Đạo diễn Đặng Tất Bình là người cộng tác và đồng hành cùng nhiều dự án phim nước ngoài có cảnh quay tại Việt Nam, trong đó không thể không kể đến phim Đông Dương. Phim quay tại Việt Nam năm đầu những năm 90 thế kỷ trước và đoạt Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc năm 1992. |
- Khi nhắc đến quá trình đồng hành cùng phim Đông Dương, điều gì còn đọng lại trong ông?
- Gần cả năm trời lăn lộn cùng đoàn làm phim, dĩ nhiên là có rất nhiều kỷ niệm còn đọng lại trong tôi. Tuy nhiên, vì kỷ niệm nào cũng rất sâu sắc nên bây giờ phải chọn ra đâu là kỷ niệm sâu sắc thì khó quá!
Hơn nữa, Đông Dương chỉ là một trong số 3 phim được điện ảnh nước ngoài sản xuất trong năm đó và cũng chỉ là một trong số hàng chục dự án có sự đầu tư của nước ngoài sản xuất tại Việt Nam trong suốt vài chục năm qua nên có thể cái mà tôi tâm đắc và lưu giữ, chưa chắc đã phải cái mà bạn đọc quan tâm! Chỉ có thể nói là tôi luôn nhớ về những ngày tháng đó!
- Từng làm việc với nhiều đoàn phim nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về sự chuyên nghiệp của họ?
- Nhìn chung là họ chuyên nghiệp về mọi mặt. Tuy nhiên không phải dự án nào cũng đạt được điều đó đâu. Tôi biết là có một vài dự án mà các bạn nước ngoài phải tham khảo và điều chỉnh lại quy trình sản xuất theo gợi ý của các nhà điện ảnh Việt Nam vì bê nguyên si sự chuyên nghiệp ở Phương Tây vào Việt Nam chưa hẳn đã là cách làm thông minh nhất. Chúng ta cũng nhiều người tài lắm chứ!
- Tính đến thời điểm hiện tại, 'Đông Dương' vẫn được xem là bộ phim quay ở Việt Nam thành công nhất vì giành giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc năm 1992. Theo ông, bối cảnh Việt Nam và sự tham gia của một số diễn viên Việt đóng vai trò như thế nào đối với sự thành công của bộ phim này?
- Đông Dương là bộ phim kể lại một câu chuyện xảy ra phần lớn ở Việt Nam với một loạt các nhân vật là người Việt Nam, miêu tả cuộc sống tâm lý của người Việt Nam chứ không chỉ là mượn bối cảnh Việt Nam để nói chuyện đâu đâu hay mượn vài gương mặt Việt Nam để nói tới người châu Á chung chung. Tôi nghĩ đó mới là lý do nặng ký nhất dẫn tới sự thành công của bộ phim này.
Đông Dương (Indochine) là một bộ phim Pháp của đạo diễn Régis Wargnier công chiếu lần đầu năm 1992. Lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp, bộ phim là câu chuyện kể của Éliane Devries, một chủ đồn điền cao su người Pháp, về những sự kiện xảy ra trong giai đoạn bà sống ở Việt Nam. Dàn diễn viên chính của phim gồm Catherine Deneuve, Vincent Perez cùng diễn viên trẻ người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan. |
- Theo ông, khó khăn lớn nhất đối với một đoàn làm phim quốc tế khi quay tại Việt Nam là gì?
- Rất nhiều, từ khâu thủ tục pháp lý, vấn đề nội dung, sự va chạm trong tác phong làm việc đến thói quen “chặt chém” cố hữu của chúng ta và nhiều khó khăn khác. Rất mừng là những rào cản đó càng ngày càng được thảo dỡ và tới giờ thì có vẻ thoáng đãng hơn rồi.
- Ai cũng biết rằng, việc hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam với điện ảnh nước ngoài sẽ giúp chúng ta học hỏi được rất nhiều nhưng quá trình hợp tác này dường như bị chững lại trong những năm gần đây. Là người làm việc nhiều năm trong lĩnh vực điện ảnh, ông lý giải như thế nào về điều này?
- Tôi thấy năm nào cũng vẫn có những dự án được triển khai đấy chứ. Tuy nhiên có lẽ vì quy mô của những dự án đó không lớn, lại không do những nhà sản xuất khổng lồ của Hollywood chủ trì nên ít nhận được sự quan tâm của dư luận.
- Chúng ta cần làm gì để đẩy mạnh quá trình hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và quốc tế?
- Với những gì tôi biết, khó có thể coi những dự án này là "hợp tác", nói cho đúng, đó là “dịch vụ”. Chúng ta làm thuê cho họ để rồi sau đó nhận lương. Vậy thôi! Chỉ khi nào chúng ta có kịch bản hay, khiến nước ngoài đam mê và cùng chúng ta bỏ tiền ra ở mức độ hợp lý, hai bên cùng làm, khi đó mới gọi là "hợp tác" được.
Nhiều cảnh trong phim Đông Dương được quay tại Hạ Long - Quảng Ninh. |
- Đâu là lý do khiến ngày càng nhiều bộ phim nổi tiếng nước ngoài chọn Việt Nam là bối cảnh, thưa ông?
- Tôi chưa nhận thấy biểu hiện của cái gọi là "ngày càng nhiều" và hình như cũng chưa có số liệu thống kê nào về vấn đề này thì phải.
- Nhiều ý kiến cho rằng, điện ảnh là công cụ quảng bá du lịch hiệu quả nhất. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Đừng dùng từ "nhất"! Tôi nghĩ chỉ nên coi là điện ảnh là một trong những công cụ để quảng bá du lịch thôi.