Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim về Phan Bội Châu đậm tình hảo hữu

Vượt qua bức màn của lịch sử cuối cùng tình bạn giữa nhân sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ người nhật Asaba Sakitaro đã bước ra ngoài ánh sáng sau 100 năm che dấu. Một câu chuyện đẹp được ra mắt đúng thời gian kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Nhật. Vượt qua những quy tắc giao đãi, lễ lạt, phim "Người cộng sự" vừa chiếu trên VTV vừa qua, đã chứng tỏ mình là một bộ phim hoàn thiện, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân hai nước

Một dự án phim quy mô, được hợp tác sản xuất từ Đài truyền hình Việt Nam và đài TBS Nhật Bản. Bộ phim không chỉ gói gọn trong 120 phút khô khan xung quanh những sự kiện lịch sử, mà nó còn thể hiện những giá trị của tình yêu thương, mối quan hệ hảo hữu sâu đậm giữa hai quốc gia, cụ thể hơn là tình bạn của Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro, hai người đàn ông nắm giữ những bí mật của lịch sử. 

Người cộng sự là dự án phim Việt - Nhật vừa được trình chiếu trên VTV và kênh truyền hình TBS của Nhật. Phim sẽ được chiếu lại trên VTV và các kênh truyền hình khác trên cả nước.

Người cộng sự không bắt đầu theo lối dẫn dắt thông thường mà thay vào đó tổng đạo diễn Jun Muto sử dụng hình ảnh tình bạn giữa hai người như một nhịp xuyên suốt, bắc ngang giữa quá khứ và hiện tại. 

Khi đó diễn viên Huỳnh Đông vào vai Phan Bội Châu và giám đốc Nam còn ở phía bên kia Higashiyama Noriyuki thủ vai Asaba Sakitaro và doanh nhân Suzuki Tetsuya. Khán giả sẽ theo chân Suzuki Tetsuya, người chấp nhận thách thức của Nam để tìm ra báu vật bí mật liên quan tới Phan Bội Châu và vị bác sĩ. Cứ thế mọi cánh cửa dần dần được mở ra, hé lộ một sự thật bất ngờ được chôn dấu kín trong suốt 100 năm.

Chơi chữ ngay từ tên phim

Ngay từ đầu bộ phim mang tên là Người cộng sự chứ không hề mang theo một tên gọi nào khác. Tại sao không phải tình bạn, hoặc tình hảo hữu hay một bí mật nào đó để thú hút người xem. Thực ra đây chính là một cách chơi chữ ngầm, theo quan niệm phương Tây, từ “partner” hay còn gọi là cộng sự được ám chỉ tới mối quan hệ vượt trên cả tình bạn, họ có thể sẵn sàng hy sinh cho nhau, hiểu ý nhau mà không cần phải nói ra. Họ có thể cãi nhau, có thể xung đột nhưng không lý do nào có thể phá vỡ được mối quan hệ đó. 

Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro cũng giống như vậy, hai người đàn ông dường như đứng chung chiến hào vào khoảnh khắc gặp nhau đã thay đổi toàn bộ số phận của họ. Người cộng sự là một bộ phim tốt, thậm chí nó hoàn toàn xứng đáng với hai chữ “bom tấn” truyền hình. Bởi lẽ phim có một kịch bản đầu tư rất công phu, với sự dẫn dắt, nhịp nhàng, tinh tế, toát lên vẻ đẹp quyến rũ của hai nước Việt - Nhật thông qua con người, hình ảnh, nếp sống, phong cách ăn mặc. 

Bộ phim không chỉ dừng lại ở ngưỡng tài liệu lịch sử khô khan mà trên hết nó đã vượt qua cả thời gian để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về hiện tại khi mà phim xuất hiện những mối nhân duyên giữa Hồng Liên (Lan Phương) và doanh nhân Suzuki Tetsuya, hay sự trùng phùng đầy bất ngờ của vị doanh nhân này với giáo đốc Nam, phảng phất lại chút hình ảnh của quá khứ 100 năm về trước.

Lan Phương vào vai người yêu của một doanh nhân Nhật Bản.

Thưởng thức Người cộng sự không giống xem phim thông thường, cái hay ở chỗ phim dẫn dắt người xem một cách logic giống như ta đang đọc một cuốn sách, từ từ chậm rãi bước qua từng chương, vén dần lên tấm màn sự thật. Nhịp phim cũng được cân chỉnh cho hợp lý, không dồn dập, cũng không quá chậm, đủ để mọi khán giả có thể kịp nắm bắt được hết sự kiện trong phim. 

