Phim Tết doanh thu 'khủng' hay không đều tại... rạp chiếu
Ít người biết, ngoài chuyện chất lượng thì việc cạnh tranh để vào được các rạp lớn trong mùa phim Tết luôn diễn ra quyết liệt giữa các nhà sản xuất, bởi dù phim có hay, hấp dẫn đến đâu nếu không có rạp cũng vẫn thua.
Hiện nay, toàn bộ thị trường Việt Nam đang có khoảng 300 rạp chiếu phim, trong đó số lượng rạp tính riêng hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM là 40 rạp. |
Nhìn lại phim Tết 2 năm gần đây, điều dễ nhận thấy là những phim có lịch chiếu tại các cụm rạp quy mô thuộc hệ thống Megastar, Galaxy Cinema và Lotte Cinema luôn đảm bảo doanh thu tốt. Tết 2012, bộ phim Hello cô Ba của hãng Phước Sang chiếm lĩnh thị trường và ôm về 35 tỷ đồng. Mặc dù Thiên mệnh anh hùng cũng "oanh tạc" các rạp nhưng do chi phí thực hiện quá cao nên 25 tỷ đồng từ doanh thu khiến nhà sản xuất phải rơi vào tình trạng nợ nần. Tết 2013 vừa qua, Nhà có 5 nàng tiên và Mỹ nhân kế cùng so kè nhau về doanh thu, lập kỷ lục mới cho phim Việt khi vượt qua con số 42 tỷ đồng của Long ruồi.
Tuy nhiên, không phải phim nào cũng có thể vào các rạp lớn. Với 10 cụm rạp Megastar, 3 cụm rạp Galaxy, 7 cụm rạp Lotte cùng khoảng 20 rạp vừa và nhỏ rải rác khắp toàn quốc mở cửa phục vụ khán giả, nhiều người nghĩ rằng các rạp sẽ dư sức "bảo kê" cho khoảng 5 phim ra mắt trong dịp Tết. Song, thực tế không phải 1 + 1 = 2.
Bộ phim Mỹ nhân kế do Galaxy Studio sản xuất nên có luôn được ưu tiên xếp lịch chiếu tại các rạp thuộc hệ thống Galaxy Cinema. |
Đối với những chủ rạp kiêm nhà sản xuất phim như Galaxy Studio hay BHD, đương nhiên họ phải ưu tiên cho những tác phẩm do mình thực hiện. Còn với những cụm rạp chỉ nhận phát hành thì điều kiện tiên quyết trong việc chọn lựa phim là doanh thu. Phim càng có nhiều sức hút sẽ được xếp lịch chiếu nhiều, ví dụ như Tết 2013 vừa rồi, Megastar đã đẩy Nhà có 5 nàng tiên lên 24 - 28 suất/ngày ở rất nhiều cụm rạp, trong đó cụm rạp Hùng Vương chiếu đến 28 suất/ngày. Bộ phim hài "độc quyền" của hai danh hài Hoài Linh và Việt Hương này cũng được tăng xuất tại nhiều rạp khác khi chủ rạp cảm thấy "ngon ăn". Điều đó cho thấy các chủ rạp rất sòng phẳng trong việc chọn phim chiếu, phim nào giúp họ kiếm nhiều tiền thì sẽ ưu ái cho phim đó.
Trước Tết khoảng 2-3 tháng, nhằm quảng bá cho sản phẩm, dù bộ phim có thể chưa hoàn thành nhưng các nhà phát hành đã phải tận dụng triệt để ưu thế của truyền thông cũng như mạng xã hội để "tô son trát phấn" cho đứa con tinh thần của mình. Ngoài việc tạo hiệu ứng lan truyền trong khán giả, đây là còn biện pháp đánh vào tâm lý của chủ rạp để "ghi thêm điểm" cho cuộc cạnh tranh giành quyền vào rạp.
Để có cửa vào các rạp lớn, một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là sự thỏa thuận ăn chia với chủ rạp. Thông thường, tỷ lệ ăn chia là 60-40 hoặc 50-50 giữa chủ rạp và nhà phát hành tùy theo "đẳng cấp" rạp và “độ hot” của phim. Song, không phải lúc nào tỷ lệ này cũng được áp dụng dễ dàng, cũng như đạt được thỏa thuận nếu như nhà sản xuất chưa tạo được uy tín hoặc mới gia nhập thị trường phim Tết. Đó là lý do vì sao Tết năm nay bộ phim Bay vào cõi mộng không có đất dụng võ, dẫn đến doanh thu thấp.
Lần đầu tiên sản xuất phim Tết, dù không có rạp nhưng nhờ nội dung tốt nên bộ phim Nhà có 5 nàng tiên do công ty Sóng Vàng và Ngôi Sao Thế Kỷ thực hiện đã chiếm lĩnh các xuất chiếu tại các rạp lớn nhỏ. |
"Doanh thu đi trước, nghệ thuật đi sau, cười vui là chính" - một nhà sản xuất kinh nghiệm đã đúc kết công thức phim Tết bằng một câu dí dỏm nhưng rất thực tế như thế. Chỉ có khoảng 4 tuần để "ăn no" nên không có chủ rạp nào lại chọn thời điểm nghỉ Tết để "làm từ thiện" cho những phim mà họ thấy trước thất bại, hay sự kén khách của những bộ phim nặng về nghệ thuật.
Vào được rạp, đã có lịch chiếu, suất chiếu nhưng nhà phát hành vẫn chưa thể "ngồi chơi xơi nước". Họ tiếp tục phải thực hiện các chiến dịch quảng bá, sau đó chia nhau túc trực tại các rạp, thấp thỏm theo dõi doanh thu từng ngày. Ngoài ra, để tránh bị "luộc" (ăn cắp bản quyền bằng cách quay lại trong rạp), nhiều nhà sản xuất còn thuê người đến từng phòng chiếu giám sát như trước đây hãng phim Phước Sang đã làm.
Có thể nói, để đưa một bộ phim ra rạp trong dịp Tết không phải chuyện đơn giản. Thành công của Nhà có 5 nàng tiên (tính đến nay đã thu về gần 52 tỷ chưa chia tỷ lệ ăn chia với các rạp) chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư hâm he nhảy vào. Tuy nhiên, như chia sẻ của bà Thùy Dương (công ty Ngôi Sao Thế Kỷ), nhà phát hành và đồng sản xuất bộ phim Nhà có 5 nàng tiên: "Có thể dễ dàng kiếm được 5-6 tỷ đề làm một bộ phim nhưng vấn đề đầu ra mới thật sự quan trọng. Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát hành phim chiếu Tết nhưng suốt mấy ngày Tết vừa qua, tôi vẫn phải thường xuyên có mặt tại các rạp chiếu phim, từ trong Sài Gòn ra đến Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Vất vả đấy, không phải chuyện đùa!".
ANH DƯƠNG
Theo Infonet