Tết là thời điểm duy nhất trong năm thị trường điện ảnh Trung Quốc vượt mặt Bắc Mỹ. Thậm chí tổng doanh thu trong bốn ngày năm mới tại Trung Quốc còn cao hơn thời điểm Giáng sinh và năm mới (dương lịch) kéo dài hơn một tuần tại thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới.
Rất nhiều bất ngờ và những cuộc đổi ngôi thú vị đã diễn ra tại mùa phim Tết năm nay.
Cuộc đua khốc liệt của tám bộ phim Tết Nguyên đán bắt đầu từ mùng một (5/2) tại thị trường đông dân nhất thế giới. Tác phẩm hài giả tưởng Crazy Alien - phần cuối trong bộ ba của đạo diễn Ninh Hạo - dẫn đầu cuộc đua trong hai ngày đầu tiên.
Lưu lạc địa cầu của Ngô Kinh gây ấn tượng mạnh. |
Nhưng trong hai ngày tiếp theo đó, Crazy Alien bị phim tâm lý - khoa học giả tưởng The Wandering Earth (Lưu lạc địa cầu) vượt mặt. Tác phẩm của Ngô Kinh vươn lên dẫn đầu tổng doanh thu trong 4 ngày Tết đầu tiên. Đây có thể nói là bất ngờ lớn nhất mùa phim Tết năm nay tại Trung Quốc.
Chiến trường đầy bất ngờ
Khởi đầu với vị trí thứ 4, nhưng nhờ phản hồi tích cực của giới phê bình và hiệu ứng truyền miệng của khán giả - chiêu marketing không mất tiền nhưng hiệu quả nhất - Lưu lạc địa cầu của đạo diễn Quách Phàm và diễn viên chính của Ngô Kinh vượt lên vị trí thứ hai trong mùng hai và vươn lên dẫn đầu trong mùng ba và mùng bốn Tết.
Tính đến hết ngày hôm qua (mùng bốn Tết), doanh thu Lưu lạc địa cầu tăng thêm 11,7% so với mùng ba, đạt doanh số 56,6 triệu USD (382 triệu NDT). Hiện tại, tác phẩm của Ngô Kinh đã thu về tổng cộng 174 triệu USD, chính thức trở thành quán quân của cuộc đua phòng vé phim Tết Trung Quốc.
Crazy Alien của Ninh Hạo với bộ ba diễn viên hài nổi tiếng Hoàng Bồ, Thẩm Đằng, Từ Tranh và ngôi sao Hollywood Matthew Morrison phá vỡ kỷ lục doanh thu trong ngày ra mắt đầu tiên, tiếp tục nhất bảng trong ngày thứ hai, đứng thứ hai trong ngày mùng ba. Tuy nhiên, đến hết ngày mùng bốn, bộ phim này tụt xuống vị trí thứ hai với tổng doanh thu 166,8 triệu USD.
Pegasus, phim hài về đề tài đua xe của Hàn Hàn, đạo diễn vốn xuất thân là nhà văn thần tượng, đứng chung cuộc ở vị trí thứ 3 với tổng doanh thu gần 120 triệu USD.
Tân vua hài kịch là một thất bại của Châu Tinh Trì, đặc biệt nếu so sánh với Mỹ nhân ngư. |
Bất ngờ lớn nhất có lẽ là Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì, ứng cứ viên được xem là sáng giá nhất trước khi khởi chiếu. Tân vua hài kịch khởi đầu khá chậm chạm và càng lúc càng bị bỏ rơi lại đằng sau.
Thậm chí đến ngày mùng bốn Tết, Tân vua hài kịch còn bị tụt xuống vị trí thứ năm trong cuộc đua và sau bốn ngày chỉ bán được 71,3 triệu USD tiền vé, đứng thứ tư chung cuộc và thua xa Mỹ nhân ngư, tác phẩm dẫn đầu mùa phim Tết năm 2016 với tổng doanh thu lên đến 526 triệu USD. Mỹ nhân ngư giữ vị trí kỷ lục phòng vé Trung Quốc trong hai năm trước khi bị Chiến lang 2 của Ngô Kinh soán ngôi.
Ở vị trí thứ năm sau bốn ngày Tết tại Trung Quốc là Boonie Bears: Blast Into the Past, bộ phim hoạt hình vui nhộn, với tổng doanh thu khoảng 50 triệu USD. Ba vị trí còn lại - những kẻ bị hất ra khỏi cuộc đua từ sớm - lần lượt thuộc về Đại chiến âm dương của Thành Long (16,2 triệu USD), Peppa Pig Celebrates Chinese New Year (13,9 triệu USD) và Intergrity (12,3 triệu USD).
Tổng doanh thu tính của mùa phim Tết Trung Quốc hết ngày mùng bốn đạt con số 4,2 tỷ NDT (622,6 triệu USD), vượt kỷ lục của năm ngoái và lập kỷ lục doanh thu cao nhất tại một quốc gia trên toàn cầu. Thậm chí, con số doanh thu bốn ngày Tết này còn cao hơn tổng doanh thu cả năm của thị trường điện ảnh Trung Quốc khoảng 10 năm trước.