Bằng cách để lại những lát cắt của cả quá khứ lẫn hiện tại, các đạo diễn muốn nhắn nhủ đến chúng ta nhiều hơn về tương lai phía trước. Việt Nam - Nhật Bản đã có một mối quan hệ đẹp trong quá khứ vì thế hãy vun đắp nó bằng tất cả tình yêu

Hệ thống nhân vật tuyệt vời

Mặc dù bộ phim có nhiều tuyến nhân vật nhưng giữa họ đều có một mối liên quan vô hình với nhau. Bất luận là quá khứ hay hiện tại, mỗi nhân vật đều thể hiện tốt vai trò của mình như một bánh răng ăn khớp để giúp nội dung phim liền mạch, rõ ràng, không thừa thãi, không màu mè. Tinh thần của người Nhật thể hiện dưới hình ảnh mạnh mẽ của vị bác sĩ đáng kính Asaba Sakitaro. Ở trong ông là một tình bạn, sự hy sinh hết mực cho Phan Bội Châu, một giá trị lịch sử đậm nét không thể xóa nhòa. 

Nhiều người đã đặt câu hỏi cho sự xuất hiện của Liên, một cô gái Việt với tình yêu xa xứ. Sự xuất hiện của Liên giống như việc cân bằng lại của phim. Nếu hình ảnh của Nhật Bản trong quá khứ là người anh cả hết lòng cứu cậu em ra khỏi cơn nguy khốn, thì Liên là đại diện cho câu trả lời Việt Nam hiện tại, hình ảnh người phụ nữ với vẻ đẹp dịu dàng và tình yêu vô bờ bến. 

Hiểu rộng ra thì đây chính là những tình cảm chân thành nhất mà những người con Việt Nam dành cho người anh em cách xa 3600 cây số. Hay việc suốt hiện cô y tá Akane, mặc dù nhân vật này hoàn toàn là hư cấu, nhưng bản thân cô gái lại chính là một trong những chiếc chìa khóa để mở bí ẩn về cuối phim. Chi tiết làm ta nhớ đến cô bé Sakura, người chấp nhận Liên như một người mẹ thứ hai của mình.

Phải chăng các đạo diễn muốn gửi thông điệp xa hơn tới các thế hệ tiếp cận, những người trực tiếp xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia. Bấy nhiêu nội dung thôi để gói gọn, truyền tải hết trong vòng 120 phút quả là một điều đáng để ngưỡng mộ.

Dàn diễn viên được tuyển chọn cho phim cũng vô cùng chất lượng, bên phía Nhật Bản là diễn viên Higashiyama Noriyuki, người được biết tới như một gương mặt đại diện của xứ sở hoa anh đào. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của nữ diên viên xinh đẹp Emi Takei và sẽ là nếu thiết sót nếu quên đi diễn viên nhí Mana Ashida. Về phía Việt Nam cũng không kém cạnh khi Huỳnh Đông, Nguyễn Lan Phương đứng ra nhận trách nhiệm. 

Người Nhật Bản khi làm phim rất coi trọng thần thái các nhân vật, vì thế Huỳnh Đông như một câu trả lời hoàn hảo, anh thể hiện tốt nhân vật Phan Bội Châu. Anh đã giúp cho hình ảnh của vị nhân sĩ này sống lại qua từng thước phim với tinh thần yêu nước cháy bỏng. Huỳnh Đông đã thành công và với vai diễn này anh đã không làm cho khán giả phải thất vọng. Diễn xuất của Higashiyama Noriyuki chất lượng không thể bàn cãi, nhưng bên cạnh anh còn những điểm sáng như Emi,Mana Ashida giúp bức tranh về những con người xứ sở phù tang thêm phần hoàn thiệt, vẹn toàn.

Cảnh quay đẹp, âm nhạc tốt

Điều đặc biệt là khi người Nhật làm phim khán giả có thể dễ dàng nhận biết bởi cách sắp đặt cảnh quay của họ. Với những cú lia máy chậm đặc trưng, từ xa tới gần nhằm toát lên vẻ đẹp thiên nhiên hai nước, những hình ảnh không phải “vô tình” được lọt vào ống kính. Nhằm đáp ứng cho thị hiếu văn hóa của hai nước phim cũng vẫn có những đoạn giới thiệu nho nhỏ về nếp sống, phong tục với sự chuẩn bị công phu lên tới 2.000 bộ trang phục và diễn viên quần chúng. 

Địa điểm quay phim cũng được trải dài theo các vùng miền của đất nước, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, cho tới các thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Nagoya… Khi nhịp phim chậm thì nhạc phim biến thành một yếu tố quyết định để tăng sự kịch tính và cao trào. Những bản nhạc du dương, lúc trầm lúc bổng hòa cùng với một bức tranh thiên nhiên đẹp khiến khán giả không còn cảm thấy nhàm chán, ngoài ra nó còn tô điểm cho tình bạn của Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro thêm đậm nét

Để kỷ niệm cho 40 năm quan hệ Việt - Nhật sự xuất hiện của Người cộng sự giống như một câu trả lời chắc chắn về sự bền chặt của hai nước. Thông qua những giá trị lịch sử được chôn giấu, những mối quan hệ vô hình vượt qua biên giới để tới với nhau, NSƯT Phạm Thanh Phong và đạo diễn Jun Muto đã làm nên một bộ phim hấp dẫn khán giả.

Minh Trí

Bạn có thể quan tâm