Toàn bộ bối cảnh của Tam nhân hành diễn ra bên trong một bệnh viện. Đồng Sảnh (Triệu Vy) là bác sĩ ngoại khoa chuyên về thần kinh. Là một người nghiêm túc, thẳng thắn đến mức cứng nhắc, cô chỉ tin tưởng vào năng lực chuyên môn của bản thân và thường bỏ ngoài tai ý kiến đồng nghiệp.
Một hôm, bệnh viện tiếp nhận trường hợp tai nạn đặc biệt. Nạn nhân là Trương Lễ Tín (Chung Hán Lương) - tên tội phạm nham hiểm mới bị cảnh sát bắn hạ, có đạn găm vào não bộ nhưng vẫn may mắn sống sót.
Phụ trách giám sát hắn là đội cảnh sát do chỉ huy Trần Vĩ Lạc (Cổ Thiên Lạc) phụ trách. Ba người với những hoàn cảnh, mục đích khác biệt, vô tình bị cuốn vào cuộc chiến mà họ sẽ phải bộc lộ toàn bộ bản chất.
Tam nhân hành (Three) là bộ phim mới của đạo diễn nổi tiếng Đỗ Kỳ Phong, có sự tham gia của ba ngôi sao Cổ Thiên Lạc, Triệu Vy và Chung Hán Lương. |
Từ lời dạy sâu xa của Khổng Tử
Tựa đề phim Tam nhân hành gợi nhắc đến lời dạy của Khổng Tử trong sách Luận ngữ: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi”. Ý rằng: “Ba người cùng đi, hai người kia là thầy của ta. Chọn những điều thiện mà học hỏi, còn những khuyết điểm thì lấy đó mà làm gương để cải sửa chính mình”.
Đây là lời chỉ dạy sâu sắc của Khổng Tử về cách nhìn người, tiếp thu và học tập từ chính những người xung quanh, từ cả những điều hay lẫn điểm dở để tự hoàn thiện bản thân.
Trong cuộc sống luôn có cả người tốt lẫn kẻ xấu, sự tình không có gì là tuyệt đối. Do đó, cần áp dụng quan niệm vừa phóng khoáng, vừa cẩn trọng để nhìn nhận, thì cả hai loại người trên đều là thầy của ta.
Người tốt, tất nhiên phải học hỏi nơi họ. Người xấu thì coi họ là cái gương để ta quan sát sự tình, lấy đó làm cảnh tỉnh. Nếu người xấu có điều tốt cần nhìn nhận khách quan, tránh để sự phán xét cực đoan chủ quan làm ảnh hưởng đến cách nhìn người.
Từ ý tưởng đó, đạo diễn nổi tiếng Đỗ Kỳ Phong cố gắng tạo ra một tác phẩm với nhiều dấu ấn khác biệt so với những bộ phim gần đây của ông. Nội dung chính của Tam nhân hành không đi sâu vào thế giới ngầm của tội phạm Hong Kong, cũng không hẳn là cuộc đối đầu giữa cảnh sát và tội phạm. Đỗ Kỳ Phong chỉ muốn mượn câu chuyện phim để làm nền cho cuộc chiến tâm lý bên trong tâm lý mỗi nhân vật.
Ba nhân vật, ba thái cực
Ba nhân vật chính trong Tam nhân hành đều là những người có tính cách cực đoan. Đồng Sảnh là bác sĩ ngoại khoa tài giỏi, có chuyên môn cao. Sống độc lập từ nhỏ, một mình đến Hong Kong để học tiếng Anh và y khoa, cô chỉ tin tưởng vào trình độ chuyên môn của bản thân.
Hình ảnh Triệu Vy trong vai cô bác sĩ Đồng Sảnh đầy cứng nhắc. |
Cô thẳng thắn đến cứng nhắc, không tin vào may mắn, chỉ tuân thủ chặt chẽ quy trình đầu máy móc. Tất cả khiến Đồng Sảnh khó hợp tác với mọi người và vô tình gặp nhiều rắc rối khi phải tiếp nhận bệnh nhân là tội phạm.
Trần Vĩ Lạc là chỉ huy của một đội cảnh sát. Trái với Đồng Sảnh, anh là người sẵn sàng phá luật vì mục đích cá nhân. Khi đàn em dưới quyền vô tình bắn trúng Trương Lễ Tín, anh dàn cảnh để tạo bằng chứng giả, nhằm đổ tội cho hắn tự sát.
Đến khi bằng chứng giả có khả năng bị bại lộ, Trần Vĩ Lạc sẵn sàng lên kế hoạch thủ tiêu để bịt miêng hắn. Tóm lại, anh không thể sáng suốt khi nghĩ đến những nguy cơ bên ngoài, mà chỉ tập trung nhắm tới mục đích của bản thân.
Chỉ huy Trần Vĩ Lạc chỉ lo cho bản thân mà quên đi đại cục. |
Cuối cùng, Trương Lễ Tín lại là một trường hợp khác. Là tội phạm, hắn được định sẵn là nhân vật phản diện của Tam nhân hành. Nhưng càng theo dõi bộ phim, khán giả càng thấy đồng cảm hơn với nhân vật và lý lẽ của Trương Lễ Tín.
Về bản chất, đây vẫn là tên tội phạm, luôn tìm mọi cách để trốn thoát khỏi cảnh sát, hay thậm chí là trả thù kẻ đã bắn hắn. Nhưng Trương Lễ Tín lại không có tâm lý cực đoan như Đồng Sảnh hay Trần Vĩ Lạc. Ngược lại, hắn cố gắng lợi dụng điều đó để làm lợi cho bản thân.
