Vài ngày trước, phim Không nói được (đạo diễn Trần Việt Anh) bất ngờ lộ diện và cho biết sẽ ra rạp ngày 7/11 - đây có thể là một ví dụ điển hình cho “hành tung” khó hiểu, vì trước đó bặt vô âm tín.
Đạo diễn Không nói được chính là nhà sản xuất/đạo diễn các MV ca nhạc, từng ồn ào trên mạng với MV Anh không đòi quà. Theo lẽ thường, phim sẽ được truyền thông rầm rộ theo hướng “ăn theo” chuỗi MV Anh không đòi quà với hàng triệu người xem, thế nhưng phía sản xuất lại chọn hướng bí mật tuyệt đối, nghĩ cũng lạ. Y như Mất xác bất ngờ lộ diện khi phim chỉ còn khoảng 1 tháng là công chiếu.
Càng lạ hơn khi mà dịp cuối năm này có nhiều phim Việt ra rạp với chiến dịch truyền thông đậm nét như Scandal - Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Hương ga, Lạc giới, Để Hội tính, Chàng trai năm ấy, Sài Gòn Tây du ký…
Bí ẩn có lý?
Nhìn vào thông tin thiếu hụt, có thể thấy nhiều phim đang bấm máy xong, hoặc đang hậu kì nhưng hành tung vẫn khá bí ẩn. Có thể kể đến Siêu nhân X (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Chuyện ba cô nàng (do Chánh Phương sản xuất), Ngày nảy ngày nay (do công ty của Ngô Thanh Vân đồng sản xuất), Sơn đẹp trai (đạo diễn Trương Quang Thịnh), Dịu dàng (đạo diễn Lê Văn Kiệt)… Đây là chưa nói một số phim đã bấm máy nhưng chưa tiết lộ cụ thể về kịch bản, ê-kíp.
Không nói được ra rạp ngày 7/11 là một bất ngờ với giới truyền thông và người xem. |
Sự bất minh này có thể đến từ thực tế. Đầu tiên là do phía sản xuất muốn tạo sự bất ngờ, nhằm thu hút vào phút cuối. Kế đến là do phía sản xuất không tự tin, làm phiêu, sợ lộ diện sớm sẽ bị “đập”. Và cuối cùng, có những phim được truyền thông bài bản như Đường đua, Lửa Phật, Hiệp sĩ mù… nhưng ra rạp thất bại doanh thu, còn những phim bất ngờ “tung chiêu” như Yêu thuê, Mất xác… lại có lãi.
Tất cả sự lộ diện hay bí ẩn trên đây chỉ muốn hướng đến dịp ra rạp cuối năm 2014 với “lời hứa” rằng phim đã có nơi chịu phát hành. Bởi với phim giải trí do tư nhân sản xuất, nhà phát hành mới là cứu tinh của họ. Những phim có đầu tư tương đối bài bản thì tự tin tung chiêu để thu hút nhà phát hành ngay từ đầu; những phim thời vụ thì muốn dùng “hành tung bất minh” để tạo sự bất ngờ, vì biết đâu phút chót có nhà phát hành thiếu tỷ lệ phim Việt sẽ gật đầu. Có một vài nhà sản xuất vẫn còn tồn 3-4 phim chưa thể ra rạp. Nghe đâu Không nói được cũng là một phim tồn như vậy.
Vẫn hài là chính
Trong lúc cụm rạp và các phòng chiếu chất lượng đang tăng trưởng hàng quý tại Việt Nam thì đầu tư cho phim vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Mùa phim Việt cuối năm nay là một ví dụ, phần lớn là phim có kinh phí thấp. Năm ngoái hãng phim Hoàng Thần Tài “hô biến” phim truyền hình thành phim chiếu rạp, thì năm nay Mỹ nam kế (đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm) cũng chưa hẳn đã khá hơn về kinh phí, dù từ đầu đã xác định chiếu rạp. Ngay cả Chàng trai năm ấy (đạo diễn Quang Huy) và Siêu nhân X cũng vậy.
Ngoài chuyện thấp về đầu tư, để an toàn về thu hồi vốn, phần lớn các phim dịp cuối năm chọn thể loại hài, hoặc ngay trong các thể loại khác thì cũng lấy hài làm trọng tâm. Người Việt tại địa bàn TP.HCM (nơi quyết định đến 60-70% tiền vé) thích phim hài hước. Đó là thực tế, nhưng điều này cũng phản án tâm lý sợ thua lỗ của nhà sản xuất. Những phim có kinh phí lớn hoặc chất lượng nghệ thuật thì thường vắng khách, đó là một yếu tố làm các nhà sản xuất phải kinh sợ.
Văn hào Virginia Woolf từng viết: “Thực tình thì không có gì khó khăn như tiếng cười, nhưng cũng không có một phẩm chất nào có giá trị hơn”. Thế nhưng thật khó để yêu cầu các nhà sản xuất phim Việt đạt đến giá trị này, vì khán giả nào thì phim đó, nên phim Việt ngày càng nhiều, nhưng giá trị thẩm mỹ thì phập phù đến “không nói được”.