Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phim ‘Ròm’ và hiện thực bồn rửa chén

Gây nhiều tranh luận sau khi ra mắt, bộ phim “Ròm” mang tới lát cắt cuộc sống gai góc của một bộ phận lao động nghèo trong xã hội.

Bình luận

phim Rom anh 1

Sau ba ngày đầu trình chiếu, Ròm thu hơn 30 tỷ đồng. Đó là thành công đáng kể đối với bộ phim trải qua nhiều gian truân trong quá trình phát triển, thực hiện, thẩm định và ra rạp.

Song, đi kèm với thành công phòng vé dành cho dự án tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng để thực hiện, vô số tranh cãi từ phía khán giả nảy sinh. Một bộ phận công chúng khen ngợi Ròm, nhưng cũng không ít người bày tỏ sự thất vọng trước bộ phim.

Hiện thực bồn rửa chén

Dù đi theo phong cách hiện thực xã hội (social realism), nhưng Ròm lại chọn hướng tiếp cận thô ráp hơn, mang hơi hướm “Kitchen sink realism” (tạm dịch: Hiện thực bồn rửa chén) vốn được khởi nguồn từ những năm 1950-1960 tại Anh.

Các tác phẩm đi theo hướng này khắc họa cuộc sống hàng ngày của người nghèo trong xã hội hiện đại, mô tả kiểu chi tiết đời thường bậc nhất - như chính tên gọi của trào lưu - từ đó đưa tới đề tài gai góc, bắt khán giả nhìn thẳng vào hiện thực khó khăn ấy, đối nghịch hoàn toàn với những tác phẩm “thoát ly hiện thực”, vui vẻ thông thường.

Cho dù được coi là khuynh hướng gắn liền với nước Anh, hình mẫu quen thuộc của hiện thực bồn rửa chén có thể xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới: đó là “gã trai trẻ tức giận” - những chàng trai tuổi đời còn non, chật vật kiếm sống, hay bực dọc và có những ước mơ khó mà đạt được.

phim Rom anh 2

Bộ phim lựa chọn hướng tiếp cận được gọi là “Kitchen sink realism”.

Dù vô tình hay hữu ý, nhân vật chính tên Ròm vẫn được xây dựng theo hình mẫu đó nhằm đại diện cho sự phản kháng trước hoàn cảnh, bất chấp kết quả có tích cực hay không. Theo chân Ròm, khán giả thấy hiện trạng cuộc sống nghèo, những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, những giấc mộng chẳng thành theo một cách trần trụi, bạo liệt.

Trận đánh nhau trên bãi sình của hai đứa trẻ được quay liền mạch và ít cắt tại hành động (cut on action) đã phô bày những va chạm nảy lửa thực sự, đem đến sự choáng váng cho người xem bởi tính bạo lực chân thực không thường thấy trên màn ảnh.

Cho dù việc đi theo khuynh hướng hiện thực dễ dàng khiến bộ phim thô ráp hơn, gai góc hơn, đạo diễn của Ròm đã cố gắng mô tả nỗi khổ cực một cách tự nhiên, không trau chuốt, không lãng mạn hay bần cùng hoá. Bộ phim chỉ “có gì nói đó”, mô tả cuộc sống thường ngày bấp bênh của người nghèo như chính bản chất vốn có.

Đoạn kết lơ lửng không vui, không buồn, đơn thuần mô tả sự vật lộn luẩn quẩn tìm kế sinh nhai và nuôi dưỡng ước mơ xa xôi, là minh chứng rõ ràng cho sự trung lập của bộ phim.

Ròm có thể khiến nhiều khán giả thất vọng vì chưa đem tới đoạn kết trọn vẹn sau khi đã cài cắm nhiều điều. Nhưng nếu được suy chiếu dưới góc độ một lát cắt cuộc sống của người dân nghèo mải miết chạy theo ước mơ xa vời, thì tác phẩm đã cho khán giả thấy một hình ảnh rõ ràng, không khoan nhượng, không lối thoát, về sự khốn khó của một nhóm người trong xã hội.

Hiểu thế nào về chất hiện thực trong Ròm?

Xét theo cấu trúc thông thường, bộ phim nói về hành trình kiếm tiền bất chấp để tồn tại và nuôi dưỡng giấc mơ gặp lại gia đình đã bỏ rơi mình của nhân vật chính, với cao trào là khi cậu quyết định nhận tiền để đốt khu chung cư mà bản thân đã gắn bó từ lâu.

Nhưng cũng không sai nếu có người khép phim vào thể loại slice of life (dòng phim mô tả cuộc sống hàng ngày của nhân vật nhằm làm nổi bật phong cách sống đó) và coi nó như một lăng kính để quan sát nhiều thân phận khác nhau được khắc họa chân thực nhất có thể.

phim Rom anh 3

Không ít khán giả tỏ ra chưa hài lòng với cái kết có phần lửng lơ của tác phẩm.

