Phim truyền hình Hàn Quốc đang làm mới mình
Với những nội dung gần gũi cuộc sống hiện tại, kịch tính hơn, diễn biến nhanh hơn và ít lê thê hơn (hầu hết đều chỉ khoảng 20-30 tập), các bộ phim truyền hình Hàn Quốc gần đây thu hút sự quan tâm của khán giả.
Diễn viên Song Il Gook trong phim Vương quốc của gió. |
Có thể nói những năm 1990 là thời hoàng kim của phim truyền hình Hàn Quốc. Các phim (đã trình chiếu ở Việt Nam) như Con trai con gái (1993), Đồng hồ cát (1995), Mối tình đầu (1997)... luôn đạt tỉ lệ khán giả xem trên 60% thời ấy. Thế nhưng dần dà những bộ phim dài lê thê cả 100 tập, bỏ qua không xem hai ba tập vẫn không thấy diễn biến gì khác và suốt ngày sướt mướt với những môtip quen thuộc như bệnh ung thư, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, phân biệt tầng lớp, hoặc những cái chết bất ngờ của nhân vật chính để giải quyết vấn đề... không còn hấp dẫn người xem nữa.
Ba “ông lớn” của truyền hình Hàn Quốc - KBS, MBC, SBS - đều đầu tư cho tất cả các thể loại phim, nhưng mỗi hãng có một đặc trưng, thế mạnh riêng. SBS nổi tiếng với các phim truyền hình dài tập, mang tính đại chúng. MBC thì trung thành với các phim lịch sử. Còn SBS mạnh ở thể loại phim theo thời (trendy drama). (Theo Ha Hyung Heon, KhanNews) |
Giờ đây, sau thành công vang dội của Nàng Dae Jang Gum (2003, trên 50% khán giả xem) một thời gian dài, phim truyền hình Hàn Quốc đang khôi phục thời hoàng kim. Dĩ nhiên để đạt được điều này, các nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc phải làm mới mình bằng nhiều cách.
Hầu hết các phim mới đều chiếm trên 40% lượng khán giả, một tỉ lệ mong đợi và là tín hiệu khả quan cho các nhà làm phim hiện nay. Có thể phân tích một số đặc trưng chung khiến khán giả Hàn Quốc quay lại với phim truyền hình hiện nay như sau.
1. Những nhân vật chính “hiền lành, thật thà đến ngốc nghếch”
“Đại biểu quốc hội” Shin Jokuk và “thị trưởng thành phố” In Ju Shin Mi Rae (phải) trong phim City hall. |
Sống trong thời buổi chủ nghĩa vật chất ngày nay, nhiều người trong chúng ta quá coi trọng giá trị kinh tế, vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần đáng quý hơn. Thế nhưng vẫn có những “kẻ ngốc nghếch” kiên quyết giữ gìn những giá trị tinh thần đó, bất chấp khó khăn và phản ứng gay gắt của xã hội xung quanh.
Các nhân vật chính Go Un Seong trong phim Gia tài khổng lồ (2009), Shin Mi Rae trong Tòa thị chính (City hall) (2009), Gu Baek Dong trong Chỉ lặng lẽ nhìn em (2009) đang chiếu trên các kênh truyền hình Hàn Quốc chính là ví dụ điển hình.
Gia tài khổng lồ kể về cô gái Go Un Seong mồ côi và ngốc nghếch không nhận thừa hưởng một gia tài khổng lồ không phải của mình, mới chiếu được vài tập đã gây cơn sốt vì đánh đúng vào các vấn đề tâm lý của xã hội Hàn Quốc.
Hay Gu Baek Dong - một nhân viên bưu điện bình thường thậm chí hơi nhà quê - đã cảm hóa được cô diễn viên nổi tiếng Han Ji Su đang quay cuồng trong cuộc sống hào nhoáng và lợi nhuận thương mại, khiến cô quay về với bản chất thật của mình.
Nhân vật “ngốc nghếch” trong phim City hall không phải là nam mà là một nữ công chức cấp 10 (cấp thấp nhất) của tòa thị chính thành phố In Ju. Bị lợi dụng vì mục đích chính trị, được dựng lên làm thị trưởng thành phố, cuối cùng chính sự chân thật đến ngốc nghếch của cô trong việc đem lại lợi ích cho người dân đã thuyết phục được toàn thể nhân viên và người dân thành phố.