Ngô Kinh trở thành vua phòng vé
Như vậy là chỉ sau bốn ngày Tết đầu tiên, Ngô Kinh lại trở thành ông vua phòng vé của Trung Quốc sau kỷ lục 854 triệu USD khó phá vỡ của Chiến lang 2 hồi mùa hè năm 2017. Lưu lạc địa cầu được dự báo đạt tổng doanh thu khoảng 500-600 triệu USD khi kết thúc cuộc đua phim Tết năm nay.
Nếu Lưu lạc địa cầu kiếm được 580 triệu USD trở lên, Ngô Kinh sẽ trở thành ngôi sao có hai bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc.
Ngô Kinh đang khẳng định vị thế vua phòng vé tại Trung Quốc. |
Việc trở thành ông vua phòng vé mới của Ngô Kinh là một bất ngờ khó dự đoán vài năm trước. Anh vốn là một diễn viên võ thuật hạng B và không được đánh giá cao về diễn xuất.
Nhưng bằng sự liều lĩnh khai phá sở trường và tấn công vào dòng phim hành động - bạo lực, cổ súy tinh thần dân tộc, Ngô Kinh đã được khán giả nội địa ủng hộ nồng nhiệt và trở thành một thế lực mới trong thị trường điện ảnh khổng lồ và phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong mùa phim Tết năm nay, với Lưu lạc địa cầu, Ngô Kinh một lần nữa chứng tỏ sức hút không thể chối cãi trong một bộ phim thuộc thể loại sci-fi (khoa học giả tưởng), vốn luôn là điểm yếu của điện ảnh Trung Quốc.
Với kinh phí hạng trung (khoảng 50 triệu USD), kịch bản được chuyển thể từ truyện ngắn The Three Body Problem của nhà văn Liu Cixin, Lưu lạc địa cầu ban đầu cũng không được tin tưởng làm nên chuyện do kịch bản và kỹ xảo luôn là điểm yếu của dòng phim khoa học giả tưởng của điện ảnh Trung Quốc.
Tuy nhiên, trái với mọi nhận định ban đầu, Lưu lạc địa cầu được giới phê bình khen ngợi nồng nhiệt và gọi đây là “bộ phim khoa học giả tưởng hay nhất” của Trung Quốc từ trước đến nay.
Rõ ràng, dòng phim sci-fi của Hollywood với những bom tấn thành công gần đây như Gravity (2013), Interstellar (2014) và The Martian (2015) đã truyền cảm hứng cho khán giả Trung Quốc, nhất là thời điểm chính phủ nước này đổ tiền cho việc khảo sát và chinh phục không gian bên ngoài cũng như các tuyên bố của họ trên bàn nghị sự quốc tế.
Giống như Chiến lang 2 giúp khán giả Trung Quốc tự hào rằng điện ảnh nước này có thể làm được những bộ phim hành động bom tấn liều cao, Lưu lạc địa đầu cũng kích thích lòng tự hào của khán giả nội địa với thể loại phim vốn không phải là thế mạnh của nước họ.
Trong phim, Ngô Kinh đóng vai một nhà du hành vũ trụ chạy đua với thời gian để giải cứu dân số đang quá tải của Trái đất, đưa họ lên sinh sống ở những hành tinh khác trong hệ mặt trời. Dù với số tiền kinh phí khiêm tốn, bộ phim được đánh giá là “xứng đáng từng xu” khi phải sử dụng tới hơn 7.000 người làm việc.
Phải chăng Châu Tinh Trì đã cạn dần sự sáng tạo? |
Nhà thiết kế bối cảnh Gao Ang cũng được khen ngợi khi tạo ra một bối cảnh rộng lớn và không khí “hậu tận thế”, gợi nhớ đến The Day After Tomorrow (2004) và Snowpiercer (2013) cũng như sức mạnh tiên tri của thời đại.
Các đánh giá tích cực khác cho rằng Lưu lạc địa cầu có tính sáng tạo trong chuyển thể từ tác phẩm gốc khi chỉ vay mượn ý tưởng do cốt truyện không còn được cập nhật (truyện ngắn được xuất bản năm 2000). Thậm chí, nhà văn Liu Cixin cũng hợp tác với đạo diễn trong vai trò là một trong những giám đốc sản xuất để bộ phim đạt được hiệu suất tốt nhất.
Trên Maoyan, Lưu lạc địa cầu đang được khán giả chấm điểm cao ngất ngưởng 9,4, trên trang phổ biến và khó tính hơn là Douban cũng đạt 8,4 điểm. Thậm chí IMDB cũng chấm điểm bộ phim 8.0 điểm, điều hiếm hoi đối với một tác phẩm Trung Quốc.
Cây bút John Berra trên tờ Screen Daily cho rằng mặc dù vẫn mang tính tuyên truyền và một số đoạn thoại hơi sáo rỗng, Lưu lạc địa cầu cho thấy tầm nhìn lý tưởng hóa về hành trinh chinh phục không gian của người Trung Quốc.
“Đoạn kết của bộ phim dài hơn 2 tiếng này có màn cháy nổ hoàng tráng thậm chí còn hơn cả phim của Michael Bay. Đồng thời bộ phim cũng cho thấy một bước nhảy vọt của dòng phim khoa học viễn tưởng Trung”, cây bút này đánh giá.