Bộ phim diễn ra đơn thuần như cuộc sống, không đầu - không cuối, với những tình huống nảy sinh bất ngờ và nhân vật sẽ phải tìm cách để đương đầu. Đôi lúc, phim có những tình tiết nảy sinh rất “đúng lúc”, đến độ gây cảm giác sắp đặt. Như khi Ròm vô tình tìm ra mộ của vợ con ông Khắc ngay sau một đêm, Ròm đang đói thì gặp đúng quán ăn của bà Ghi mà mình vừa gặp hồi chiều, bác sĩ nói về bệnh của con bà Ghi đúng khi Ròm ở đó…

Những chi tiết vô tình xuất hiện nhiều như vậy trong kịch bản thường bị cho là minh chứng của sự thiếu đầu tư. Nhưng trong bối cảnh của Ròm, khi tác phẩm cố đem đến sự tréo ngoe của cuộc sống và ai cũng chỉ mong chờ sự may rủi của số đề, thì có lẽ những tình tiết ấy càng làm nổi bật sự “từ trên trời rơi xuống” cho câu chuyện. Quả như tiền nhân đã dạy, “cuộc đời mà, ai biết được chữ ngờ.”

Bộ phim cố gắng tiệm cận với hiện thực nhất có thể. Điều đó vô tình gây ra một cuộc tranh luận rằng Ròm thực đến mức độ nào, khoảng bao nhiêu %, có đúng với cuộc sống đã và đang diễn ra ngoài kia hay không.

Có người cho rằng phim rất giống với những ký ức, những sự kiện mà họ từng chứng kiến ngoài đời. Có người lại bảo không giống lắm, tâm lý nhân vật người nghèo không như vậy ngoài đời đâu. Những tranh luận này là điều bình thường, bởi gốc rễ của nó là một vấn đề triết học đã được bàn cãi bấy lâu nay.

Theo triết gia Descartes, chúng ta khó có thể chắc chắn 100% hiện tại bản thân đang sống là hiện thực khách quan, bởi những gì chúng ta tiếp nhận đều mang tính chủ quan. Mỗi chúng ta đều quan sát và cảm nhận cuộc sống xung quanh dưới các góc nhìn khác nhau, dẫn tới việc sẽ có tranh cãi hiện thực của bạn không giống với của tôi. Do đó, nếu bạn nói Ròm không giống với hiện thực mà bạn biết, thì điều đó không có nghĩa rằng bạn sai, mà đơn thuần là hiện thực chủ quan của bạn không giống với ý niệm của đạo diễn.

phim Rom anh 4

Hãy coi bộ phim là hiện thực chủ quan của đạo diễn, chứ không phải hiện thực khách quan.

Như vậy, hiện thực trong Ròm có thể không giống ý bạn hay ý người viết, hay xã hội khách quan ngoài kia, nhưng chắc chắn đó là hiện thực chủ quan của đạo diễn - do nhà làm phim sáng tạo ra. Mọi thứ xuất hiện trong phim (như các nhân vật sống ra sao, đi đứng kiểu gì, hành động và suy nghĩ thế nào…) đều phản ánh quan điểm của đạo diễn về hiện thực xã hội và phải phục vụ ý đồ mà anh ta muốn truyền tải.

Một ví dụ nhỏ là cách khắc họa những người dân nghèo trong phim. Ngoài bà Ba với công việc bán bánh và căn phòng ra vẻ tri thức, khán giả không biết gì thêm về công việc, quan hệ của những người dân khác, ngoài việc họ có “máu số đề”. Đạo diễn xóa bớt tính đời sống của họ, để dồn sự tập trung vào ý tưởng “người nghèo mê số đề” nhằm làm bật thông điệp xã hội của bộ phim.

Đó là quan điểm chủ quan của người nghệ sĩ trong công việc tái tạo hiện thực mà bạn có thể đồng ý hay không. Nhưng khi anh ta truyền tải được một điều gì đó khiến người xem phải suy ngẫm về hiện thực quanh họ, thì đấy cũng đã là một thành công.

Bởi lẽ, Ròm thuộc số ít tác phẩm khiến khán giả phải trực tiếp chứng kiến nỗi đau của một nhóm người ít khi được cất tiếng nói trên màn ảnh. Dù hay hay dở trong mắt mỗi người xem, phim vẫn có tác dụng đánh động vấn đề hiện thực xã hội, giúp công chúng ngẫm nghĩ, và có thể mở đường cho các tác phẩm cùng thể loại trong tương lai.

Những tiếc nuối từ ‘Ròm’

Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trần Thanh Huy có nhiều điểm đáng khen, nhưng đồng thời để lại cảm giác chơi vơi, đôi phần tiếc nuối.

Phim ‘Ròm’ đón nhận nhiều luồng khen chê từ khán giả

“Ròm” được khen về dụng ý nghệ thuật, cảnh phim chân thực, diễn xuất tốt của diễn viên chính. Tuy nhiên, một số chi tiết và kết phim khiến người xem cảm thấy hụt hẫng.

Trung Rwo

Ảnh: CJ

Bạn có thể quan tâm