2. Phim lịch sử, dã sử vẫn giành được sự ưu ái
Bốn diễn viên chính trong phim Gia tài khổng lồ. |
Khác với các thể loại phim khác, phim lịch sử đòi hỏi đầu tư nhiều hơn và lâu dài hơn từ kịch bản đến phim trường, kinh phí. Bù lại, hầu hết phim đều thu hút được đông đảo các tầng lớp khán giả vì những sự kiện lịch sử được tô điểm thêm bằng yếu tố thần thoại, chuyện tình éo le của các nhân vật chính, sự xuất hiện của người anh hùng sau hàng loạt thử thách, phục trang đẹp mắt (EzdayNews, Nate). Nhưng có lẽ lý do lớn nhất chính là ý thức lịch sử và tinh thần dân tộc của người Hàn Quốc được giáo dục từ bé.
Tiếp theo sự thành công của các bộ phim cổ trang lịch sử như Thần y Hoe Jun (1999), Nàng Dae Jang Gum (2003), Truyền thuyết Jumong (2006), Hwang Jin Y (2006), các hãng truyền hình tiếp tục đua nhau đầu tư vào thể loại phim này. Năm 2008 có thể nói là năm bùng nổ của thể loại phim trên. Nhiều phim khi công chiếu đều nhận được sự quan tâm nhiệt tình của khán giả như Nhất chi mai, Hoa viên của gió, Vương quốc của gió...
Hơi khác với năm ngoái, các phim hiện đang chiếu như Nữ hoàng Seon Duk, Thái hậu Cheon Chu, Ja Myung Go đều kể về các nhân vật nữ chính. Từ trước đến giờ các nhân vật nữ trong phim lịch sử đều chủ yếu hoạt động trong cung hay trong bốn bức tường quanh nhà, “nhưng sự khác biệt của các phim lần này đã mang đến làn sóng mới cho phim cổ trang, dã sử” (Hankyoreh), khi”các nữ nhân vật chính trong ba phim trên đều có điểm chung là giỏi võ nghệ, giàu ý chí và hi sinh tất cả để bảo vệ đất nước” (SegyeNews).
3. Những thực tế xã hội
Bốn diễn viên chính trong phim Cain và Abel. |
Bộ phim Nữ hoàng của anh vừa kết thúc tháng 5 vừa qua đã thổi một làn gió mới cho phim truyền hình Hàn Quốc, không có các diễn viên trẻ đẹp nhưng vẫn thành công vang dội nhờ cốt truyện thực tế và sinh động. Phim xoay quanh chuyện của ba cặp vợ chồng tiêu biểu trong xã hội Hàn Quốc ngày nay.
Phim Cain và Abel, tựa phim lấy theo điển tích hai anh em trong Kinh thánh, kể về hai anh em khác mẹ khác cha, vì quyền lực và phụ nữ mà người anh và mẹ của anh ta tìm đủ cách hãm hại người em. Ngoài ra phim còn đề cập nhiều vấn đề khác hiện nay của xã hội Hàn như người tị nạn Bắc Hàn, y học hiện đại và sự đấu tranh giữa luân lý và lợi ích kinh tế... - những đề tài lôi cuốn nhiều tầng lớp khán giả theo dõi.
Một bộ phim khác là Những người con trai của hiệu thuốc tây Sol, một trong số ít kiểu phim truyền hình dài hơi (chiếu từ tháng 4) thành công. Trung tâm câu chuyện là bốn người con trai của một gia đình mà theo cách nhìn của bà mẹ là hoàn hảo từ ngoại hình đến năng lực kinh tế. Thế nhưng trong mắt người ngoài họ vẫn còn thiếu điểm nào đó nên vẫn chưa lấy được vợ. Điểm lớn nhất trong số đó là nếp nghĩ truyền thống về vai trò của con trưởng và con thứ trong gia đình. Thứ hai là sự giằng co giữa “bên tình anh em, bên tình đôi lứa”.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu chính sách công thương nghiệp của Hàn Quốc về hình ảnh đại diện của Hàn Quốc đối với người nước ngoài, phim truyền hình Hàn Quốc chiếm vị trí số 3 trong khi phim điện ảnh chỉ chiếm vị trí số 8. Và theo thông báo của Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc, kết quả này sẽ được phản ánh trong chính sách phát triển, xây dựng thương hiệu quốc gia. |
Theo Tuổi Trẻ