Sau mỗi mùa phim Tết, các kỷ lục doanh thu liên tiếp được loan đi. Gần đây nhất, bộ phim Mỹ nhân kế của Nguyễn Quang Dũng được nhà sản xuất thông báo là đã kịp thu về gần 60 tỷ đồng sau hàng tháng công chiếu ròng rã ngoài rạp. Tuy nhiên, kỳ tích doanh thu này chủ yếu chỉ rơi vào những bộ phim chiếu Tết, còn lại phim Việt hầu hết rơi vào thảm cảnh chiếu đôi ba tuần ngoài rạp với doanh thu lẹt đẹt và kết quả là bị đuổi khỏi rạp vì ít khách, doanh thu kém hòng nhường chỗ cho hàng loạt bộ phim mới của nước ngoài liên tục được nhập về.
Mỹ nhân kế, phim Việt đạt kỷ lục doanh thu cũng chỉ bằng các phim hoạt hình Hollywood Kungfu Panda 2, Despicable Me 2. |
Hàng loạt bộ phim nội được công chiếu thời gian qua như HIT- Hoàng tử và Lọ lem, Cát nóng, Lửa Phật... cũng cùng chung số phận, đến mức nhà sản xuất cũng như phát hành không dám công bố doanh thu của chúng.
Những phim dở không có khách là chuyện thường, còn Đường đua, một bộ phim được đánh giá là "được" với hầu hết những bài viết ưu ái khen ngợi trên các mặt báo mới ra rạp gần đây cũng bị phim ngoại đè bẹp, thậm chí thua xa doanh thu phim Tình người duyên ma của Thái Lan. Đây là kết cục hầu hết những bộ phim Việt Nam đều phải gánh, do không thể đấu nổi với phim ngoại giữa mùa "bom tấn".
Vài năm trước nếu một năm chỉ có khoảng chục phim ra rạp, gần đây lượng phim này đã tăng lên gấp đôi. Phim Việt ra rạp với tần suất dày đặc đơn, không chỉ riêng mùa Tết. Các dự án phim cũng liên tục được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất phim nội không thể nhanh bằng việc nhập phim ngoại.
Không có hạn ngạch nhập khẩu phim theo cam kết vào WTO nên ngoại trừ tỷ lệ rất nhỏ những phim không được phát hành, phim ngoại cũng về thế theo chân các nhà phát hành ồ ạt được nhập về Việt Nam. Với trên 120 phim ngoại (chủ yếu là phim Mỹ) đủ thể loại được nhập về Việt Nam, trung bình mỗi tháng cũng đã có chừng 10 phim nước ngoài ra rạp khiến phim nội càng thêm lép vế.
Phim nội kinh phí "khủng" bằng phim ngoại rẻ tiền. |
Với chi phí như vậy, cộng với nền sản xuất còn rất nhiều vấn đề như ở Việt Nam, việc cho ra những bộ phim chất lượng và hấp dẫn, đủ sức "đấu tay bo" với những bộ phim kinh phí cực lớn của Mỹ, nhẹ cũng vài chục triệu USD, lớn hơn thì lên tới cả 100, 200 triệu USD với công nghệ sản xuất hiện đại nhất, được PR chuyên nghiệp đến tận răng quả là bài toán khó với các nhà sản xuất trong nước.
Khán giả vốn được trao quyền năng hết sức "tàn nhẫn", đó là quyết định số phận của mỗi bộ phim bằng tấm vé. Do vậy họ không có nghĩa vụ phải thông cảm rằng bộ phim này có kinh phí thấp đến đâu, được sản xuất trong hoàn cảnh khó khăn đến mức nào, hay vất vả ra rạp ra sao. Họ chỉ chọn xem bộ phim mình thấy hấp dẫn nhất, hay nhất, có giá trị nhất, đáng đồng tiền bỏ ra nhất.
Phim Việt, với nguồn kinh phí ít ỏi buộc phải bước vào một cuộc chiến giành giật khán giả không cân sức với những bộ phim được đầu tư cả trăm triệu đô la với sự tham gia của những ngôi sao lớn nhất thế giới.
Những bộ phim này, dĩ nhiên lại luôn có lợi thế trong việc có được những suất chiếu "giờ vàng" ở những rạp lớn nhất trong khi phim nội buộc phải chịu cảnh vào những rạp nhỏ, hoặc nếu vào được rạp lớn cũng bị xếp ở những phòng chiếu nhỏ, vào những giờ "hiểm" hơn. Kết cục là chúng phải gánh chịu doanh thu lẹt đẹt và nhanh chóng bị đẩy ra khỏi rạp chiếu không kèn không trống để nhường lại phòng chiếu cho những bộ phim ngoại khác đang xếp hàng dài chờ ra rạp.
Chẳng những hệ thống rạp chiếu cao cấp ở các thành phố lớn đang bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, thị trường phim chiếu rạp cũng gần như nhường lại chỗ hoàn toàn phim ngoại. Cuộc xâm lấn của phim ngoại ngày càng đẩy phim nội vào thế yếu trong khi còn đang thiếu một cơ chế bảo hộ phim Việt ngoài rạp. Thêm một vấn đề nan giải nữa là nhiều hệ thống các rạp chiếu lớn lại Việt Nam như MegaStar, Platinum, Lotte... đều thuộc sở hữu của nước ngoài. Đó là chưa kể đến việc các đơn vị này cũng đồng thời là nhà phát hành phim nên việc ưu tiên cho các phim ngoại mình phát hành là đương nhiên, khiến phim nội càng thêm khó khăn khi tiếp cận với thị trường.
Có nên học cách bảo hộ phim nội của Trung Quốc?
Nhìn sang Trung Quốc, dù có nền sản xuất phim lớn nhưng lâu nay vẫn duy trì những chính sách riêng để bảo vệ phim nội trước sự thâm nhập của Hollywood. Trước đây nước này chỉ cho phép nhập khoảng 20 phim ngoại mỗi năm. Tuy nhiên từ năm 2012, con số này tăng lên gấp rưỡi để mở cửa thêm cho phim 3D.
The Great Gatsby ra rạp Việt từ cuối tháng 6 nhưng tới đầu tháng 9 mới chiếu ở Trung Quốc. |
Đó là chưa kể đến vô số các phim lớn dễ dàng bị gạt khỏi danh sách phim trình chiếu tại đây. Thậm chí, ngay cả khi phim đã nhận được quyết định phổ biến vẫn dễ dàng bị đẩy ra khỏi rạp chiếu ngay ngày đầu tiên, đơn cử như phim Django Unchained được đề cử Oscar hồi tháng 4 để bảo vệ doanh thu cho phim nội. Cách làm này được cho là vô cùng cực đoan nhưng lại thường xuyên được áp dụng như một thứ lá chắn để bảo vệ cho doanh thu phim nội địa của nước này trước cơn bão phim bom tấn của Mỹ lan tràn khắp thế giới.
Django Unchained đến ngày công chiếu vẫn bị rút khỏi rạp. |
Không thể phủ nhận sự phong phú của phim ngoại nhập cũng đã làm thay đổi thị trường phim chiếu rạp cũng như nâng cao thị hiếu của khán giả các đô thị lớn. Tuy nhiên với đà này, doanh thu hàng triệu USD từ phòng vé mỗi năm sẽ chủ yếu chạy vào túi các nhà sản xuất và phát hành phim nước ngoài.