Trương Lễ Tín được xây dựng như một tên cáo già sừng sỏ, với tâm lý vững vàng và khả năng ứng biến linh hoạt. Hắn nhanh chóng nắm bắt được hoàn cảnh, tính cách của những người xung quanh, lợi dụng những điều đó để điều khiển họ.
Tên tội phạm Trương Lễ Tín đầy khôn ngoan luôn tìm cách để thao túng hai nhân vật còn lại. |
Biết Đồng Sảnh là người trọng nguyên tắc, hắn dựa vào quyền lợi của bệnh nhân được pháp luật công nhận để bắt cô làm theo ý mình. Biết Trần Vĩ Lạc sẽ dùng thủ thuật để bắt hắn phải phẫu thuật và khai ra thông tin, hắn tìm cách không để lọt bẫy, đồng thời tạo ra nhiều thông tin nhiễu loạn và làm rối loạn đội ngũ cảnh sát.
Để làm bật ý tưởng của câu chuyện, đạo diễn Đỗ Kỳ Phong sử dụng một bối cảnh duy nhất là bệnh viện. Xung quanh ba nhân vật chính chỉ có các bệnh nhân ốm yếu, bệnh hoạn, các bác sĩ, y tá liên tục bận rộn với công việc, cùng đội ngũ cảnh sát làm nhiệm vụ giám sát tên tội phạm.
Điều đó giúp tạo nên bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Các nhân vật bị bó buộc trong giới hạn không gian - thời gian bức bối, qua đó dễ dàng bộc lộ bản chất tâm lý cực đoan của bản thân.
Thất bại vì kịch bản
Tam nhân hành sở hữu ý tưởng mới lạ và khác biệt là vậy, nhưng đạo diễn Đỗ Kỳ Phong lại chưa thành công trong cách thể hiện. Kịch bản phim có nhiều vấn đề khiến tác phẩm trở nên mất định hướng và gây hụt hẫng cho người xem.
Thứ nhất, tuyến truyện phụ liên quan đến đồng bọn của Trương Lễ Tín cùng âm mưu đánh bom bệnh viện được đề cập khá sớm, thể hiện rõ ràng và dự đoán sẽ là cao trào chính của bộ phim.
Khán giả tập trung cao độ, theo dõi xem tên tội phạm sẽ làm thế nào để trốn thoát, hay cảnh sát sẽ đối đầu với âm mưu ấy ra sao. Song, cái kết diễn ra chóng vánh đến mức khán giả chưa kịp chuyện gì xảy ra thì tác phẩm đã hạ màn.
Đến lúc này, tất cả mới vỡ ra rằng cao trào mà mình mong đợi chỉ là tình tiết phụ, hầu như không có chút giá trị nào cho câu chuyện phim, ngoại trừ một trường đoạn hành động tương đối kịch tính.
Kịch bản của Tam nhân hành dựa trên một ý tưởng hấp dẫn, nhưng lại chứa đựng quá nhiều "sạn". |
Toàn bộ diễn biến và mục đích của âm mưu đánh bom không được giải thích rõ ràng, diễn ra có phần bừa bãi đến thừa thãi. Đây là điểm trừ lớn của bộ phim, khiến người xem cảm thấy mình như “bị lừa”.
Thứ hai, quá chú trọng vào các nhân vật chính, kịch bản phim gần như bỏ qua tuyến phụ. Hàng loạt nhân vật phụ xuất hiện trong phim chóng vánh, nói vài câu thoại, thể hiện vài tâm trạng cảm xúc lẫn lộn, để rồi cuối cùng trôi đi nhạt nhòa. Điều đó khiến các lỗ hỏng logic trong phim càng dễ bị lộ.
Khán giả chắc chắn sẽ thắc mắc vì sao lực lượng cảnh sát hùng hậu lại sơ ý đến độ không bố trí bất cứ ai giám sát vòng ngoài của bệnh viện, để tội phạm mang bom và vũ khí đi vào như chốn không người? Rồi chi tiết Trương Lễ Tín tìm được chiếc chìa khóa còng tay đầy may mắn cũng là “hạt sạn” thiếu thuyết phục.
Điểm sáng hiếm hoi của Tam nhân hành là phần diễn xuất của các diễn viên chính. Cả Cổ Thiên Lạc, Triệu Vy lẫn Chung Hán Lương đều là những cái tên kỳ cựu, sở hữu kinh nghiệm diễn xuất đa dạng. Họ không hề gặp chút khó khăn nào trong việc khắc họa các nhân vật mới trên màn ảnh.
Chung Hán Lương mới là cái tên nổi bật nhất trong dàn sao của Tam nhân hành trên màn ảnh. |
Trong đó, đáng chú ý nhất là Chung Hán Lương. Tên tội phạm cáo già Trương Lễ Tín thuyết phục cả về ngoại hình lẫn tính cách. Cũng nhờ nhân vật mà tài tử mới thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải lần thứ 19 diễn ra hồi tháng 6.
Nhìn chung, Tam nhân hành là một trải nghiệm mới mẻ nhưng chưa thành công của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong. Bộ phim cố gắng đi sâu khai thác tâm lý cực đoan bên trong từng nhân vật, nhưng rốt cuộc lại thất bại bởi phần kịch bản nhiều “sạn”, cùng cách thể hiện lên gân, cường điệu.
Zing.vn đánh giá: 3/5