Phim Việt 2012: Thảm họa đạt đến 'đỉnh'
Phim điện ảnh đua nhau ra rạp nhưng chất lượng không tốt, phim truyền hình rớt giá thảm hại và một liên hoan phim quốc tế gây chú ý dư luận nhờ... một khách không mời có sở thích khoe thân.
Đã đi gần hết năm 2012, nhìn lại hoạt động của phim Việt trong năm qua, những ai là khán giả quan tâm đến tình hình phát triển của điện ảnh-truyền hình trong nước sẽ tiếp tục lắc đầu, buồn nhiều, vui ít. Dưới đây là 3 mấu chốt chính khiến làng phim chưa thể sáng sủa thêm.
Thảm họa điện ảnh đạt đến "đỉnh"
Bộ phim Nàng men chàng bóng đã nhận những lời chỉ trích nặng nề nhất. |
Mặc dù sự xuất hiện của Scandal và trước đó là Thiên mệnh anh hùng - những tác phẩm điện ảnh chất lượng của đạo diễn Victor Vũ hay Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh xoa dịu phần nào sự u ám của màn ảnh Việt chiếu rạp nhưng hiệu quả của nó vẫn không thể làm mất "dư vị" của những lời chỉ trích nặng nề dành cho "siêu phẩm nhảm" mang tên Nàng men chàng bóng của đạo diễn Võ Tấn Bình.
Nàng men chàng bóng được xem là "đỉnh điểm" của thảm họa phim Việt với kiểu làm phim câu khách, rẻ tiền và không thể nào "cảm" được. Tuy được đầu tư chi phí cao, có những cảnh quay đẹp nhưng những yếu tố đó vẫn không đủ để khán giả, giới báo chí bớt đi sự khắt khe trong việc đánh giá, bình phẩm tác phẩm này.
Vì Nàng men chàng bóng quá "nổi bật" nên vô tình "giảm án" cho những bộ phim khác cũng "xứng đáng" liệt vào danh sách "Thảm họa phim Việt" năm qua như Ranh giới trắng đen hay Gia sư nữ quái.
LHP quốc tế được hâm nóng nhờ màn khoe thân của... khách không mời
Nhờ Hồng Quế, khán giả trẻ biết đến LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai. |
Chuyện LHP điện ảnh dù quốc tế hay quốc nội ở nước ta được tổ chức ra không dành cho khán giả là chuyện này đã cũ, hay có thể gọi là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng cứ sau mỗi kỳ LHP, người ta lại chạnh lòng vì khán giả gần như đứng ngoài "cuộc vui". Từ LHP Việt Nam, đến giải Cánh diều vàng hay mới đây là một LHP mang tầm quốc tế với danh xưng LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai đều diễn ra một cách trầm buồn.
So với lần trước, LHP quốc tế Hà Nội năm nay đã ít nhiều được dư luận khán giả quan tâm hơn, nhưng đáng tiếc, sự chú ý không đến từ cách tổ chức, những ngôi sao nước ngoài bước trên thảm đỏ hay một bộ phim "gây chấn động" nào đó. Mà nói một cách chính xác và thẳng thắn, nếu không có chiếc váy xuyên thấu của Hồng Quế - vị khách không mời mà đến, có lẽ chẳng khán giả nào - nhất là các bạn trẻ vốn vẫn xem phim mỗi ngày, biết rằng có một LHP "đẳng cấp quốc tế" đang diễn ra tại chính nơi mình sinh sống.
Phim truyền hình "rớt giá"
Nhiều bộ phim truyền hình lên sóng, rồi kết thúc một cách lặng lẽ, chẳng gây được hiệu ứng gì (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Việc đẩy mạnh số lượng phim Việt trên sóng truyền hình đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim tung hoành với mấy chục đầu phim nhiều tập ra đời mỗi năm. Khán giả được thưởng thức nhiều món ăn từ những nhà làm phim trong nước, thay vì cứ ăn mãi những món kim chi của Hàn Quốc hay bánh bao của Hong Kong, Trung Quốc.
Thế nhưng, chính vì ưu ái "người Việt xem phim Việt" mà thời gian gần đây, sóng truyền hình xuất hiện hàng loạt những bộ phim kém chất lượng, nội dung sơ sài, quay nhanh quay ẩu với những câu chuyện na ná nhau, sạn nhiều hơn... ăn cơm độn.
Nếu như trước đây, mỗi năm vẫn có một, hai bộ phim truyền hình tạo được dư luận tốt thì trong năm qua, thật khó để tìm một phim khiến khán giả phải tranh luận, bình luận xôn xao với những chủ đề dài hàng trăm trang trên các trang web phim ảnh. Thậm chí, để "hút" người xem, bộ phim Thời gian để yêu phải dùng đến "chiêu" kêu gọi khán giả nhắn tin dự đoán tình huống tiếp theo với giải thưởng là những chiếc iPad sành điệu. Tuy nhiên, cách làm tích cực này vẫn không thể giúp bộ phim "hot" như mong đợi của nhà sản xuất. Riêng bộ phim Cầu vồng tình yêu, dù được yêu thích, song sức lan tỏa không rộng, không tạo "sốt" như Cổng mặt trời, Gọi giấc mơ về, Bỗng dưng muốn khóc… của mấy năm trước.
Đã có rất nhiều bài phân tích, phê bình sự "rớt giá" của phim truyền hình Việt, nhưng nhìn chung, sở dĩ phim Việt trên màn ảnh nhỏ mất sức hút chính vì kiểu làm phim "ăn xổi ở thì" và thái độ "làm cho xong" của cả nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên.
Kịp nhận ra điều đó nên mới đây, các đài truyền hình bắt đầu đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế đưa lên sóng những tác phẩm "nửa vời", kém chất lượng. Hy vọng với tình hình này, năm 2013 tới đây người xem được thưởng thức nhiều bộ phim hay, hấp dẫn đúng nghĩa.
ANH DƯƠNG
Theo Infonet