Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Phim nhà nước thất thu, không thể quy trách nhiệm cho ai'

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, những bộ phim nhà nước đặt hàng, đảm nhận nhiệm vụ chính trị nên không thể quy trách nhiệm cho ai.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng song khi ra rạp chỉ thu được số tiền ít ỏi, vài trăm triệu, vài trăm ngàn đồng. Những con số đau lòng đó đặt ra câu hỏi lớn về vấn đề hiệu quả trong sử dụng vốn nhà nước để làm phim. Zing.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL về vấn đề nóng này bên lề LHP Việt Nam lần thứ 19.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên.

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng phim điện ảnh tham dự LHP Việt Nam năm nay?

Năm nay số lượng phim tăng nhiều hơn so với lần trước, chất lượng rất tốt. Nhiều bộ phim được công chúng đánh giá cao, sức lan tỏa rộng. Trong những ngày diễn ra liên hoan phim, có phim, khán giả đến rạp xem quá đông, đến thiếu ghế ngồi. Đó là sức hút của những bộ phim mới và chứng tỏ liên hoan phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

- Riêng với thứ trưởng, ông ấn tượng với phim nào nhất?

- Tôi chưa xem được hết 20 bộ phim, mới xem được 3 phim nhưng mỗi phim đều để lại ấn tượng tốt trong tôi như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Người trở về… Đề tài dù là chiến tranh, xã hội hay tuổi thơ… đều hấp dẫn.

- Dư luận gần đây bàn tán sôi nổi về việc phim nhà nước đầu tư tiền tỷ nhưng có phim không thu về được đồng nào như "Sống cùng lịch sử". Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Những bộ phim trong liên hoan phim lần này đã chứng minh điều đó không đúng. Ví dụ, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đặt hàng của nhà nước nhưng ngoài là phim chất lượng tốt thì rất đông khán giả đi xem, trở thành một kỷ lục của phòng vé. Cuộc đời của Yến cũng là phim đặt hàng nhưng rất hấp dẫn. Tôi nghĩ, vấn đề cuối cùng vẫn là tài năng. Nếu đạo diễn có tài năng thì bất kể dùng tiền của ai, họ cũng sẽ tạo nên bộ phim tốt.

Còn con số thu về của mỗi bộ phim lịch sử thì mọi người đánh giá chưa toàn diện. Phim do nhà nước đầu tư thì mục đích chính trị là hàng đầu. Tư nhân làm phim và chỉ mong thu lại lợi nhuận chứ không nghĩ đến phục vụ, còn phim nhà nước thì mục đích là phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.  

- Ở vai trò nhà lãnh đạo, theo ông, những bộ phim đầu tư tiền tỷ của nhà nước nhưng hiệu quả ít thì trách nhiệm thuộc về ai và xử lý thế nào?

- Những bộ phim nhà nước đặt hàng là phục vụ một thời điểm lịch sử, hay nhân một lễ kỷ niệm nào đó của đất nước, đảm nhận nhiệm vụ chính trị nên không thể có việc quy trách nhiệm cho ai. Phim vì mục đích chính trị thì tất nhiên không đặt nặng việc bán vé, càng không nên so sánh với phim thị trường. Có những bộ phim chúng ta phải làm để chiếu miễn phí cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn khó khăn. 

Ông Vương Duy Biên cho rằng, phim nhà nước với mục đích tuyên truyền nên không đặt nặng việc bán vé.

- Ngoài mục đích tuyên truyền, vẫn có thể thu hồi vốn bằng cách đưa phim ra rạp. Theo ông, có những giải pháp gì cho vấn đề này?

Đó là tiêu chí mà bộ phim nào cũng phải cố gắng hướng tới: tuyên truyền và có doanh thu. Tuy nhiên giải pháp thì cần phải có thời gian, không thể trong một sớm một chiều, huống chi là nói ngay tại đây. 

- Điện ảnh là kênh quảng cáo du lịch hiệu quả. Sắp tới, Bộ VH-TT-DL có dự án gì liên quan đến việc phát triển điện ảnh?

- Ai cũng biết, điện ảnh đem lại lợi thế rất lớn cho du lịch. Khi hình ảnh Việt Nam xuất hiện các kênh truyền hình quốc tế, hiệu quả rất lớn. Khi điện ảnh Pháp thực hiện các bộ phim tại Việt Nam như Đông Dương, Người tình, Điện Biên Phủ thì đã tạo nên cơn sốt du lịch. Vì thế, cần phải đầu tư những bộ phim hay, hình ảnh đẹp và đặc biệt, có thể xuất khẩu được thì sẽ mang lại những lợi thế về văn hóa và du lịch.




Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm