Điện ảnh và truyền hình Trung Quốc có không ít bộ phim đề tài tình yêu đôi lứa đã trở thành tượng đài kinh điển, được khán giả đại chúng yêu thích. Nổi bật trong số đó là những cái tên quen thuộc như Tân dòng sông ly biệt, Kim phấn thế gia, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Thiến nữ ưu hồn,...
Các tác phẩm này đi vào lòng người xem nhờ câu chuyện giàu ý nghĩa, đan xen tình yêu với những giá trị nhân văn và phản ánh xã hội ở nhiều góc độ sâu sắc. Trong sự trắc trở, lâm li còn có cả những xung đột giai cấp, những góc khuất lịch sử, nhưng khát vọng to lớn được truyền tải ý nhị.
Tuy nhiên, nếu không được xây dựng tinh tế, đúng hoàn cảnh, hợp lý với nhân vật, tình yêu trai gái có thể là thứ "thuốc độc" biến một bộ phim giàu tầng nghĩa trở nên uỷ mị, tầm thường và nghèo giá trị. Đó cũng là "vấn nạn" của điện ảnh và truyền hình xứ Trung những năm gần đây.
Tác phẩm kinh điển thành "nạn nhân" của ngôn tình
Với người hâm mộ Kim Dung, giờ đây cứ mỗi khi có tin loạt tiểu thuyết võ hiệp nào đó sắp được dựng lại, ai nấy lại đều lo ngay ngáy. Không biết lần này các đại hiệp tiếng tăm lẫy lừng sẽ bị xây dựng thành "soái ca" như thế nào, các tranh đấu giang hồ sẽ bị lu mờ ra sao trước chuyện tình tay ba, tay tư sướt mướt.
Tân Tiếu ngạo giang hồ đặt Lệnh Hồ Xung trong chuyện tình tay ba với Nhậm Doanh Doanh và ...Đông Phương Bất Bại |
Biên kịch tai tiếng Vu Chính bị xem là "tội đồ" của fan Kim Dung sau 2 bản làm lại Tiếu ngạo giang hồ và Thần điêu đại hiệp. Cả 2 bản "tân" này đều gây ngán ngẩm vì tạo hình nhân vật lòe loẹt, kịch bản tập trung vào chuyện yêu đương rắc rối.
Năm 2018, Tiếu ngạo giang hồ lại bị "lên thớt" với một bản phim mới còn tệ hơn cả bản 2013 của Vu Chính. Không chỉ bị chỉ trích vì diễn viên thiếu khí chất, bản phim 2018 tiếp tục đi theo hướng "ngôn tình hóa" nội dung khi đẩy chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung vào mối tình tay ba với Nhậm Doanh Doanh và ... Đông Phương Bất Bại.
Không biết từ lúc nào, phim Kim Dung đã bị gắn với hình ảnh những thiếu hiệp tạo hình màu mè, "gái tính" và tối ngày chỉ quan tâm chuyện yêu đương.
Đồng cảm với fan Kim Dung nhất có lẽ là những người yêu thích nguyên tác Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Các bộ phim bom tấn dựa trên Tây du ký là món ăn tinh thần quen thuộc trên màn ảnh rộng của người Trung Quốc mỗi dịp lễ Tết.
Hàng năm, các nhà sản xuất vẫn đầu tư kinh phí khủng để ra mắt các phiên bản Tây du ký khác nhau. Tuy vậy, các tác phẩm gần đây nhất đều trở thành "bom xịt", bị chính khán giả Trung Quốc quay lưng dù kỹ xảo hoành tráng, diễn viên đình đám.
Trong các bản phim ngoại truyện như Tây Du phục yêu thiên, Đại thoại Tây Du, Ngộ Không truyện, Tây du ký: Nữ nhi quốc,... thầy trò Đường Tăng đều được khai thác nhiều dưới góc độ ngôn tình sướt mướt.
Đường Tăng rung động trước tấm chân tình của Nữ vương trong Tây Du Ký: Nữ nhi quốc |
Riêng Đường Tăng bị "ghép đôi" nhiều nhất, từ tình yêu thống thiết với Đoạn tiểu thư, chút cảm nắng với ma nữ Tiểu Thiện đến đoạn tình dang dở với quốc vương Nữ nhi quốc.
Hành trình đi Tây Thiên thỉnh kinh bị biến thành chất xúc tác cho những chuyện tình đẫm nước mắt vốn không hề có trong nguyên tác.
Không chỉ vậy, nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cũng bị phim ảnh "bóp méo" bằng cách thêm thắt các yếu tố tình ái, cuộc đời thăng trầm của các ông vua bà hoàng chỉ được xây dựng quanh quẩn chuyện tình yêu.
Lệ Cơ Truyện, Võ Tắc Thiên truyền kỳ, Ba Thanh truyện,... đều bị chỉ trích vì xây dựng nhân vật uỷ mị, sai lệch lịch sử.
Khán giả đã "ngán" trai xinh gái đẹp yêu nhau
Trào lưu "ngôn tình hóa" phim kiếm hiệp, phim lịch sử, phim huyền ảo... được khởi nguồn từ sau cơn sốt phim, truyện ngôn tình. Làn sóng phim ngôn tình đã có sự ảnh hưởng sâu rộng đến văn hoá Trung Quốc nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung.
Khán giả, đặc biệt là người trẻ, được "tưới mát" bởi không khí thanh xuân và những chuyện tình lãng mạn của những trai xinh gái đẹp. Đã từ lâu, dàn diễn viên trẻ long lanh cùng một câu chuyện tình yêu ngọt ngào là công thức đảm bảo thành công cho nhiều dự án phim cả truyền hình và điện ảnh xứ Trung.
Tuy nhiên, món ăn nào ăn nhiều cũng chán, và khán giả ngày càng chán ngán phim ngôn tình đội lốt kinh điển. Bằng chứng rõ ràng là sự thất bại của hàng loạt dự án quy mô hoành tráng trên màn ảnh nhỏ và cả màn ảnh rộng Trung Quốc thời gian gần đây.
Tây du ký: Nữ nhi quốc có Triệu Lệ Dĩnh và Phùng Thiệu Phong nhưng vẫn lỗ gần 500 triệu NDT. Ngộ Không truyện chỉ được chấm 5/10 điểm ở Douban và nhận đủ "gạch đá" từ chính khán giả trong nước.
Tần Thuỷ Hoàng bị biến thành vị vua uỷ mị, quên mình vì mỹ nhân trong Lệ Cơ truyện |
Các dự án cổ tráng quy tụ dàn sao hot trên màn ảnh nhỏ như Cô phương bất tự thưởng, Lệ Cơ truyện, Tru Tiên: Thanh Vân Chí... đều có rating lẹt đẹt, bị giới phê bình và khán giả chỉ trích. Sau cú "ngã ngựa" của nhiều phim chuyển thể ngôn tình, thể loại vốn được yêu thích này đánh mất vị trí "át chủ bài".
Trên Weibo, không ít cư dân mạng Trung Quốc cho biết họ đã quá chán những câu chuyện tình yêu sướt mướt, phi thực tế xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh thời gian qua.
Đi cùng với sự sáo rỗng của ngôn tình là "vấn nạn" tạo hình loè loẹt, diễn viên diễn xuất kém, trang phục khoe thân quá đà... Việc thêm thắt yếu tố tình yêu một cách bất hợp lý, bất chấp thể loại và nhân vật đang biến nhiều phim điện ảnh và truyền hình Hoa ngữ trở thành "thuốc độc".