm đáp lại chẳng vì bất cứ lý do gì. Kết phim là một loạt sự kiện “từ trên trời rơi xuống” mang nặng tính sắp đặt chứ chẳng hề được xây dựng từ trước. Toàn bộ mâu thuẫn rốt cuộc được giải quyết một cách đơn giản và hài hước hết mức.
Khâu sản xuất cẩu thả
Không chỉ chứa đựng phần kịch bản tệ hại, Cậu chủ ma cà rồng còn khiến người xem phải lắc đầu ngao ngán bởi cách làm phim cẩu thả kiểu “mỳ ăn liền”. Cả bộ phim như được chắp vá từ hàng chục tiểu phẩm nhỏ và tỏ ra rời rạc bởi lối chuyển cảnh tệ hại.
Phim thường xuyên có những cảnh chỉ kéo dài vài phút với đôi ba câu thoại, rồi nhanh chóng chuyển sang câu chuyện khác chẳng hề liên quan. Còn yếu tố kỹ xảo và hành động được thực hiện theo kiểu “cho có”.
Có quá nhiều vấn đề trong khâu sản xuất của bộ phim. |
Sở hữu dàn diễn viên “trai xinh, gái đẹp” nhưng phần diễn xuất trong Cậu chủ ma cà rồng lại vô cùng nhạt nhòa. Huy Long và Đức Cường được xây dựng theo mô-típ soái ca lạnh lùng nên chỉ có cùng một nét biểu cảm đơ cứng và nụ cười nhếch mép từ đầu đến cuối. Chưa kể, họ còn mang đến cách nhả thoại chậm rãi, ngắt quãng từng chữ theo đúng kiểu trả bài.
Vốn mỗi người đều có một mục đích riêng khi ứng tuyển, nhưng dàn nhân vật nữ lại quay cuồng đấu đá mà quên mất âm mưu của bản thân, rồi bị cắt vai hết sức lãng xẹt.
Sự gượng gạo thể hiện rõ trên gương mặt nhóm người đẹp trong từng phân cảnh. Có lẽ, họ chẳng biết thể hiện nhân vật của mình ra sao cho đúng khi cả tâm lý lẫn tính cách cứ thế thay đổi chóng mặt.
Sở hữu một ý tưởng mới lạ, nhưng Cậu chủ ma cà rồng lại có cách triển khai nội dung và làm phim quá cẩu thả, non tay. Có lẽ, đạo diễn Trần Nhân Kiên nên tập trung hơn vào khâu xây dựng nội dung và nhân vật trước, bởi tác phẩm lần này thực tế mắc lại nhiều sai lầm như Tình đầu thơ ngây cách đây vài tháng.